Thứ Tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024

Tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật vẫn còn diễn biến phức tạp

Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang trình bày báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2024

(Thanhuytphcm.vn) - Tiếp tục kỳ họp thứ, 8, ngày 26/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về: các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024; kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV; kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) của công dân năm 2024.

Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2024 do Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang trình bày cho biết, công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật tiếp tục được tập trung cao độ; công tác phòng ngừa tội phạm từng bước được triển khai theo chiều sâu, kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ. Tình hình trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

Tuy nhiên, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật vẫn còn diễn biến phức tạp; công tác phòng ngừa tội phạm chưa mang lại hiệu quả cao. Tỷ lệ giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Vi phạm trong hoạt động điều tra, xử lý tội phạm, công tác tạm giữ, tạm giam tuy giảm nhưng còn một số vi phạm phải xử lý hình sự. Trật tự an toàn xã hội còn phức tạp, số vụ tai nạn giao thông, cháy, nổ tăng, xảy ra một số vụ làm nhiều người chết, bị thương...

Thẩm tra báo cáo này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ, về công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm, năm 2024, Chính phủ có nhiều nỗ lực và đề ra nhiều giải pháp đấu tranh có hiệu quả đối với tội phạm và vi phạm pháp luật. Lực lượng Công an đã triển khai nhiều biện pháp để xử lý nhanh chóng những điểm nóng, nhóm tội phạm có tổ chức; phát hiện và xử lý nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp. Công tác bảo đảm an ninh chính trị nội bộ, chống khủng bố được triển khai đồng bộ, toàn diện.

Tuy nhiên, tội phạm và vi phạm pháp luật về trật tự xã hội vẫn tăng cả về số vụ và số người bị thương. Một số loại tội phạm tăng mạnh, như: tội phạm có tổ chức tăng 46,08%, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản tăng 83,36%, tham ô tài sản tăng 45,61%, đánh bạc trên mạng internet tăng 105,22%. Xảy ra một số vụ giết người với tính chất man rợ, liều lĩnh, gây tâm lý phẫn nộ, lo lắng, bất an trong Nhân dân. Công tác phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm đã đạt được nhiều kết quả, tội phạm về tham nhũng, chức vụ phát hiện 956 vụ, tăng 20,55%. Tuy nhiên, kết quả phát hiện vi phạm pháp luật và tội phạm trên một số lĩnh vực vẫn còn có mặt cần lưu ý.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong báo cáo trước Quốc hội về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024 cho rằng, một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng chưa được triển khai thực hiện toàn diện. Việc truy bắt đối tượng bỏ trốn ra nước ngoài còn gặp nhiều khó khăn. Giá trị tài sản phải thu hồi trong các vụ án tham nhũng, tiêu cực còn tồn đọng lớn. Tổng Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, không dám làm chậm được khắc phục. Do đó, thời gian tới phải tiếp tục nâng cao trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, kiên quyết chấn chỉnh, xử lý tình trạng làm việc cầm chừng, né tránh, đùn đẩy, sợ sai không dám làm trong cán bộ, đảng viên.

Phiên họp Quốc hội sáng 26/11 Phiên họp Quốc hội sáng 26/11

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính năm 2024 cho thấy, cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã thể hiện sự cố gắng, nỗ lực trong công tác giải quyết tố cáo, đã giải quyết 85,6% số vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền, cao hơn mục tiêu “đạt tỷ lệ trên 85%” mà Chính phủ đề ra.

Theo Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, dự báo năm 2025 vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, có thể phát sinh nhiều khiếu nại, tố cáo về hành chính liên quan đến đất đai, môi trường. Nhất là đối với các dự án phải thu hồi đất, bồi thường, tái định cư và cơ sở sản xuất phát sinh nhiều khí thải, chất thải gây ô nhiễm môi trường gần khu dân cư sinh sống…

Tại phiên họp, cho ý kiến về Báo cáo kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết KNTC, nhiều đại biểu đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành quy định rõ ràng về cơ chế phối hợp giữa Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội với các cơ quan hành pháp, tư pháp trong việc tiếp nhận, xử lý và giám sát việc giải quyết KNTC.

Các đại biểu khẳng định, giải quyết khiếu nại, tố cáo KNTC không chỉ là trách nhiệm pháp lý, mà còn là nhiệm vụ chính trị quan trọng của Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH). Các ý kiến băn khoăn về số lượng văn bản trả lời của các bộ, ngành trung ương gửi đến địa phương chủ yếu là cung cấp thông tin, giải trình, còn số văn bản phản ánh việc giải quyết vấn đề rất ít. Trong báo cáo việc trả lời cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7, có 2.112 văn bản trên tổng 2.160 văn bản kiến nghị được trả lời (chiếm 97,7%) – một con số rất ấn tượng. Tuy nhiên, số ý kiến cung cấp thông tin là 1.609 (chiếm 79%), còn nghiên cứu, xem xét giải quyết chỉ được 151 ý kiến, chiếm 7,2%, như vậy không đáp ứng được mong muốn của cử tri.

Vì vậy, nhiều đại biểu đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành trung ương cần có sự nghiên cứu để hoạt động trả lời kiến nghị của cử tri phải thực sự chất lượng, hiệu quả, tránh tính hình thức để tăng cường vai trò, trách nhiệm của Quốc hội, của bộ, ngành trung ương cũng như đáp ứng mong đợi của cử tri. Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) đề nghị quy định rõ trách nhiệm xử lý vi phạm đối với các cơ quan chậm trễ, né tránh hoặc không thực hiện kiến nghị giám sát…

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo