Thứ Tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024

Cần có danh mục cụ thể các loại đồ uống có đường áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM)

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 27/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).

Theo tờ trình dự án Luật, Chính phủ đề xuất bổ sung nước giải khát có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường từ 5g/100ml vào nhóm đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Đây là vấn đề nhiều đại biểu Quốc hội (ĐB) quan tâm.

Nhất trí bổ sung nước giải khát có đường vào nhóm chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho rằng, đây là một biện pháp định hướng hành vi tiêu dùng, hạn chế lạm dụng chất có đường gây hại cho sức khỏe. Tuy nhiên, theo ĐB, dự thảo Luật cần mở rộng đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là “đồ uống có đường nói chung” thay vì “nước giải khát có đường”.

Bày tỏ lo ngại tác dụng ngược của đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường vì có thể khiến người tiêu dùng hiểu lầm rằng chỉ nước giải khát có đường mới không được khuyến khích sử dụng, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy cho biết, trên thực tế, nhiều loại đồ uống có đường khác còn chứa hàm lượng đường cao hơn nước giải khát. Hơn nữa, khái niệm nước giải khát có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam hẹp hơn nhiều so với đồ uống có đường. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các nhóm công tác về sức khỏe cũng có khuyến nghị với Chính phủ các quốc gia áp dụng biện pháp đánh thuế vào đồ uống có đường để định hướng hành vi tiêu dùng.

Do đó, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy đề nghị, dự thảo Luật nên quy định theo 1 trong 2 hướng. Thứ nhất, áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường có hàm lượng đường từ 5g/100ml. Thứ hai, liệt kê các nhóm đồ uống có đường thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt hoặc giao Chính phủ quy định cụ thể. Nhưng dù quy định theo hướng nào thì trong dự thảo Luật cũng cần ghi rõ là áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường chứ không chỉ giới hạn là nước giải khát có đường.

Quốc hội thảo luận chiều 27/11. Quốc hội thảo luận chiều 27/11.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) đề xuất nên có một danh mục cụ thể liệt kê các loại đồ uống có đường cần áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt. Danh mục này có thể do Chính phủ điều chỉnh theo từng thời kỳ.

ĐB Trịnh Xuân An (Đồng Nai) ủng hộ việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các mặt hàng xa xỉ, nhằm định hướng tiêu dùng. Tuy nhiên, cần tránh việc điều chỉnh thuế đối với những mặt hàng thiết yếu, đồng thời đề nghị cần rà soát, đánh giá, nhất là đánh giá tác động tới môi trường kinh doanh của doanh nghiệp. “Nếu tăng thuế gấp quá sẽ tác động ngay tới doanh nghiệp và môi trường kinh doanh”, ĐB Trịnh Xuân An cho biết.

ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề xuất với Ban soạn thảo dự án Luật là không nên áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng điều hòa nhiệt độ. Bởi vì đây là nhu cầu, mặt hàng thiết yếu của người dân. ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cũng đề nghị không nên áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng điều hòa nhiệt độ. ĐB Trương Trọng Nghĩa cũng đề nghị không áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với máy điều hòa. Bởi đây là sản phẩm giúp người dân có được điều kiện sống tốt hơn, đặc biệt là cho sức khỏe của người già và trẻ em. Thay vì đánh thuế, nên hướng dẫn người dân cách sử dụng máy điều hòa hợp lý.

ĐB Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh, thuế tiêu thụ đặc biệt có một chức năng quan trọng là nhằm định hướng hành vi người tiêu dùng, để bảo vệ sức khỏe cho người dân. Thực tế cho thấy, việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh ở Việt Nam rất tốt. Tuy nhiên, chi phí y tế của nước ta tốn nhiều vào việc điều trị các loại bệnh tật, đặc biệt là bệnh tiểu đường và bệnh phổi. Do vậy, ĐB đề nghị cần phải quyết liệt trong thực hiện áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá. Cần đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2045, Việt Nam có thể trở thành quốc gia không còn người hút thuốc lá. Các ĐB đều ủng hộ tăng thuế thuốc lá để giải quyết vấn đề sức khỏe và môi trường, nhưng đề nghị cần có lộ trình tăng thuế hợp lý, tránh gây ảnh hưởng quá lớn đến doanh nghiệp và người dân…

Một số ý kiến đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu bổ sung thêm hàng hóa không thân thiện với môi trường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt như pin, lốp xe ô tô, túi ni lông, sản phẩm nhựa dùng một lần.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe ô tô, Phó Thủ tướng cho biết, thuế tiêu thụ đặc biệt là thuế gián thu, vì vậy thuế tiêu thụ đặc biệt không đánh ở khâu lưu thông mà đánh ở khâu người sản xuất bán hàng hoặc nhập khẩu sản phẩm, thuế tiêu thụ đặc biệt không hoàn thuế giá trị gia tăng. Xe không thiết kế là xe chuyên dụng thì không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Trong quá trình các loại xe khác mà cải tiến hành thành xe chuyên dụng thì phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường, đồng chí Hồ Đức Phớc cho rằng, việc đánh thuế này nhằm đảm bảo sức khỏe cho người dân, phù hợp với thông lệ quốc tế. Tiêu chuẩn về hàm lượng đường sẽ do Chính phủ quy định, các sản phẩm như nước dừa, sữa, nước hoa quả nguyên chất sẽ không phải chịu thuế.

Về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá, theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, thuốc lá gây ra hậu quả nghiêm trọng, mỗi năm có khoảng 40.000 người tử vong do hút thuốc lá, và Việt Nam phải tốn khoảng 1 tỷ USD để chữa trị các bệnh liên quan. Trong khi đó, giá thuốc lá ở Việt Nam rất thấp, chỉ khoảng 6.000 - 20.000 đồng/bao, ở Singapore là 200.000 đồng/bao. Ngoài thuốc lá điếu, các sản phẩm khác như xì gà, thuốc lá để hút, hít, nhai, ngửi cũng sẽ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt 75%.

Về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với điều hòa nhiệt độ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, việc đánh thuế điều hòa cũng nhằm hạn chế việc sử dụng năng lượng hóa thạch, ảnh hưởng đến biến đổi khí hậu, và các chất gây hại cho tầng ozon.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo