Đình Tân Trào. (Ảnh tư liệu)1. Tiến tới đại hội
(Thanhuytphcm.vn) - Danh xưng đầy đủ của Trần Huy Liệu phải là: Nhà Cách mạng lão thành, nhà văn, nhà sử học, nhà báo kỳ cựu… Ông sinh năm 1901 trong gia đình nhà Nho yêu nước ở huyện Vụ Bản tỉnh Nam Định. Thuở nhỏ học chữ Hán, cũng có mộng lều chõng, nhưng rồi chuyển sang làm thơ, viết báo cộng tác với báo “Nông cổ mín đàm” (trong chén trà bàn chuyện nông thương). Rồi làm chủ bút báo “Đông Pháp thời báo” (1925 - 1927) là trung tâm của phong trào yêu nước và dân chủ sôi nổi ở Nam bộ.
Năm 1928 gia nhập Quốc dân Đảng, bị bắt và kết án tù 5 năm đày ra Côn Đảo. Trong tù, ông đã chuyển hướng nhận thức. Ra tù, được kết nạp vào Đảng Cộng sản năm 1936. Năm 1938, chủ bút báo Tin tức - cơ quan công khai của Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1939, lại bị bắt tù ở Sơn La, Bá Vân, Nghĩa Lộ rồi vượt ngục về Hà Nội làm báo Cứu Quốc bí mật của Mặt trận Việt Minh. Đầu tháng 8/1945, Trần Huy Liệu được cử đi dự Hội nghị ở Chiến khu.
Phong trào Cách mạng trong nước lên cao. Chiến tranh thế giới vừa kết thúc kéo theo bao biến động. Ở Việt Nam, Cách mạng chuyển biến từng ngày. Cơ hội giành độc lập hiện rõ. Những hoạt động ngoại giao của Hồ Chí Minh suốt năm 1944, đầu 1945 với các chuyến đi Côn Minh, Trùng Khánh (Trung Quốc) và các cuộc tiếp xúc với đại diện Tưởng Giới Thạch, các cụm tình báo phía Mỹ và Đồng minh… đã là những chuẩn bị cần thiết của Cách mạng.
Việc triệu tập các cán bộ cốt cán của Đảng và đoàn thể yêu nước khắp ba miền Bắc - Trung - Nam về Việt Bắc được tiến hành khẩn trương và bí mật. Họ được các giao liên bảo vệ và phiên thành đội hình nhỏ gọn tuân thủ đi lại, ngủ nghỉ sinh hoạt như đơn vị quân đội.
Dù ở vùng địch hay vùng tự do, công tác bí mật vẫn được tuân thủ nghiêm ngặt. Các chiến sỹ từng quen biết nay nhận ra nhau chỉ thể hiện qua ánh mắt, cái bắt tay. Trần Huy Liệu gặp lại các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Khuất Duy Tiến, Võ Nguyên Giáp, Cù Huy Cận, Hoàng Đạo Thúy, Hà Huy Giáp…
Địa điểm hội nghị ở bản Kim Long, huyện Sơn Dương trong khu vực đình Tân Trào - sau này thành địa danh lịch sử được xem là “Thủ đô” của Cách mạng trong những ngày tiền khởi nghĩa.
Trần Huy Liệu nhớ lại: “Tôi có cảm tưởng về Tân Trào không có nghĩa là về Thủ đô, mà là về với Đại gia đình. Chúng tôi đến nơi thì Hội nghị cán bộ của Đảng cũng vừa họp xong và đang gấp rút chuẩn bị cho Đại hội Quốc dân.” (Hồi ký Trần Huy Liệu - NXB Khoa học xã hội 2020, trang 392).
2. Quốc dân đại hội
Những ngày đó, Tân Trào nhộn nhịp đông vui như hội. Niềm vui được nhân lên khi trong cuộc họp các đại biểu sẽ được gặp Nguyễn Ái Quốc.
Chiều 16/3, Quốc dân Đại hội bắt đầu khai mạc ở đình Tân Trào. Bàn thờ ở giữa, gian hai bên được chia đôi: một nửa trưng bày sách báo Cách mạng, nửa bên kia kê ghế ngồi cho các đại biểu được làm bằng tre nứa, gỗ rất sơ sài. Cờ đỏ sao vàng căng ở sát vách tường.
Chương trình chuẩn bị kỹ. Đại biểu các giới và đoàn thể đọc tham luận đều nhất trí tán thành chủ trương tổng khởi nghĩa của Đảng Cộng sản Đông Dương và 10 chính sách lớn của Mặt trận Việt Minh.
Vào đầu giờ chiều ngày 17/8, khi sắp bầu Ủy ban Dân tộc giải phóng thì Cụ Hồ Chí Minh đến thăm hội nghị. Vẫn theo hồi ký của Trần Huy Liệu, hình ảnh của Người hiện rõ: “Trước mắt chúng tôi, một người xắn quần, đội mũ nồi, tay chống gậy đi qua trước đình nhưng không vào thẳng hội nghị mà rẽ xuống suối rửa chân rồi mới vào. Người không còn là một thanh niên thanh tú như trong ảnh nữa mà là một ông già gầy ốm, da xanh nhợt, má hơi hóp vào. Tuy vậy, vầng trán cao và đôi mắt sáng vẫn nổi bật lên. Cụ bước vào đình, hội nghị vỗ tay vang dậy. Cụ bắt đầu nói về tình hình Nhật đầu hàng Đồng minh và sự giao thiệp giữa ta và Đồng minh cùng một số việc cần cấp tốc cần làm ngay. Thực tình lúc ấy, tôi chờ giọng nói hùng hồn hơn, đanh thép hơn thì lại được nghe những lời nói giản dị, rõ ràng, với cách nói chậm rãi”. (Hồi ký Trần Huy Liệu - NXB Khoa học xã hội 2020, trang 396).
Trần Huy Liệu không biết trước đó mấy ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh bị lên cơn sốt mê man tưởng không qua khỏi, đã trối trăng lại cho Võ Nguyên Giáp trong lán Nà Nưa: “Giờ là thời cơ ngàn vàng, dù đốt cháy cả dãy Trường Sơn, phải quyết giành cho được độc lập”.
Bởi thế, Trần Huy Liệu được vinh hạnh thứ nhất trong đời hoạt động Cách mạng của mình. Ông viết: “Đêm 13/8, trong một căn nhà lợp lá, tôi được đồng chí Văn (Võ Nguyên Giáp) ủy quyền cho thảo bản Quân lệnh số 1 của Ủy ban Khởi nghĩa. Mặc dù ngồi dưới ngọn đèn tù mù, những con tầm xuân, thiêu thân bay quanh tới tấp, muỗi và dĩn thi nhau đốt làm tôi nhiều lúc nảy người lên, hay đập chân bạch bạch, tôi vẫn say sưa nghĩ đến cảnh một nước dân nhục từ hơn 80 năm, nghĩ đến sự nghiệp Cách mạng, những cuộc khởi nghĩa của Văn thân, của Việt Nam Quốc dân Đảng cho đến ngày nay dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương. Mình được sung sướng làm cái việc “nửa đêm truyền hịch hẹn ngày xuất quân…” - Bản Quân lệnh số 1 lúc ấy tôi thảo ra một mạch, đọc đi đọc lại vẫn không sửa chữa một chữ nào. Viết xong, tôi trao cho anh Văn”. (Hồi ký Trần Huy Liệu - NXB Khoa học xã hội 2020, trang 394).
Đại hội Quốc dân đã bầu Ủy ban Dân tộc Giải phóng. Chủ tịch là Hồ Chí Minh. Trần Huy Liệu trúng cử Phó Chủ tịch.
Chừng một tuần sau, ông lại được vinh hạnh thứ hai - được làm Trưởng đoàn - thay mặt Ủy ban Dân tộc Giải phóng (đã đổi tên là Chính phủ lâm thời), vào Huế nhận lễ thoái vị của Hoàng đế Bảo Đại.