Thứ Bảy, ngày 7 tháng 9 năm 2024

Đẩy mạnh công tác thanh tra nội bộ trong bối cảnh tự chủ đại học

Toàn cảnh hội thảo

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 30/11, Trường Đại học (ĐH) Luật TPHCM phối hợp với Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức Hội thảo “Thanh tra nội bộ tại các cơ sở giáo dục đại học công lập trong bối cảnh tự chủ đại học”. Hội thảo thu hút đông đảo các chuyên gia, giảng viên, học viên, sinh viên tham dự.

Hội thảo nhằm tạo diễn đàn trao đổi kinh nghiệm, nâng cao hiệu quả trong việc áp dụng, triển khai các văn bản quy phạm pháp luật và các quy định liên quan đến công tác thanh tra, kiểm tra; công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại các cơ sở giáo dục đại học công lập.

Phát biểu khai mạc, TS. Lê Trường Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TPHCM cho biết, tự chủ giáo dục đại học là một xu hướng của thế giới và đang diễn ra một cách sâu rộng tại Việt Nam. Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học số 34/2018/QH14 và Nghị định số 99/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đã có những quy định nhằm xác lập rõ ràng về điều kiện để thực hiện quyền tự chủ tại các cơ sở giáo dục đại học cũng như các nội dung của quyền tự chủ.

Đứng trước những cơ hội của tự chủ đại học, các cơ sở giáo dục đại học cũng đối mặt với không ít những thách thức của mặt trái về việc trao quyền tự chủ. Vì lẽ đó, đi đôi với việc được trao quyền một cách mạnh mẽ, phân cấp và phân quyền thì thanh tra nội bộ tại các cơ sở giáo dục đại học đóng vai trò quan trọng và là một khâu thiết yếu phục vụ đắc lực cho công tác quản lý của Thủ trưởng, góp phần bảo đảm trách nhiệm giải trình trước xã hội về hoạt động của Nhà trường.

Trên cơ sở đó, Bộ GD-ĐT đã có Chỉ thị 1048/CT-BGDĐT ngày 28/4/2020 về tăng cường công tác thanh tra giáo dục đáp ứng yêu cầu giáo dục phổ thông và tự chủ đại học. Đặc biệt, Luật Thanh tra năm 2022 có hiệu lực từ ngày 1/7/2023 đã chính thức khẳng định sự tồn tại, địa vị pháp lý của thanh tra nội bộ tại các đơn vị sự nghiệp công lập cũng như trách nhiệm của Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp công lập trong việc tổ chức, chỉ đạo hoạt động thanh tra nội bộ tại các đơn vị này.

TS. Nguyễn Đức Cường, Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT nhấn mạnh: Tự chủ giáo dục đại học là một xu hướng tất yếu và đang diễn rất mạnh mẽ đòi hỏi các trường công lập phải có những bước chuyển mình thực sự toàn diện ở các khía cạnh tự chủ tổ chức, nhân sự, tự chủ tài chính và tự chủ học thuật. Thanh tra Bộ GD-ĐT luôn coi trong hoạt động thanh tra nội bộ tại các Trường và sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ cùng các Trường trong quá trình thực hiện trách nhiệm giải trình trước xã hội.

Các đại biểu cũng đã thảo luận nhiều chủ đề, tập trung vào việc làm rõ những vấn đề lý luận và pháp lý về thanh tra nội bộ, qua đó đánh giá thực trạng thực hiện các quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra nội bộ tại các cơ sở giáo dục đại học trong tiến trình tự chủ đại học ngày một trở nên bức thiết ở Việt Nam hiện nay.

TS. Trần Văn Long, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ cho biết, trong các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung và cơ sở giáo dục công lập nói riêng, về cơ bản chủ yếu thực hiện chức năng kiểm tra, kiểm soát nội bộ. Qua đó giúp kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm nội quy, quy chế của đơn vị.

TS. Lê Trường Sơn – Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TPHCM phát biểu khai mạc TS. Lê Trường Sơn – Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TPHCM phát biểu khai mạc

Trong phát biểu của mình, TS. Long cũng làm rõ những cơ sở pháp lý quan trọng cho việc tổ chức và hoạt động thanh tra trong các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có cơ sở giáo dục công lập. Trên cơ sở các quy định này, có thể xác định cụ thể khuôn khổ pháp lý cho các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung hay cơ sở giáo dục đại học công lập nói riêng, cụ thể như: Thành lập tổ chức thanh tra hoặc giao cho bộ phận, đơn vị hoặc bố trí người làm công tác thanh tra nội bộ; Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập trực tiếp chỉ đạo hoạt động thanh tra nội bộ…

TS. Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng phòng thanh tra chuyên ngành - Thanh tra Bộ GD-ĐT đã chỉ ra thực trạng hoạt động thanh tra hiện nay. Theo đó, hiện nay, phần lớn các cơ sở giáo dục đại học đã quan tâm trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, cá biệt có những đơn vị chưa thực hiện theo quy định. “Có 98 trong số đơn vị được khảo sát đã bố trí phòng tiếp công dân, tuy nhiên các phòng làm việc chưa đảm bảo diện tích, chưa được bố trí đầy đủ phương tiện, thiết bị, nội quy theo quy định. Các cuộc thanh tra do thanh tra nội bộ trong cơ sở giáo dục đại học tiến hành chưa thống nhất và chưa đảm bảo đầy đủ quy trình, nhiều cuộc thanh tra chưa ban hành đầy đủ kết luận theo quy định…

Trên cở sở các thực trạng trên, đại biểu cũng đề nghị một số giải pháp: Đổi mới nội dung và hình thức hoạt động thanh tra nội bộ theo yêu cầu đổi mới, tự chủ giáo dục đại học; sắp xếp, kiện toàn lại tổ chức thanh tra nội bộ; chế độ chính sách và các điều kiện đảm bảo cho hoạt động thanh tra nội bộ trong cơ sở giáo dục đại học.

Anh Huy


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo