Thứ Sáu, ngày 18 tháng 10 năm 2024

Huy động tiềm lực con người trong mỗi cộng đồng dân cư để xây dựng văn hóa, phát triển đất nước

Đồng chí Trương Thị Bích Hạnh phát biểu tại Hội thảo

(Thanhuytphcm.vn) – Tại Hội thảo “Triển khai thực hiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới gắn với thực tiễn vùng Đông Nam bộ” do Thành ủy TPHCM tổ chức ngày 16/10, các đại biểu đã chia sẻ những cách làm hay; đồng thời cho rằng để triển khai thực hiện hiệu quả các hệ giá trị cần đẩy mạnh công tác phát triển giáo dục; huy động tiềm lực con người trong mỗi cộng đồng dân cư để xây dựng văn hóa, phát triển đất nước…

Tăng cường vai trò của gia đình, cộng đồng trong phát triển văn hóa

Từ kết quả triển khai thực hiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới tại địa phương, đồng chí Đào Thị Lanh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tỉnh Bình Phước chia sẻ, qua quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nghị quyết của Đảng về văn hóa trên địa bàn tỉnh, có thể rút ra một số kinh nghiệm. Đó là phải thường xuyên tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; nắm vững, quán triệt sâu sắc các quan điểm của Đảng, các nhiệm vụ, giải pháp mà nghị quyết đề ra; chú trọng công tác kiểm tra, giám sát và sơ, tổng kết việc triển khai các nhiệm vụ, mục tiêu về văn hóa. Đồng thời, cần đẩy mạnh công tác phát triển, giáo dục nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về tư tưởng, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, thanh thiếu niên và nhân dân làm tiền đề cho xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Đồng chí Đào Thị Lanh phát biểu tại hội thảo Đồng chí Đào Thị Lanh phát biểu tại hội thảo

Cùng với đó là luôn nêu cao tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong việc tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, xây dựng nếp sống văn minh, xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa. Cán bộ, đảng viên phải là tấm gương văn hóa cho quần chúng noi theo, nhất là cán bộ chủ chốt. Trong xây dựng và phát triển văn hóa theo tinh thần Nghị quyết 33, cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, tạo môi trường thuận lợi cho văn hóa phát triển. Chăm lo đào tạo, bồi dưỡng để xây dựng đội ngũ cán bộ văn hóa các cấp, đội ngũ văn nghệ sĩ giỏi về chuyên môn, có bản lĩnh chính trị vững vàng, gắn bó mật thiết với Nhân dân, luôn nỗ lực, phấn đấu vì sự phát triển chung của tỉnh…

Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương Trương Thị Bích Hạnh cho rằng, thực hiện các hệ giá trị không khoán trắng cho ngành văn hóa, mà cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Huy động tiềm lực văn hóa, con người trong mỗi cộng đồng dân cư, cộng đồng văn hóa để thực hiện có kết quả các hệ giá trị.

Theo đồng chí Trương Thị Bích Hạnh, các đặc điểm thực tế địa phương Bình Dương - Đông Nam bộ cần được lưu ý trong xây dựng các phương thức thực hiện... Bình Dương rất khác với các tỉnh bạn ở miền Tây, miền Bắc, hay miền Trung; và đô thị Bình Dương cũng có nhiều điểm khác với đô thị TPHCM và các tỉnh bạn trong vùng Đông Nam bộ. Do vậy Bình Dương thực hiện các hệ giá trị Việt Nam theo định hướng nội dung, phương thức thích hợp với Bình Dương.

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tỉnh Đồng Nai Phạm Tuấn Linh cho biết, thời gian qua Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Đồng Nai chú trọng xây dựng môi trường văn hóa đồng bộ, lành mạnh, tăng cường vai trò của gia đình, cộng đồng trong phát triển văn hóa, con người Đồng Nai; ưu tiên xây dựng và phát triển văn hóa trong chính trị, văn hóa trong kinh tế, văn hóa công vụ, văn hóa trong giáo dục, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Cùng với đó là tập trung xây dựng và phát triển toàn diện con người Đồng Nai thời đại mới theo tiêu chí phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu của hiện tại và tương lai với những đức tính cơ bản như: Yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo, trí tuệ, hiện đại, chuyên nghiệp, bản lĩnh, tinh tế, thủy chung; và xem đây là sự nghiệp của toàn bộ hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, của các cấp, các ngành, của toàn dân.

Khơi dậy những khát vọng về xây dựng quê hương, đất nước

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà nhà khoa học đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm triển khai thực hiện hiệu quả hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng cần huy động tiềm lực con người trong mỗi cộng đồng dân cư để xây dựng văn hóa, phát triển đất nước…

PGS.TS Huỳnh Quốc Thắng phát biểu tại hội thảo PGS.TS Huỳnh Quốc Thắng phát biểu tại hội thảo

PGS.TS Huỳnh Quốc Thắng, giảng viên cao cấp Khoa Văn hóa học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM, cho rằng, qua một số nét khái quát từ thực tiễn, có thể thấy rõ rằng quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa và đô thị hóa cùng với hội nhập khu vực và thế giới so với cả nước gắn trong tiến trình xây dựng và phát triển của TPHCM cũng như các địa phương vùng Đông Nam bộ như một “trường hợp” cho thấy tất cả đang đòi hỏi các giải pháp không chỉ mang tính điều kiện “cần và đủ” mà còn có thể liên tục nhân lên theo cách hiện thực hóa những “Hệ giá trị” cùng với những yếu  tố thiết thân nhất được xác định có thể đáp ứng “trúng” với yêu cầu thực tiễn. Chẳng hạn như cần quan tâm xây dựng con người văn hóa và đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng môi trường văn hóa, hệ thống thiết chế văn hóa và thiết chế gia đình, xây dựng các ngành công nghiệp văn hóa…

Theo PGS.TS Huỳnh Quốc Thắng, có thể còn những vấn đề khác nữa nhưng trước mắt trên cơ sở đó, từng địa phương trong từng giai đoạn sẽ tiếp tục xác định rõ hơn các hệ giá trị và những định hướng giải pháp ngày càng sát hợp với thực tiễn, có sức thuyết phục để tập hợp, cổ vũ, dẫn dắt, khơi dậy mọi nguồn lực, đặc biệt là những khát vọng về xây dựng quê hương, đất nước trong mọi tầng lớp cán bộ và nhân dân tại địa phương.

Trao đổi chủ đề, “Xây dựng con người – vấn đề trọng tâm trong xây dựng văn hóa, phát triển đất nước và xây dựng TPHCM văn minh, hiện đại”, TS Vũ Thị Mai Oanh, Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật TPHCM, đã nhấn mạnh đến việc phát huy giá trị truyền thống văn hóa của người dân TPHCM: nghĩa khí, trung thực, thẳng thắn; coi trọng tình nghĩa, giúp người, giúp đời, năng động, sáng tạo. TS Vũ Thị Mai Oanh cho rằng, với hành trang văn hoá truyền thống và nguồn vốn với các giá trị văn hoá tốt đẹp, TPHCM đã triển khai thực hiện rất nhiều chương trình, giải pháp để phát triển văn hoá, xây dựng con người; gần đây là chủ trương: “Xây dựng TPHCM trở thành một không gian văn hóa Hồ Chí Minh, nơi tư tưởng, đạo đức, phong cách và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hiện hữu thường xuyên, trở thành tài sản tinh thần, giá trị văn hóa đặc trưng của người dân, cán bộ, đảng viên của TP mang tên Bác”. Để chủ trương này sớm thành hiện thực, TS Vũ Thị Mai Oanh đề xuất cần tập trung xây dựng đồng bộ môi trường văn hóa gia đình, nhà trường, xã hội. Trước hết là gia đình, môi trường xã hội đầu tiên của con người, nơi nuôi dưỡng hình thành đạo đức, nhân cách lối sống; xây dựng môi trường văn hóa cần kết hợp đồng bộ gia đình, nhà trường xã hội, nội dung bao trùm là thực hiện chủ trương lớn của TP “Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, hình thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Phát huy đặc trưng, văn hóa, tính cách của con người TP luôn năng động, sáng tạo, đi đầu, dám chấp nhận thử thách, nhân ái, nghĩa tình”.

Tiến sĩ Vũ Thị Mai Oanh phát biểu tại hội thảo Tiến sĩ Vũ Thị Mai Oanh phát biểu tại hội thảo

Cùng với đó là phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể, quần chúng nhân dân trong việc xây dựng con người; tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động trên các nền tảng mạng xã hội; tăng mức đầu tư cho lĩnh vực văn hóa và quảng bá văn hóa, con người TPHCM; tiếp tục hiện đại hóa giáo dục, đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…

S. Hải


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo