Quang cảnh hội thảo(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 8/4, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM tổ chức hội thảo góp ý Dự án Luật Việc làm (sửa đổi). Thành ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM Nguyễn Trần Phượng Trân chủ trì hội thảo.
Tại hội thảo, các đại biểu đánh giá dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) có nhiều điểm kế thừa tích cực từ Luật Việc làm năm 2013, đồng thời bổ sung, điều chỉnh phù hợp với chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và yêu cầu trong bối cảnh hội nhập sâu rộng. Dự thảo được kỳ vọng góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý điều chỉnh thị trường lao động, nâng cao chất lượng việc làm, bảo đảm quyền lợi người lao động (NLĐ), người sử dụng lao động và hiệu quả quản lý nhà nước.
Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Các đại biểu cho rằng, thời gian qua, nhiều NLĐ là “nạn nhân” của tình trạng doanh nghiệp nợ, trốn đóng BHTN, khiến họ không được hưởng đầy đủ chế độ dù đã tham gia lao động. Vì vậy, cần quy định rõ việc người lao động được tính thời gian đóng và hưởng tương ứng đến thời điểm thực tế đã đóng, không bị ảnh hưởng bởi lỗi của doanh nghiệp. Đồng thời, kiến nghị mức trợ cấp thất nghiệp hàng tháng nên bằng 60% mức lương bình quân 6 tháng đóng BHTN gần nhất hoặc cả quá trình đóng để đồng bộ với Luật Bảo hiểm xã hội.
Đồng chí Phạm Văn Hiền góp ý tại hội thảo Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề xuất mở rộng đối tượng tham gia BHTN, đồng thời tạo điều kiện để NLĐ tự lựa chọn thời điểm chốt BHTN, phù hợp với quá trình lao động thực tế và giảm thiểu thiệt thòi cho người lao động trong bối cảnh các doanh nghiệp gặp khó khăn.
Góp ý về chính sách đào tạo nghề, các đại biểu nhận định hiện nay việc đào tạo còn chưa gắn với nhu cầu thị trường, dẫn đến tình trạng NLĐ làm trái ngành, lãng phí nguồn nhân lực. Do đó, cần bổ sung quy định về dự báo thị trường lao động, kết nối giữa cơ sở đào tạo nghề và doanh nghiệp.
Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Liên đoàn Lao động TPHCM Phạm Văn Hiền đề xuất cho phép doanh nghiệp cấp giấy chứng nhận nghề, bởi thực tế hầu hết NLĐ đều phải đào tạo lại khi vào làm việc.
Đại biểu góp ý tại hội thảo Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ vay vốn đào tạo nghề cần được điều chỉnh phù hợp với từng vùng, từng nhóm đối tượng để phát huy hiệu quả thực chất, tạo động lực học nghề và chuyển đổi việc làm.
Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM Ung Thị Xuân Hương đề xuất bổ sung chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ, người cao tuổi, người khuyết tật và người dân tộc thiểu số. Đại biểu Ung Thị Xuân Hương nhấn mạnh, đặc thù của các nhóm lao động này khiến họ gặp khó khăn trong tiếp cận việc làm, trong khi tỷ lệ lao động nữ trong xã hội hiện rất cao.
Giám đốc Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân TPHCM Nguyễn Văn Lượng phát biểu tại hội thảo Đồng thời, các đại biểu kiến nghị xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động và việc làm, không chỉ dừng ở dữ liệu người lao động, nhằm kết nối hiệu quả giữa cung – cầu lao động, hỗ trợ công tác quản lý và hoạch định chính sách đào tạo, việc làm.
Một số ý kiến cũng lưu ý việc tránh trùng lặp giữa Luật Việc làm và Luật Bảo hiểm xã hội, chỉ nên giữ lại các nội dung liên quan đến việc làm và chính sách hỗ trợ trực tiếp tạo việc làm cho người lao động. Cơ quan soạn thảo cần có đánh giá tác động cụ thể của BHTN đối với thị trường lao động để điều chỉnh chính sách cho phù hợp và khả thi.