Bị cáo Trương Châu Hữu Danh (hàng trên, bên phải) tại phiên xét xử sơ thẩm, ngày 26/10/2021. (Ảnh: VnExpress.net) (Thanhuytphcm.vn) - Hồi cuối tháng 10/2021, khi ông Trương Châu Hữu Danh và một số thành viên của nhóm “Báo sạch” phải ra tòa vì hành vi “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích, Nhà nước; quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, một số báo và trang mạng xã hội của báo đài nước ngoài đã gọi Trương Châu Hữu Danh là “nhà báo”.
Thực ra ông Danh từng là phóng viên ở một số tờ báo trong nước. Nhưng hành vi vi phạm pháp luật của ông Danh không phải được thực hiện trong tư cách của một nhà báo hay một phóng viên. Bởi theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân huyện Thới Lai (thành phố Cần Thơ), năm 2019, ông Danh cùng với một số người tạo Fanpage “Báo Sạch”, Group “Làm Báo Sạch” và kênh YouTube “BS Channel” để viết, đăng 47 bài, video về các chủ đề được dư luận quan tâm trên Facebook. Cả 5 thành viên đều có sự thống nhất khi đăng các bài viết. Quá trình cùng nhau thành lập các tài khoản nói trên để đăng bài viết, các bị cáo nhận hợp đồng làm truyền thông quảng cáo cho doanh nghiệp thu hơn 2,8 tỷ đồng và chia nhau hưởng lợi. Các bị cáo lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí để viết, đăng tải, phát tán thông tin chưa kiểm chứng, không đúng sự thật, tiêu cực, một chiều để đăng tải, phát tán công khai trên mạng xã hội. Việc làm của các bị cáo nhằm hướng dư luận theo ý thức chủ quan, làm cho người đọc hiểu nhầm, hiểu sai sự thật, tạo điều kiện cho các phần tử lợi dụng tham gia bình luận tiêu cực, kích động một số người có nhận thức lệch lạc tham gia chống phá đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước... Như vậy, các hoạt động của nhóm này đều không liên quan đến hoạt động báo chí, nên việc xử lý hành vi vi phạm pháp luật của họ cũng không liên quan gì đến việc họ viết báo.
Mới đây, khi bà Phạm Đoan Trang chuẩn bị được đưa ra xét xử do bị cáo buộc “tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, nhiều báo, đài ở nước ngoài và một số trang mạng xã hội của những kẻ chống phá Nhà nước Việt Nam đã gọi bà Trang là “nhà báo”, “nhà báo tự do”, “nhà hoạt động”, “nhà hoạt động dân chủ”, “nhà tranh đấu nhân quyền”… Bà Phạm Đoan Trang từng viết cho nhiều tờ báo trong nước nhưng trên thực tế lúc bị bắt, bà không còn làm việc cho tờ báo nào và hành vi bị cáo buộc sai phạm cũng không liên quan đến hoạt động báo chí. Theo cơ quan điều tra, hành vi sai trái của bà Phạm Đoan Trang là đã có mối liên hệ mật thiết với các tổ chức phản động lưu vong như “Việt Tân”, “VOICE”, tham gia vào việc hình thành Mạng lưới blogger, đoàn vận động nhân quyền do Việt Tân vẽ ra nhằm phản đối Việt Nam trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền của Liên hiệp quốc, nhằm vận động chính giới phương Tây gây áp lực để Việt Nam thay đổi chính sách nhân quyền… Còn các “nhà” khác được tô vẽ kỳ thật là những hoạt động vi phạm pháp luật Việt Nam.
Nhiều trường hợp cá nhân khác khi có các hành vi mang tính lợi dụng quyền tự do dân chủ hoặc có tính chất chống phá Nhà nước đều được gắn các “mác” như “nhà báo”, “blogger”, “facebooker”, “nhà báo tự do”, “nhà hoạt động dân chủ”, “nhà bất đồng chính kiến”, “tù nhân lương tâm”… Đôi khi, các danh xưng này có liên quan chút ít đến một vài công việc họ có tham gia, chẳng hạn, bà Phạm Đoan Trang từng tham gia “sáng lập” cái gọi là “Tạp chí Luật khoa”, một trang mạng không được Nhà nước ta công nhận là báo hay tạp chí; hay trường hợp ông Phạm Chí Dũng cũng được gọi là “nhà báo” do ông tham gia “sáng lập” cái gọi là “Việt Nam thời báo”, một trang web không được pháp luật Việt Nam thừa nhận. Ngoài ra, còn nhiều trường hợp khác chỉ viết blog, mạng xã hội hoặc thỉnh thoảng cộng tác với một số tờ báo chống Việt Nam ở nước ngoài, cũng được “xướng tên” là “nhà báo”!
Thực ra một số người đặt ra các danh xưng đó có ý đồ cả. Nếu thừa nhận việc các công dân Trương Châu Hữu Danh, Phạm Đoan Trang, Phạm Chí Dũng… bị xử lý vì các vi phạm pháp luật của Việt Nam thì chắc chẳng có chuyện gì để nói, chẳng thể nhân đó mà công kích, phê phán Đảng hay Nhà nước Việt Nam được. Nhưng khi những kẻ phá hoại, những phần tử chống đối muốn hạ uy tín, muốn phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng thì phải biến các việc làm bình thường ở bất kỳ một quốc gia, một thể chế nào thành những hoạt động mang tính đàn áp, như “đàn áp tiếng nói phản biện”, “hạn chế tự do ngôn luận, tự do báo chí”, “trả thù người bất đồng chính kiến”… Rồi từ đó, các bảng xếp hạng của những tổ chức tự cho là đấu tranh cho nhân quyền, dân chủ, tự do báo chí… với các tiêu chí chủ quan và phiến diện, mới có cớ xếp Việt Nam vào nhóm thấp, để rồi một số quốc gia, một số nhà hoạt động chính trị lấy đó làm con bài để mặc cả này nọ. Chứ chỉ nói rằng Việt Nam xử lý những phần tử chống phá Nhà nước thì tìm đâu ra cớ mà phê phán, chống phá!
Bị cáo Phạm Chí Dũng (áo đen bên phải) nhận bản án 15 năm tù về tội "Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam", trong phiên xét xử hồi tháng 1/2021. (Ảnh: Nld.com.vn) Trong khi đó, việc thực hiện các quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do tiếp cận thông tin… ở nước ta ngày càng được mở rộng; người dân ngày càng được phát huy quyền làm chủ của mình trên tất cả các mặt của đời sống; quyền bày tỏ chính kiến và tiếng nói phản biện được thể hiện dưới nhiều hình thức, nhất là qua môi trường mạng internet và mạng xã hội. Đảng và Nhà nước ta luôn tạo điều kiện để mở rộng các quyền tự do đó, không phải để phù hợp với xu hướng mà chính là để lắng nghe, ghi nhận, tiếp thu những phản ánh, những đề xuất..., từ đó có thể làm tốt hơn vai trò lãnh đạo, quản lý của mình. Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng tăng cường xử lý những người lợi dụng các quyền tự do đó để xâm phạm lợi ích của các chủ thể khác, như Nhà nước, xã hội, tổ chức, cá nhân… nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của tất cả các chủ thể.
Hồi tháng 6/2021, về Báo cáo về tình hình nhân quyền thế giới 2020 của Cơ quan Đối ngoại EU (EEAS), Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định, Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm bảo vệ và thúc đẩy các quyền cơ bản của con người. Điều này đã được quy định cụ thể trong Hiến pháp 2013, các văn bản pháp luật liên quan và được tôn trọng, triển khai trên thực tế, được khẳng định qua các thành tựu trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, y tế, công tác phòng chống dịch Covid-19. Các nỗ lực và thành công đó cũng được cộng đồng quốc tế ghi nhận trong nhiều khuôn khổ song phương và đa phương, như Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ III của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc... Tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do thông tin ở Việt Nam được thể hiện rõ qua sự phát triển đa dạng về loại hình và phong phú về nội dung của báo chí Việt Nam và thực tế hơn 70% dân số Việt Nam sử dụng mạng internet và mạng xã hội quốc tế và trong nước. Tại Việt Nam, không ai bị bắt giữ, xét xử chỉ vì “bày tỏ chính kiến”, “bảo vệ nhân quyền”. Như các quốc gia khác, Việt Nam cũng kiên quyết đấu tranh với các hành vi lợi dụng các quyền tự do, dân chủ để vi phạm pháp luật, xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân. Quá trình điều tra, xét xử và giam giữ được tiến hành theo đúng các quy định của pháp luật; quyền của người bị giam giữ được bảo đảm…
Do đó, khi tiếp nhận thông tin, mỗi người cần thận trọng suy xét, đừng vội tin theo các danh xưng, cách diễn đạt của các báo đài nước ngoài và những người có thành kiến với Nhà nước Việt Nam. Đồng thời, mỗi cá nhân cần nhận thức rằng, việc thực hiện các quyền tự do của mình nhưng phải trong khuôn khổ pháp luật; mọi biểu hiện lợi dụng quyền tự do để làm ảnh hưởng đến quyền tự do của người khác đều có thể bị xử lý nghiêm!