(Thanhuytphcm.vn) – UBND TPHCM vừa ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp trên địa bàn TP năm 2025.
Kế hoạch có mục tiêu chung là bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động, khuyến khích lối sống, dinh dưỡng lành mạnh nơi làm việc; phòng, chống bệnh tật, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp cho người lao động, bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực, góp phần vào sự phát triển bền vững của TP.
Mục tiêu cụ thể là nâng cao năng lực quản lý nhà nước và thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe và phòng chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Trong đó, 50% số cán bộ y tế lao động, cán bộ y tế làm công tác giám định y khoa được đào tạo cấp chứng chỉ, chứng nhận chuyên môn về y tế lao động, quan trắc môi trường lao động; tiếp tục hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu quan trắc môi trường lao động, bệnh nghề nghiệp tại TPHCM cùng với đó là quản lý 50% số cơ sở lao động có yếu tố có hại gây bệnh nghề nghiệp; kiểm tra công tác quan trắc môi trường lao động tại 30% cơ sở lao động có yếu tố có hại gây bệnh nghề nghiệp; 100% cơ sở lao động có sử dụng amiăng được giám sát, quan trắc môi trường lao động theo quy định; 50% số cơ sở quan trắc môi trường lao động, khám sức khỏe định kỳ và khám bệnh nghề nghiệp đã công bố và cấp phép được kiểm tra chất lượng.
Bên cạnh đó là các mục tiêu về lồng ghép các dịch vụ y tế lao động cơ bản, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho người lao động không có hợp đồng lao động và nâng cao sức khỏe cho người lao động, tư vấn về các bệnh không lây nhiễm, phòng chống bệnh tật, nâng cao sức khỏe, dinh dưỡng hợp vệ sinh, phù hợp điều kiện lao động, tăng cường vận động tại nơi làm việc; nâng cao sức khỏe cho người lao động, phòng chống bệnh tật, phòng chống tác hại của thuốc lá và rượu bia tại nơi làm việc; tăng cường quản lý, phòng chống các bệnh nghề nghiệp tại các ngành nghề có nguy cơ cao; nâng cao năng lực sơ cứu, cấp cứu, đáp ứng điều trị, giám định y khoa, điều dưỡng phục hồi chức năng bệnh nghề nghiệp và tai nạn lao động.
Để thực hiện các mục tiêu trên, kế hoạch nêu rõ 5 giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó có tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp liên ngành nâng cao năng lực quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động; thực hiện có hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe và bệnh nghề nghiệp, sơ cấp cứu cho người lao động tại nơi làm việc. Bên cạnh đó là đẩy mạnh công tác quan trắc môi trường lao động tại nơi làm việc; truyền thông, giáo dục, huấn luyện, tư vấn về công tác an toàn, vệ sinh lao động; thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết việc thực hiện chương trình an toàn, vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe và bệnh nghề nghiệp.