Thứ Tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024

Chính phủ trình Quốc hội tiếp tục chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

Các đại biểu dự Quốc hội chiều 27/11

* Thủ tướng trình Quốc hội phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải

(Thanhuytphcm.vn) – Cuối giờ chiều 27/11, Quốc hội đã nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về việc tiếp tục chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Trình bày tờ trình về việc tiếp tục chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, việc tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận là cần thiết, có cơ sở và đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Khởi động lại dự án điện hạt nhân Ninh Thuận nhằm giúp đa dạng hóa nguồn cung cấp điện, bảo đảm an ninh năng lượng.

Điện hạt nhân là nguồn điện nền, xanh và bền vững. Trong khi đó, chi phí sản xuất điện bình quân của loại nguồn điện này có thể cạnh tranh với các nguồn truyền thống, nhất là điện than, LNG với giá nhiên liệu tăng dần. Chưa kể, phát triển điện hạt nhân giúp Việt Nam có cơ hội tranh thủ thu hút nguồn lực tài chính, khoa học công nghệ, nhân lực chất lượng cao qua các chương trình hợp tác và tạo cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng công nghiệp lĩnh vực này.

Theo Chính phủ, địa điểm chọn đầu tư dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 đã được các đơn vị tư vấn trong và ngoài nước khảo sát, đánh giá kỹ. Đây là hai địa điểm tốt nhất, đáp ứng các tiêu chí khắt khe của quốc tế, phù hợp để xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam. Sau khi các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 dừng thực hiện theo nghị quyết của Quốc hội năm 2016, các địa điểm này đã được quy hoạch làm đất dự trữ chiến lược lâu dài cho năng lượng, để có thể tiếp tục xây dựng khi có chủ trương tái khởi động từ cấp có thẩm quyền. Hiện các địa điểm này được quản lý tốt. Việc sử dụng các địa điểm đã được nghiên cứu trước đây để phát triển, xây dựng điện hạt nhân thời gian tới là rất thuận lợi, tiết kiệm thời gian và chi phí nghiên cứu, khảo sát, chọn địa điểm.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng nêu 3 quan điểm phát triển điện hạt nhân gồm: vì mục đích hòa bình, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và phát triển bền vững, gắn với mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050; bảo đảm an toàn ở mức cao nhất, giảm thiểu rủi ro cho con người và môi trường; gắn với phát triển tổng thể hệ sinh thái công nghiệp năng lượng quốc gia.

Bên cạnh đó, mục tiêu là bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia và phát triển bền vững, đáp ứng mục tiêu phát thải ròng bằng “0” năm 2050, từng bước xây dựng và phát triển ngành công nghiệp điện hạt nhân có đóng góp hiệu quả trực tiếp cho phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ của đất nước.

Các nhiệm vụ, giải pháp bao gồm: xây dựng quy hoạch, chiến lược phát triển điện hạt nhân; hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư, phát triển, khai thác, vận hành, bảo vệ, định mức tiêu chuẩn, quy phạm quản lý chất thải các nhà máy điện hạt nhân, xây dựng kế hoạch nghiên cứu, phát triển khoa học - công nghệ trong tình hình mới; đào tạo, phát triển xây dựng nguồn nhân lực điện hạt nhân.

Đồng thời, nghiên cứu khả năng nội địa hóa công nghệ điện hạt nhân, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, sử dụng tối ưu nguồn lực đã có trong lĩnh vực điện hạt nhân; tận dụng tối đa các kết quả đã thực hiện đối với dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và điện hạt nhân Ninh Thuận 2 trong quá trình nghiên cứu, tiếp tục triển khai các dự án này; hình thành cơ quan chuyên trách về quản lý nhà nước đối với điện hạt nhân; xây dựng chương trình, kế hoạch hành động nhằm đạt được sự đồng thuận rộng rãi của xã hội đối với chương trình phát triển điện hạt nhân.

Theo báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy trình bày, Ủy ban thống nhất sự cần thiết về việc tiếp tục chủ trương đầu tư Dự án với những cơ sở chính trị, pháp lý, cơ sở thực tiễn và quan điểm, mục tiêu đã được nêu tại tờ trình.

Trên cơ sở Nghị quyết số 41/2009/QH12 của Quốc hội khóa XII, Chính phủ đã triển khai một số nội dung quan trọng như: Tổ chức khảo sát, đánh giá kỹ lưỡng địa điểm xây dựng dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận; chuẩn bị đầu tư, cơ sở hạ tầng dự án; đào tạo nhân lực để quản lý, vận hành; sau khi dừng thực hiện Dự án theo Nghị quyết số 31/2016/QH14 của Quốc hội, các địa điểm xây dựng Dự án vẫn đang được quản lý tốt.

Luật Năng lượng nguyên tử đã được Quốc hội ban hành năm 2008. Hiện tại, trong dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 cũng đã đề cập tới chính sách phát triển điện hạt nhân.

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định việc tiếp tục chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và đưa nội dung này vào Nghị quyết kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu đề xuất chương trình phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam gắn với nhiệm vụ tăng cường tiềm lực khoa học, công nghệ của đất nước, từng bước làm chủ công nghệ điện hạt nhân; nghiên cứu, đề xuất mô hình quản lý phù hợp về điện hạt nhân; rà soát, hoàn thiện pháp luật có liên quan đến điện hạt nhân.

Cùng đó, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ chuyên gia đầu ngành, gắn với chương trình tổng thể phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử và điện hạt nhân. Nâng cao năng lực trong nước nội địa hoá thiết bị điện hạt nhân. Thực hiện tuyên truyền, thông tin đại chúng để tạo sự đồng thuận trong xã hội về phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử và điện hạt nhân. Nghiên cứu, chuẩn bị hồ sơ điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, phù hợp với tình hình thực tế và pháp luật hiện hành.

Cuối giờ chiều 27/11, Quốc hội họp riêng nghe Chính phủ trình về việc bổ sung dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2024 cho các bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương để thực hiện mức lương cơ sở theo quy định tại Nghị định số 73/2024/NĐ-CP của Chính phủ.

Quốc hội cũng nghe Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải nhiệm kỳ 2021 – 2026. Sau đó, Quốc hội thảo luận tại đoàn về đề nghị phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Trong ngày 28/11, Quốc hội tiếp tục họp riêng về công tác nhân sự.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo