Các đại biểu dự phiên họp ngày 27/11 * Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035
(Thanhuytphcm.vn) - Tiếp tục kỳ họp thứ, 8, ngày 27/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Việc làm (sửa đổi).
Đa số đại biểu Quốc hội (ĐB) tán thành việc sửa đổi Luật Việc làm nhằm thể chế hóa Hiến pháp năm 2013, chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về phát triển nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, thị trường lao động, cải cách chính sách bảo hiểm thất nghiệp; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, nhất là đối với các Luật mới được sửa đổi, bổ sung; phù hợp các tiêu chuẩn, thông lệ và cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.
ĐB Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) cho rằng, việc sửa đổi Luật Việc làm về cơ bản sẽ khắc phục những bất cập, hạn chế về quy định hỗ trợ việc làm, thông tin thị trường lao động, dịch vụ việc làm, bảo hiểm thất nghiệp, đăng ký và quản lý lao động để đáp ứng yêu cầu về nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực việc làm. Đồng thời, kịp thời ứng phó, thích ứng trong bối cảnh già hóa dân số, cách mạng công nghiệp 4.0; giải quyết các vấn đề liên quan đến việc làm bền vững, quản lý nguồn lao động kế thừa, phát triển quy định hiện hành đã được kiểm nghiệm trong thực tiễn và xu hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, phù hợp với hội nhập quốc tế.
ĐB Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) cho rằng, vẫn còn có một số nội dung quy định về thủ tục hành chính như: trình tự đăng ký lao động; điều chỉnh thông tin về việc làm trong cơ sở dữ liệu về người lao động; trình tự, thủ tục hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động; trình tự, thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp; trình tự, thủ tục hỗ trợ người lao động tham gia đào tạo nâng cao tay nghề… Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, rà soát loại bỏ các quy định về thủ tục hành chính ra khỏi dự thảo Luật và giao cho Chính phủ quy định nội dung này.
ĐB Võ Mạnh Sơn (Thanh Hóa) cho rằng, để xảy ra tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc đôn đốc, thu, xử lý hành vi vi phạm việc chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp. Trong khi đó, thực tiễn thi hành Luật Việc làm cho thấy, còn một bộ phận người lao động khi nghỉ việc, mất việc không được hưởng quyền lợi về bảo hiểm thất nghiệp do doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả dẫn đến giải thể, phá sản hoặc chủ doanh nghiệp cố tình không đóng, chậm đóng, trốn đóng hoặc chiếm dụng tiền bảo hiểm thất nghiệp của người lao động, dẫn đến người lao động mất thu nhập. Vì vậy, người lao động mong muốn có giải pháp hỗ trợ kịp thời đối với trường hợp doanh nghiệp nợ đóng, trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp để người lao động được hưởng quyền lợi bảo hiểm thất nghiệp đúng như quy định, đồng thời phát triển việc làm mới.
Phiên họp Quốc hội sáng 27/11 Để bảo đảm quyền lợi cho người lao động, ĐB Võ Mạnh Sơn đề nghị, cần nghiên cứu quy định nội dung Quỹ bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ cho người lao động đóng số tiền vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp thuộc trách nhiệm đóng bảo hiểm thất nghiệp nhưng người sử dụng lao động chưa đóng cho cơ quan bảo hiểm xã hội thì làm các thủ tục giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp. Khi cơ quan bảo hiểm xã hội thu hồi được số tiền chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp của người sử dụng lao động thì hoàn trả lại cho Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đã hỗ trợ cho người lao động.
ĐB Lã Thanh Tân (Hải Phòng) đề nghị, nghiên cứu kỹ nội dung “Khi cơ quan bảo hiểm xã hội thu hồi được số tiền chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp của người sử dụng lao động thì hoàn trả lại tiền mà người lao động đã đóng” để có phương án bảo vệ người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Bởi trên thực tế, các doanh nghiệp, người sử dụng lao động đã không còn khả năng đóng, hoặc trốn đóng thì chưa biết khi nào cơ quan bảo hiểm mới thu hồi được số tiền người lao động bỏ ra.
Cùng ngày, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật phòng không nhân dân, Luật Công đoàn (sửa đổi).
Quốc hội cũng biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035. Nghị quyết xác định rõ đây là lĩnh vực cần ưu tiên đầu tư để góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; cụ thể là xây dựng hệ giá trị văn hóa, hoàn thiện thiết chế văn hóa cấp tỉnh và huyện, bảo tồn di tích lịch sử, nâng cao năng lực chuyển đổi số trong văn hóa, và gia tăng đóng góp của công nghiệp văn hóa vào GDP. Chương trình thực hiện từ năm 2025 - 2035, trên phạm vi toàn quốc và ở một số quốc gia có cộng đồng người Việt hoặc quan hệ văn hóa lâu dài với Việt Nam.
Giai đoạn 2025 - 2030 đầu tư tối thiểu 122.250 tỷ đồng, bao gồm vốn ngân sách trung ương, địa phương và các nguồn khác. Chính phủ sẽ trình Quốc hội quyết định nguồn lực cho giai đoạn 2031 - 2035 dựa trên kết quả thực hiện giai đoạn trước.