Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức phát biểu tại hội thảo(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 20/4, Báo Tiền Phong và Đại học Quốc tế Hồng Bàng phối hợp tổ chức Hội thảo "Phòng chống đột quỵ: Từ lý thuyết đến thực tế hành động". Đến dự có TS.BS CK2 Nguyễn Tri Thức, Thứ trưởng Bộ Y tế cùng các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực đột quỵ, tim mạch trên cả nước.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, nhà báo Lê Minh Toản, Phó Tổng Biên tập Báo Tiền Phong cho biết, đột quỵ đang trở thành mối đe dọa sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng không chỉ tại Việt Nam mà trên toàn thế giới. Điều đáng lo ngại là căn bệnh này đang có xu hướng trẻ hóa rõ rệt, ảnh hưởng cả đến người lao động trẻ, thanh niên, thậm chí học sinh.
Tại hội thảo, các chuyên gia thông tin, trên thế giới, trong các bệnh không lây nhiễm, đột quỵ vẫn là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ hai và là nguyên nhân đứng thứ ba gây tử vong và tàn tật cộng lại. Trên bản đồ đột quỵ thế giới, Việt Nam nằm trong số những nước có màu đỏ đậm nhất - nhóm các quốc gia có tỷ lệ đột quỵ cao nhất; 63% các ca đột quỵ tại Việt Nam xảy ra ở người dưới 70 tuổi. Đáng lo hơn, khoảng 16% các ca đột quỵ ở độ tuổi dưới 50.
Thống kê tại Việt Nam cho thấy có đến 72,5% bệnh nhân đột quỵ gặp tình trạng tăng huyết áp, 64,9% rối loạn mỡ máu, 53,4% có tiền sử uống rượu và 49,6% từng hút thuốc lá. Hậu quả sau đột quỵ: 30% để lại di chứng nhẹ, độc lập, 40% để lại di chứng trung bình, tàn phế, phụ thuộc một phần, 30% tàn phế nặng, phụ thuộc, sống thực vật, tử vong. “Giờ vàng” là yếu tố sống còn, có vai trò cực kỳ quan trọng. Trong khoảng thời gian 3-6 giờ đầu kể từ khi xuất hiện triệu chứng đột quỵ, nếu người bệnh được đưa đến cơ sở y tế chuyên sâu và điều trị kịp thời bằng thuốc tiêu sợi huyết (IV rTPA) hoặc can thiệp nội mạch lấy huyết khối thì khả năng phục hồi hoàn toàn có thể lên đến 90%. Tuy nhiên, một trong những trở ngại lớn hiện nay là thời gian nhập viện còn quá muộn.
Theo PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng, Phó Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, Chủ tịch Hội Đột quỵ TPHCM, Trưởng Khoa Bệnh lý Mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115, đột quỵ được xem là bệnh lý hàng đầu gây ra tàn phế. Mỗi năm, Việt Nam có 200.000 ca đột quỵ mắc mới. So với các nước có nền kinh tế tương đương thì Việt Nam thuộc nhóm nước có tỷ lệ tử vong cao nhất. Theo thống kê của Hoa Kỳ, cứ 10 người bị đột quỵ thì 7 người khó có thể quay lại làm việc như trước đây. Điều này tạo ra gánh nặng rất lớn cho gia đình và xã hội.
Các đại biểu tham dự hội thảoTheo PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng, đột quỵ không phải là căn bệnh "trời kêu ai nấy dạ". 90% các bệnh nhân đột quỵ đều có yếu tố nguy cơ. Do đó, việc tốt nhất là kiểm soát yếu tố nguy cơ, chứ không phải uống một viên thuốc có thể phòng ngừa điều trị suốt đời.
Chia sẻ tại hội thảo, TS.BS Trần Chí Cường, Chủ tịch Hội Can thiệp Thần kinh TPHCM, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa quốc tế S.I.S Cần Thơ cho rằng, có thể thấy Việt Nam hoàn toàn đủ khả năng đạt chuẩn quốc tế trong điều trị đột quỵ, từ chẩn đoán sớm, cấp cứu, điều trị đặc hiệu đến phục hồi chức năng. Vấn đề không nằm ở thiếu năng lực, mà là cần đồng bộ hóa hệ thống y tế, tăng cường truyền thông và thay đổi nhận thức cộng đồng. TS.BS Trần Chí Cường cũng đề xuất cần thực thi nghiêm túc các chính sách quốc gia về phòng chống tác hại thuốc lá, rượu bia và an toàn vệ sinh thực phẩm - những nguyên nhân gián tiếp làm gia tăng nguy cơ đột quỵ và nhiều bệnh không lây nhiễm khác.
Theo TS.BS. Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, chiến lược phòng chống đột quỵ phải đa ngành và tổng lực. Đầu tiên phải bắt đầu từ chiến lược trên toàn thể dân số như thiết lập cộng đồng lành mạnh, nơi hoạt động thể lực, dinh dưỡng lành mạnh với giá phải chăng, giảm sử dụng thuốc lá, muối, đường và tiêu thụ cồn và chất béo chuyển hóa, thúc đẩy lối sống lành mạnh, giáo dục nâng cao nhận thức về đột quỵ và các yếu tố nguy cơ; giảm ô nhiễm không khí, hệ thống cung cấp dịch vụ, thuốc với giá phải chăng để người dân có thể tiếp cận, thực hiện bao phủ y tế toàn dân; cải thiện điều kiện kinh tế xã hội, giảm đói nghèo. Cùng với đó thực hiện chiến lược cá nhân như sàng lọc đơn giản về huyết áp tâm thu, hút thuốc lá, thừa cân, chẩn đoán, xác định người có bất cứ nguy cơ của đột quỵ, bệnh tim mạch. Quản lý các yếu tố nguy cơ tim mạch, đột quỵ như bắt đầu với thay đổi lối sống, điều trị các yếu tố nguy cơ.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức, tuy đột quỵ ngày càng trẻ hóa nhưng thay vì hoảng sợ và tìm đến những gói tầm soát tốn kém, người dân cần được trang bị kiến thức đầy đủ để biết cách tự nhận diện nguy cơ. Cùng với đó duy trì lối sống lành mạnh, khám sức khỏe định kỳ và tiếp cận đúng tuyến chuyên khoa khi có dấu hiệu nghi ngờ. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức chia sẻ, người dân cần biết đến và tiếp cận các cơ sở y tế uy tín trong phòng ngừa, tầm soát đột quỵ, đồng thời lưu ý các cơ sở y tế rằng: Việc khám lâm sàng kỹ lưỡng cần được ưu tiên để tránh lạm dụng cận lâm sàng không cần thiết, giúp người bệnh tiết kiệm chi phí nhưng vẫn đạt hiệu quả trong phòng ngừa và điều trị.
Các chuyên gia cũng chỉ ra 10 yếu tố hàng đầu gây đột quỵ trên thế giới, gồm hút thuốc lá, chế độ ăn uống không hợp lý, sử dụng đồ uống có cồn, ít hoạt động thể lực, ô nhiễm không khí, BMI cao, tăng cholesterol, tăng HA tâm thu, đường huyết lúc đói cao, rối loạn chức năng thận… Có 3 dấu hiệu nhận biết đột quỵ gồm: mặt méo, yếu/liệt tay chân, nói khó.