Thứ Sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024

Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 04 tháng 7 năm 2002 về Chương trình hành động của Thành ủy thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 - khóa IX về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân

Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, kinh tế tư nhân đã có những đóng góp tích cực, quan trọng vào sự phát triển kinh tế trên địa bàn Thành phố. Hiện nay, trên địa bàn Thành phố có hơn 25.000 doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân, hoạt động theo các hình thức : doanh nghiệp tư nhân, Công ty trách nhiệm hữu hạn, cổ phần và có khoảng 170.000 hộ kinh doanh cá thể, đóng góp 36% tổng sản phẩm nội địa (GDP), tạo việc làm cho hơn 70% lực lượng lao động Thành phố. Kinh tế tư nhân hoạt động trong nhiều lĩnh vực, nhất là trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, với nhiều hình thức kinh doanh đa dạng, phong phú; phương thức kinh doanh năng động, thích nghi với cơ chế thị trường và nhu cầu xã hội. Từ khi có Luật doanh nghiệp (năm 2000), số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng nhanh, bình quân mỗi năm trên 6.000 doanh nghiệp. Tuy nhiên, quy mô của nhiều doanh nghiệp còn nhỏ, tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân vẫn còn thấp so với tiềm năng, năng lực cạnh tranh còn hạn chế, môi trường tâm lý xã hội và pháp luật chưa thuận lợi; công tác quản lý Nhà nước thiếu định hướng, quy hoạch, tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển phù hợp, ổn định với từng địa bàn, ngành nghề.
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 - khóa IX “về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố đề ra chương trình hành động cụ thể như sau :

I. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN :

Khuyến khích tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân phát triển trong mọi lĩnh vực mà Nhà nước không cấm hoặc hạn chế, trước hết là các ngành kinh tế phù hợp với lợi thế so sánh của Thành phố và thế mạnh của kinh tế tư nhân. Cụ thể là :

1/ Các ngành công nghiệp thu hút nhiều lao động như : dệt, may, giày da, gia công lắp ráp, thủ công mỹ nghệ truyền thống.

2/ Các ngành phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn như :

- Nhóm ngành công nghiệp chế biến, tinh chế các sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp nhằm tăng giá trị sản phẩm, giảm dần tình trạng xuất khẩu sản phẩm sơ chế; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn; giải quyết đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp.

- Nhóm ngành cơ khí chế tạo, cung cấp tư liệu sản xuất phục vụ sản xuất nông, ngư nghiệp (sản xuất máy cày, máy kéo, máy xay xát, máy tuốt lúa, các loại tàu thuyền đánh cá...), các sản phẩm cơ khí gia công lắp ráp phục vụ các ngành xây dựng dân dụng, công nghiệp và giao thông nông thôn.

- Ngành thương mại và dịch vụ phục vụ nhu cầu “ đầu vào” và “ đầu ra” của ngành nông nghiệp; các nhu cầu về giống, kỹ thuật chăm sóc và bảo vệ vật nuôi, cây trồng.

3/ Một số ngành thâm dụng vốn, có trình độ kỹ thuật cao như : Vật liệu xây dựng; sản xuất các sản phẩm từ chất khoáng phi kim loại; các sản phẩm từ kim loại, máy móc thiết bị, hóa chất và các sản phẩm từ hóa chất.

4/ Lĩnh vực thương mại – dịch vụ đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của nhân dân và phù hợp với quy hoạch; khuyến khích các dịch vụ tư vấn, kiểm toán và các dịch vụ đô thị.

5/ Phát triển sản xuất kinh doanh tại các khu vực đô thị hóa và vùng ven.


II.- GIẢI PHÁP THỰC HIỆN :

1/ Tạo môi trường thuận lợi về thể chế và tâm lý xã hội cho kinh tế tư nhân phát triển :

- Sơ kết tình hình thực hiện Luật doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố; đồng thời, nghiên cứu và đề xuất Trung ương sửa đổi, bổ sung một số quy định, nội dung của Luật liên quan đến phát triển kinh tế tư nhân. Rà soát các văn bản của Ủy ban Nhân dân Thành phố đã ban hành, nhưng không còn phù hợp với Luật doanh nghiệp để điều chỉnh, bổ sung.

- Tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện sâu rộng Luật doanh nghiệp trong toàn xã hội; mở rộng các hình thức và diện phổ biến Luật, nhất là số đối tượng có nhu cầu.

- Thành phố đề xuất Chính phủ quy định danh mục ngành, nghề, lĩnh vực mà kinh tế tư nhân không được phép kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện, những giấy phép, chứng chỉ hành nghề không phù hợp cần được bãi bỏ.

- Đổi mới quy trình đăng ký kinh doanh theo yêu cầu “ một cửa, một dấu” nhưng bảo đảm tính chặt chẽ của pháp luật.

- Biểu dương, khen thưởng các doanh nghiệp làm ăn tốt, chấp hành chính sách, pháp luật, hoạt động có hiệu quả, tạo ra nhiều việc làm, đóng góp lớn cho ngân sách, có nhiều sản phẩm xuất khẩu.

(Sở Kế hoạch - Đầu tư chủ trì, phối hợp với Viện Kinh tế Thành phố, Sở Tư Pháp, các quận, huyện chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan để thực hiện các nội dung trên).

2/ Chính sách đất đai, tài chánh, tín dụng :

Thành phố ban hành các thủ tục, quy trình thống nhất thực hiện chính sách đất đai, tài chánh, tín dụng đối với kinh tế tư nhân. Cụ thể là :

- Đất ở thuộc sở hữu tư nhân khi chuyển sang sản xuất, kinh doanh không phải nộp thêm tiền thuê đất. Rút kinh nghiệm để tiếp tục có chủ trương cho phép kinh tế tư nhân được dùng tài sản hình thành từ vốn vay để thế chấp ngân hàng vay vốn.

- Tạo thuận lợi cho cá nhân, pháp nhân dùng giá trị quyền sử dụng đất để thế chấp vay vốn ngân hàng hoặc góp vốn liên doanh.

- Nhanh chóng hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, quyền sở hữu nhà ở cho nhân dân, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh sử dụng làm tài sản thế chấp vay vốn.

- Xây dựng các khu công nghiệp với chi phí thấp, tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào các ngành khuyến khích phát triển.

- Thành lập quỹ bảo lãnh tín dụng từ nguồn đóng góp của cá nhân, tổ chức tín dụng, các hiệp hội và doanh nghiệp để bảo lãnh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ vay vốn không thế chấp tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng.

- Thành lập quỹ hỗ trợ cho các doanh nghiệp từ các nguồn hỗ trợ khác để cung cấp các khoản tín dụng rộng rãi với lãi suất thấp hơn so với các nguồn tín dụng khác.

- Nghiên cứu thành lập quỹ bảo trợ rủi ro, giúp các doanh nghiệp đầu tư vào các ngành, sản phẩm mới có tiềm năng, nhưng vượt quá khả năng chịu đựng rủi ro của các doanh nghiệp.

- Cải tiến, đơn giản hóa các thủ tục vay, tăng cường các dịch vụ thanh toán, bảo lãnh, tư vấn cho kinh tế tư nhân.

(Sở Tài chính – Vật giá chủ trì, phối hợp với Viện Kinh tế Thành phố, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục thuế, Sở Địa chính – Nhà đất, Ngân hàng Nhà nước tại Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện).

3/ Chính sách lao động, tiền lương : Rà soát, điều chỉnh lại các quy định về tiền lương không phù hợp với quyền tự chủ của doanh nghiệp (Sở Lao động - Thương binh - Xã hội thực hiện).

4/ Chính sách hỗ trợ thông tin, xúc tiến thương mại, đào tạo, khoa học và công nghệ :

- Tổ chức các hình thức tuyên truyền, giáo dục truyền thống, đạo đức kinh doanh trong khu vực kinh tế tư nhân. Triển khai các giải pháp cung cấp thông tin cho khu vực kinh tế tư nhân, các giải pháp khuyến khích và hỗ trợ thông tin cho doanh nghiệp tư nhân và các hiệp hội.

- Tiếp tục triển khai Chương trình “ Hỗ trợ doanh nghiệp hiện đại hóa với chi phí thấp” theo Chỉ thị 04/2000/CT-UB của Ủy ban Nhân dân Thành phố.

- Kiểm điểm tình hình dạy nghề, nhất là đối với khu vực nông thôn, khuyến khích tư nhân mở cơ sở đào tạo; xây dựng hệ thống thông tin thị trường lao động.

- Định kỳ 6 tháng/lần, tổ chức các cuộc tiếp xúc giữa lãnh đạo Thành phố với các chủ doanh nghiệp để giải quyết các khó khăn trở ngại; hàng năm Thành phố tiến hành tổng kết hoạt động của kinh tế tư nhân trên địa bàn, nghiên cứu bổ sung, từng bước hoàn thiện cơ chế quản lý và chính sách phát triển.

(Sở Kế hoạch – Đầu tư chủ trì, phối hợp với Viện Kinh tế Thành phố , Sở Giáo dục – Đào tạo, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và đầu tư, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện).

5/ Tăng cường quản lý Nhà nước :

- Triển khai nhanh công tác quy hoạch các ngành nghề sản xuất kinh doanh trên địa bàn, nhất là hoạt động thương mại – dịch vụ làm cơ sở cho việc đăng ký kinh doanh.

- Tổ chức triển khai xây dựng hệ thống lý lịch tư pháp của công dân làm căn cứ pháp lý cho thủ tục đăng ký kinh doanh.

- Củng cố công tác kiểm tra sau cấp phép kinh doanh, thực hiện việc giám sát, thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp trong việc chấp hành pháp luật, chế độ, chính sách và các quy định của Nhà nước, nhất là về thuế, hợp đồng lao động, bảo hiểm xã hội an toàn lao động, bảo vệ môi trường.

- Nghiên cứu đề xuất biện pháp chế tài đối với các doanh nghiệp để chấn chỉnh chế độ nộp báo cáo tình hình sản xuất, kinh doanh theo quy định của Luật doanh nghiệp.

(Sở Kế hoạch - Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Lao động - Thương binh - Xã hội, Bảo hiểm xã hội cùng các quận, huyện thực hiện).

6/ Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân và hiệp hội doanh nghiệp trong việc phát triển kinh tế tư nhân. Khảo sát, thống kê lực lượng đảng viên, đoàn viên, hội viên làm việc ở các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân, để phát triển tổ chức Đảng, Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp phụ nữ ở khu vực doanh nghiệp tư nhân có đủ điều kiện.

(Ban Tổ chức Thành ủy chủ trì, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, hội Đoàn thực hiện).


III.- CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH :

1/ Giao cho Ủy ban Nhân dân Thành phố chỉ đạo triển khai thực hiện chương trình này và định kỳ 6 tháng/lần báo cáo kết quả thực hiện với Thường trực Thành ủy công tác này.

2/ Các sở, ngành và các đoàn thể theo chức năng, có kế hoạch tổ chức thực hiện những nội dung nêu trong chương trình này, trình Thường trực Ủy ban Nhân dân Thành phố và Thường trực Thành ủy trong tháng 8/2002 và tiến hành sơ kết vào cuối năm 2002.

T/M BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘ

PHÓ BÍ THƯ THƯỜNG TRỰC

Võ Văn Cương

Tin khác

Thông báo