Thứ Sáu, ngày 15 tháng 11 năm 2024

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 12 dự thảo Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của 12 tỉnh, thành

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà

* TPHCM sắp xếp lại giảm 39 phường

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 14/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét, quyết định việc sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025 của 12 tỉnh, thành gồm: An Giang, Đồng Tháp, Hà Nam, Hà Nội, Hà Tĩnh, TPHCM, Phú Thọ, Sơn La, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Trà Vinh, Vĩnh Phúc.

Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ, Chính phủ đề nghị thực hiện sắp xếp, thành lập đối với 6 ĐVHC cấp huyện và 361 ĐVHC cấp xã để hình thành 5 ĐVHC cấp huyện và 200 ĐVHC cấp xã mới của 12 tỉnh, thành phố. Sau sắp xếp, giảm 1 ĐVHC cấp huyện (của tỉnh Hà Tĩnh) và 161 ĐVHC cấp xã, trong đó giảm nhiều nhất là Thành phố Hà Nội (53/109 phường), tiếp đến là TPHCM (39/80 phường), tỉnh Phú Thọ (18/31 đơn vị) và tỉnh Vĩnh Phúc.

Có 5 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hà Tĩnh, Phú Thọ, Quảng Ngãi, Quảng Trị) đề nghị không thực hiện sắp xếp 8 ĐVHC cấp huyện. Đồng thời, có 10 tỉnh, thành phố (Đồng Tháp, Hà Nam, Hà Nội, Hà Tĩnh, TPHCM, Phú Thọ, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Trà Vinh, Vĩnh Phúc) đề nghị không thực hiện sắp xếp 258 ĐVHC cấp xã.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cũng cho biết, sau sắp xếp, số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người hoat động không chuyên trách tại các ĐVHC, cấp huyện có 136 người dôi dư; cấp xã có 3.342 người dôi dư. Đồng thời, cấp huyện có 9 trụ sở dôi dư; cấp xã có 329 trụ sở dôi dư. UBND 12 tỉnh, thành phố đã xây dựng phương án chi tiết để bố trí, sắp xếp và giải quyết đối với số cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện, cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư; giải quyết trụ sở, tài sản công dôi dư theo đúng quy định.

Toàn cảnh phiên họp Toàn cảnh phiên họp

Nêu quan điểm thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với các Đề án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã của 12 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, trong số 200 ĐVHC cấp xã hình thành sau sắp xếp ở 12 tỉnh thành phố, có 89 đơn vị thuộc 7 tỉnh, thành phố chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên hoặc quy mô dân số theo quy định (đại đa số là chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên). Trong đó, nhiều nhất là thành phố Hà Nội (42 đơn vị), TPHCM (31 đơn vị), tỉnh Vĩnh Phúc (8 đơn vị). Chính phủ đã có báo cáo giải trình, tiếp thu gửi UBTVQH, trong đó nêu rõ lý do không thể tiếp tục sắp xếp đối với các ĐVHC này, coi đây là “các trường hợp khác” để trình UBTVQH xem xét, quyết định đối với từng trường hợp cụ thể. Ủy ban Pháp luật đề nghị UBTVQH cho phép thực hiện việc sắp xếp đối với 89 ĐVHC này như phương án Chính phủ đã trình theo thẩm quyền.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã là chủ trương lớn của Đảng, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết, Chính phủ đã có chỉ đạo tuy nhiên cùng với các địa phương triển khai nhanh và hiệu quả vẫn còn một số địa phương thực hiện còn chậm. Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị phải rút kinh nghiệm trong việc triển khai.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng yêu cầu cần nâng cao nhận thức, quyết tâm chính trị mạnh mẽ của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong thực hiện sắp xếp ĐVHC; tăng cường công tác tuyên truyền, giải thích rõ mục đích, lợi ích của việc sắp xếp ĐVHC... Đồng thời, phải đảm bảo ổn định hoạt động của bộ máy, không gây xáo trộn, quan tâm giải quyết chính sách cho cán bộ, công chức dôi dư; sắp xếp trụ sở dôi dư hợp lý không gây lãng phí; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục hành chính sau sắp xếp.

Tại phiên họp, UBTVQH đã thống nhất thông qua toàn bộ 12 dự thảo Nghị quyết về việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã của 12 tỉnh, thành. Các nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025, riêng nghị quyết của tỉnh Sơn La có hiệu lực thi hành từ ngày 1/2/2025.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn

Cùng ngày, UBTVQH cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Các đại biểu bày tỏ tán thành sự cần thiết ban hành Luật, việc ban hành Luật nhằm xây dựng đội ngũ sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh, đáp ứng yêu cầu đến năm 2025 cơ bản xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam tinh, gọn, mạnh; tạo tiền đề vững chắc phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; thu hút, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ Quân đội nhân dân Việt Nam.

UBTVQH cũng thảo luận về các vấn đề còn ý kiến khác nhau trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) sửa đổi. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, về việc chuyển phân bón từ diện không chịu thuế sang diện chịu thuế suất 5%, nội dung này đã được UBTVQH thống nhất với đề xuất của Chính phủ, chuyển phân bón, máy móc nông nghiệp và tàu khai thác thủy sản từ diện không chịu thuế sang diện chịu thuế 5%. Tuy nhiên, tại phiên thảo luận tại hội trường vẫn có một số đại biểu chưa thống nhất về nội dung này.

Vấn đề khác liên quan đến quy định không phải nộp thuế GTGT đầu ra nhưng được khấu trừ thuế GTGT đầu vào trong một số trường hợp, Thường trực Ủy ban Tài chính - ngân sách đề nghị quy định trong luật mức doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT là 200 triệu đồng/năm. Chính phủ đề nghị giữ nội dung này như dự thảo Luật đã trình tại kỳ họp thứ 7. Theo đó, giao thẩm quyền cho Chính phủ quy định mức ngưỡng doanh thu hàng năm thuộc diện không chịu thuế.

Đối với sản phẩm cung cấp trên nền tảng số, dự thảo luật sau tiếp thu, chỉnh lý đã cho phép áp dụng thuế suất 0% đối với các sản phẩm có nội dung thông tin số xuất khẩu để bảo đảm đúng nguyên tắc thuế GTGT và thúc đẩy sự phát triển của ngành dịch vụ kỹ thuật số của Việt Nam…

Trung Kiên

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo