Quốc hội chiều 25/11 (Thanhuytphcm.vn) - Chiều 25/11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.
Các ý kiến đại biểu (ĐB) cơ bản nhất trí với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo năm 2012, nhằm góp phần thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó có ngành quảng cáo. Bên cạnh đó, các ĐB đã tập trung thảo luận về quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo; tiếng nói, chữ viết trong quảng cáo; yêu cầu về nội dung quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt; ảnh hưởng của quảng cáo đối với trẻ em; quảng cáo trên báo in, báo nói, báo hình; quảng cáo trên mạng; quảng cáo rao vặt; cấp giấy phép xây dựng công trình quảng cáo; nội dung, nguyên tắc quy hoạch quảng cáo ngoài trời; trách nhiệm xây dựng và chỉ đạo thực hiện quy hoạch quảng cáo ngoài trời; quyền và nghĩa vụ của người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo; trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo; xử lý vi phạm trong hoạt động quảng cáo.
Quan tâm đến vấn đề tác động của quảng cáo đối với trẻ em, ĐB Trịnh Thị Tú Anh (Lâm Đồng) nêu rõ, thực tế cho thấy, trẻ em đang ngày càng phải đối mặt với những hình thức quảng cáo tinh vi, đòi hỏi cần có những quy định pháp luật cụ thể để bảo vệ quyền lợi của các em. Theo đó, trong kỷ nguyên số, trẻ em đang phải đối mặt với một "đại dương" quảng cáo khổng lồ. Các thuật toán thông minh không ngừng phân tích hành vi của trẻ để đưa ra những quảng cáo cá nhân hóa, vô hình trung tạo ra một áp lực lớn lên tâm lý của các em. Việc tiếp xúc quá sớm và thường xuyên với quảng cáo có thể dẫn đến các vấn đề như tiêu dùng bốc đồng, hình thành những chuẩn mực không lành mạnh về vẻ đẹp và thành công, thậm chí gây ra các rối loạn tâm lý.
Để bảo vệ tương lai của thế hệ trẻ, ĐB Trịnh Thị Tú Anh nhấn mạnh, cần có những hành động quyết liệt hơn. Mặc dù đã có những quy định rõ ràng, việc bảo vệ trẻ em trước quảng cáo, đặc biệt là trên mạng xã hội, vẫn còn nhiều khó khăn. Đáng chú ý, quảng cáo trên mạng xã hội rất đa dạng và khó kiểm soát, đặc biệt là các quảng cáo hiển thị trên các trang web không chính thống. Các nhà quảng cáo luôn tìm kiếm những cách thức mới để thu hút sự chú ý của trẻ em, đôi khi vượt qua giới hạn cho phép của pháp luật. Nhiều phụ huynh chưa nhận thức đầy đủ về tác hại của quảng cáo đối với trẻ em, dẫn đến việc không có sự giám sát chặt chẽ.
ĐB Lê Văn Khảm (Bình Dương) cho biết, nhiều nghiên cứu cho thấy, quảng cáo có tác động và tác động có tính chất tích lũy đến cảm xúc, hành vi, cách cảm nhận về các chuẩn mực, tác động đến tâm lý, thái độ sống, lối sống của trẻ em. Vì vậy, Luật Quảng cáo hiện hành đã có quy định về việc cấm quảng cáo tạo cho trẻ em có suy nghĩ, hành động trái với đạo đức và thuần phong, mỹ tục và cấm quảng cáo gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và sự phát triển bình thường của trẻ em. ĐB đề nghị, cần nghiên cứu để quy định rõ hơn nội dung về cấm quảng cáo ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và phát triển bình thường của trẻ em; phải có tổ chức chuyên trách thực hiện nhiệm vụ đánh giá và giám sát việc quảng cáo.
Các ĐB đề nghị, dự thảo Luật cần bổ sung định nghĩa rõ ràng về "quảng cáo nhắm vào trẻ em", bao gồm cả quảng cáo trực tiếp và gián tiếp. Cùng đó, cần chi tiết hóa các quy định về nội dung, hình thức quảng cáo nhắm vào trẻ em, tăng cường các biện pháp xử phạt đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định; xây dựng một cơ chế giám sát hiệu quả để phát hiện và xử lý các vi phạm. Bên cạnh đó, cần tăng cường hợp tác với các quốc gia khác để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và cùng nhau xây dựng các tiêu chuẩn chung về quảng cáo nhắm vào trẻ em trên các nền tảng xuyên biên giới.
Về quảng cáo trên không gian mạng, nhiều ĐB nhấn mạnh đây là một trong những nội dung sửa đổi quan trọng để bảo đảm phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới, khắc phục những tồn tại, hạn chế về quảng cáo trên mạng, quảng cáo sai sự thật, quảng cáo hàng hóa bị cấm, quảng cáo bị gắn với những trang, kênh, tài khoản nội dung xấu độc, vi phạm pháp luật. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của hoạt động quảng cáo trên mạng, trên các nền tảng xuyên biên giới, tạo điều kiện tốt hơn cho hoạt động quảng cáo phát triển.
Nhiều ĐB cơ bản tán thành với việc bổ sung khái niệm quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo. Trong đó, có người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng; đồng thời, đề nghị dự thảo Luật cần quy định rõ ràng hơn, tách biệt giữa người chuyển tải sản phẩm quảng cáo thông thường và người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng.