Quang cảnh hội thảo(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 8/4, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM tổ chức hội thảo góp ý dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo. Thành ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách ĐBQH TPHCM Hà Phước Thắng chủ trì hội thảo.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, đại diện doanh nghiệp công nghệ và các sở, ngành liên quan... cho rằng Luật Khoa học và Công nghệ hiện hành đã bộc lộ những điểm bất cập, chưa bắt kịp với xu thế phát triển mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Do đó, việc xây dựng và ban hành một đạo luật mới, tích hợp các nội dung về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là cần thiết và cấp bách.
Các đại biểu cho rằng, luật mới cần cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội XIII và Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về hoàn thiện thể chế, xóa bỏ các rào cản, phát huy tối đa vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong phát triển đất nước. Nhiều ý kiến đề xuất cần xây dựng thể chế theo hướng mở, linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ.
Đồng chí Hà Phước Thắng điều hành hội thảoLuật sư Trương Thị Hòa cho rằng, bên cạnh việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, dự thảo luật cần đề cao yếu tố đạo đức trong hoạt động khoa học và công nghệ. Luật sư Trương Thị Hòa đề xuất bổ sung nguyên tắc trung thực, chính xác, khách quan, đạo đức nghề nghiệp trong nghiên cứu, đồng thời thành lập hội đồng đạo đức khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để giám sát hoạt động trong lĩnh vực này.
Về ứng dụng công nghệ tự động, Luật sư Trương Thị Hòa nhấn mạnh, cần quy định rõ trách nhiệm pháp lý đối với các rủi ro do hệ thống tự động gây ra, đảm bảo lấy con người làm trung tâm và đặt công nghệ dưới sự kiểm soát của con người.
Đại biểu Trương Thị Kim Chi, đại diện Công ty TNHH MTV Phát triển Công viên phần mềm Quang Trung, góp ý về quy định nhà đầu tư cá nhân trong khởi nghiệp sáng tạo. Theo đại biểu Trương Thị Kim Chi, việc giới hạn điều kiện chỉ dành cho những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ là không hợp lý, thiếu rõ ràng và có thể làm giảm cơ hội của nhiều nhà đầu tư tiềm năng. “Một cá nhân có tài sản, kinh nghiệm kinh doanh nhưng chưa từng hoạt động trong lĩnh vực công nghệ vẫn có thể là nhà đầu tư hiệu quả” – đại biểu Trương Thị Kim Chi nhận định.
Bên cạnh đó, nhiều đại biểu đề nghị luật cần có chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, bao gồm việc phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo, vườn ươm doanh nghiệp công nghệ, quỹ đầu tư mạo hiểm và các chính sách ưu đãi về tài chính, thuế, thủ tục hành chính cho doanh nghiệp khởi nghiệp.
Về nguồn nhân lực, hội thảo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tích hợp các nội dung công nghệ cao như lập trình, AI, STEM vào chương trình giáo dục phổ thông. Đồng thời, cần có chính sách đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và tạo cơ chế hợp tác hiệu quả giữa trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp để đào tạo nhân lực sát với nhu cầu thực tế.
Các đại biểu tham quan triển lãm về công nghệ của Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức. (ảnh Nguyễn Nam)Đặc biệt, các ý kiến đề xuất xây dựng chính sách thu hút, giữ chân nhân tài trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thông qua các chế độ đãi ngộ về lương, thưởng, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kể cả với chuyên gia làm việc theo hợp đồng dự án ngắn hạn.
Các đại biểu nhấn mạnh, việc xây dựng Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo cần bảo đảm tính toàn diện, khả thi và mang tầm nhìn dài hạn, nhằm đưa khoa học và công nghệ thực sự trở thành động lực phát triển quan trọng của đất nước trong thời đại mới.