Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Y học gia đình giúp bác sĩ tuyến đầu giải quyết hơn 80% các vấn đề sức khỏe của người dân

Các đại biểu tham dự hội nghị (Ảnh: Thy Dương)

(Thanhuytphcm.vn) - Đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị Quốc tế y học gia đình lần II với chủ đề “Đào tạo y học gia đình” do Hội Khoa học kinh tế y tế Việt Nam phối hợp Sở Y tế TPHCM và Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch tổ chức ngày 9/11.

Tại hội nghị, các chuyên gia trong nước và nước ngoài đã tập trung thảo luận các nội dung về đào tạo, giải pháp công nghệ thông tin và thực hành chuyên ngành Y học gia đình trên thế giới và Việt Nam.

Theo các chuyên gia, tại các quốc gia phát triển và có hệ thống y tế hiệu quả, toàn diện như: Bỉ, Australia, Singapore,…, y học gia đình được công nhận và đào tạo chuyên khoa sau đại học. Tỷ lệ bác sĩ gia đình chiếm trên 40% so với các chuyên khoa khác. Việc đào tạo y học gia đình tại các nước này giúp cho các bác sĩ tuyến đầu có thể giải quyết được hơn 80% các vấn đề sức khỏe của người dân.

Tại Việt Nam đến nay đã có 8 trường đại học y có chương trình đào tạo y học gia đình từ trình độ đại học đến sau đại học nhằm cải thiện chất lượng chăm sóc và cung cấp dịch vụ cho tuyến y tế cơ sở cũng như góp phần giảm quá tải tại các bệnh viện tuyến trên.

PGS.TS.BS.Nguyễn Thanh Hiệp, Phó Hiệu trưởng kiêm Trưởng Phòng khám đa khoa Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho biết, nhiều nước trên thế giới đã tổ chức thành công mạng lưới bác sĩ gia đình trong hệ thống y tế giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế nhanh chóng, hiệu quả với chi phí hợp lý. Mạng lưới bác sĩ gia đình góp phần giải quyết căn cơ trình trạng quá tải bệnh nhân ở các bệnh viện, góp phần xây dựng hệ thống y tế lành mạnh, thực hiện công bằng y tế, giảm nghèo trong việc bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân.

Phát biểu tại hội nghị, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, Việt Nam bắt đầu triển khai đề án đào tạo bác sĩ gia đình từ năm 1999. Đã có hàng ngàn bác sỹ được cấp chứng chỉ hành nghề bác sĩ gia đình trên cả nước. Tuy nhiên có đến hơn 50% bác sĩ gia đình do thời gian đào tạo ngắn nên chưa hiểu và chưa thực hiện khám chữa bệnh theo nguyên lý y học gia đình. Bên cạnh  đó, còn tình trạng một số nơi triển khai phòng khám bác sĩ gia đình nhưng bác sĩ lại chưa được đào tạo, tập huấn về chuyên ngành y học gia đình…

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, xác định mô hình bác sĩ gia đình là lựa chọn phù hợp nhất để phát triển y tế, thời gian tới Bộ Y tế sẽ nhân rộng và phát triển mô hình này trên phạm vi toàn quốc nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, toàn diện, liên tục cho cá nhân, gia đình và cộng đồng; góp phần tăng cường chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu và giảm quá tải bệnh viện. Bộ Y tế phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 80% các tỉnh, TP có triển khai mô hình bác sĩ gia đình.

Nguyễn Nam

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo