Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024

Tục tảo mộ - nét đẹp văn hóa về đạo lý uống nước nhớ nguồn

Tham gia tảo mộ để nhớ về tổ tiên và để giáo dục con cháu về lòng hiếu thảo, tri ân nguồn cội, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc

(Thanhuytphcm.vn) - Vào những ngày giáp Tết, người dân miền Tây quê tôi đi quét dọn, viếng mộ của ông bà, tổ tiên để tỏ lòng thành kính với người đã khuất. Đây là nét văn hóa được người dân duy trì từ đời này sang đời khác trong dịp Tết Nguyên đán.

Theo quan niệm của người Việt, khi năm mới đến, tất cả mọi thứ đều phải được chuẩn bị, sửa sang cho mới mẻ, kể cả nơi an nghỉ của ông bà, người thân. Tục ngữ Việt Nam có câu “cao nấm, ấm mồ”, vì vậy, sửa sang nấm mồ cũng là một trong những việc hiếu đạo của con cái, thể hiện lòng kính trọng đối với đấng sinh thành, và các bậc tổ tiên đã khuất. Ngày tảo mộ có ý nghĩa rất quan trọng đối với các thế hệ gia đình của người dân Việt khắp mọi miền đất nước. Các con cháu dù làm ăn ở xa cũng cố gắng về tảo mộ ông bà với lòng biết ơn tổ tiên và cầu mong năm mới làm ăn khấm khá. Về quê tảo mộ mỗi dịp Xuân về đã trở thành một truyền thống tốt đẹp của dân tộc, thể hiện tình cảm hướng về với nguồn cội.

Tảo mộ còn được người miền Tây quê tôi gọi là quét mộ. Ở mỗi vùng có tục tảo mộ khác nhau, nhưng ở quê tôi thường diễn ra đông nhất từ ngày 20 đến 25 tháng Chạp. Có vài gia đình tiến hành tảo mộ từ rất sớm, khoảng mùng 10 tháng Chạp và kéo dài đến 25 âm lịch thì kết thúc. Trong khoảng thời gian đó, hầu như ngày nào trong xóm tôi cũng có nhà tảo mộ. Vào những ngày này, các thế hệ trong gia đình tập trung lại khu mộ của tổ tiên để làm cỏ, quét dọn, sơn sửa lại các phần mộ để chuẩn bị đón Tết. Ngày xưa còn nhiều mộ đất thì thế hệ con cháu sẽ đắp lại mộ đất cho cao hơn. Ngày nay, hầu hết các mộ đều xây bằng xi măng hoặc được dán gạch, nên công việc chủ yếu là dọn cỏ xung quanh, rửa sạch và sơn lại cho mới.

Theo phong tục, tại những khu mộ, trước khi tiến hành làm cỏ, sơn phết lại mộ phần, người cao tuổi nhất, có uy tín trong dòng họ sẽ đại diện thắp nhang, đốt đèn, mời rượu, cúng bánh, đốt vàng mã và khấn vái trước khi động mộ. Nhiều gia đình cho rằng, dịp tảo mộ cuối năm cũng là dịp để con cháu được giãi bày tâm sự với ông bà, tổ tiên những chuyện đã xảy ra trong năm, cho nên, đây không chỉ là phong tục phổ biến của các gia đình mà còn là một hoạt động mang tính dòng tộc rõ nét. Những người cùng dòng họ sẽ chọn một ngày trong tháng Chạp để thực hiện tảo mộ. Đây cũng là dịp để anh em trong họ hàng gặp mặt cuối năm, để cúng lễ tổ tiên và sau đó là cùng tham gia dọn dẹp, sơn phết các mộ phần, thể hiện trách nhiệm với dòng họ.

Năm nay, tôi đưa con gái về quê tảo mộ ông bà. Từ sáng sớm, con tôi đã hào hứng chờ đợi để được theo các chú, các bác đi tảo mộ. Sau khi chuẩn bị đồ cúng gồm trái cây, nhang đèn, các chú, bác, các anh trong họ hàng nhà tôi với dao, cuốc, chổi, khăn lau trên tay, miệng nói cười cùng nhau đi tảo mộ. Trong lúc dọn mộ, chốc chốc các chú, các bác lại cười rôm rả khi nhắc nhớ lại những câu chuyện vui về người đã khuất. Tôi còn nhớ ngày nhỏ, khi ba tôi còn sống, ông thường dẫn tôi theo khi đi tảo mộ. Ba đã hướng dẫn cho tôi biết ngôi mộ nào là của ông nội, bà nội, ngôi mộ nào là của bác Tư, bác Sáu và những ngôi mộ của tổ tiên khác nữa trong dòng họ. Ba phân tích mối quan hệ họ hàng, tên, tuổi của người nằm dưới mộ để tôi tường tận về nguồn cội ông bà, tổ tiên. Bé con tôi, khi nghe hướng dẫn tên tuổi, quan hệ họ hàng của từng phần mộ thì tỏ ra bối rối vì không thể nhớ hết được. Tôi chợt thấy tôi của những ngày thơ bé, lúc ba hướng dẫn cho tôi khi đi tảo mộ. Tôi động viên và nói với con rằng đừng quá lo lắng, qua dịp tảo mộ hàng năm, con sẽ dần nhớ được các vị trí, cũng như mối quan hệ họ hàng của từng mộ phần như tôi đã từng trải qua.

Trong ngày tảo mộ, khi các chú, bác, các anh thanh niên được phân công đi dọn mộ thì ở nhà các cô, dì, các chị lo nấu nướng thức ăn để tạ lễ ông bà, tổ tiên. Các món ăn thường là gà, vịt nấu cháo, thịt kho hột vịt và các món ăn kèm với cơm. Sau khi dọn cỏ, lau chùi, sơn phết lại mộ phần, mọi người lại quay về ngôi nhà thờ để vừa ăn cơm, trò chuyện, hỏi han nhau sau một năm không gặp.

Trong khu mộ của dòng họ, ngoài mộ phần của tổ tiên, còn có những phần mộ của những người không phải trong họ hàng, và cũng không biết của ai. Má tôi kể, từ ngày má về làm dâu và lo việc tảo mộ của dòng họ thì đã có những phần mộ nhiều năm không có người thân đến tảo mộ. Những ngày còn ở quê, năm nào tôi cũng theo má ra nhổ cỏ, quét dọn, đắp đất cho cao hơn. Hiện nay, má không thể đi lại để tự dọn mộ, nhưng má luôn nhắc anh chị em tôi duy trì thực hiện hàng năm. Má nói, có thể những mộ phần đó bị thất lạc hoặc có người thân ở xa, họ không kịp về tảo mộ. Mộ phần ở tại đất của dòng họ nhà mình thì mình quét dọn để người đã khuất cũng có “mồ yên, mả đẹp” khi Tết đến, Xuân về.

Phong tục tảo mộ cuối năm là nét đẹp trong văn hóa của người Việt và là niềm tin gia tiên sẽ phù hộ cho con cháu mạnh khỏe, công việc thuận lợi vào năm mới. Hàng năm, dù đi đâu, ở đâu, những người con xa xứ như tôi cũng nhớ quay về quê xưa, chốn cũ cùng anh chị em, họ hàng tham gia tảo mộ để nhớ về tổ tiên và để giáo dục con cháu về lòng hiếu thảo, tri ân nguồn cội, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc.

Phan Phượng


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo