Sẽ thông xe 15 công trình
Tại chương trình, Trưởng Ban Đô thị HĐND TP Nguyễn Thị Thanh Vân cho biết, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đặt chỉ tiêu: “Xây dựng và triển khai mạnh mẽ các giải pháp giảm ùn tắc, giảm tai nạn giao thông, đầu tư phát triển giao thông liên vùng, khai thác hiệu quả giao thông đường thủy, phát triển đường sắt đô thị, các đường vành đai. Đến năm 2025, tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt 15%, mật độ đường giao thông bình quân trên diện tích đất toàn TP đạt 2,5 km/km2.”
Nhằm thực hiện chỉ tiêu đề ra, UBND TP đã ban hành Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn TP giai đoạn 2020 – 2030 cùng nhiều chương trình, kế hoạch về thực hiện, quản lý và phát triển các công trình đường bộ nhằm tăng tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị, tiến đến đảm bảo hệ thống giao thông đường bộ thuận tiện, kết nối, đồng bộ, an toàn và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của TP là đầu tàu kinh tế của cả nước.
Thông tin về kết quả thực hiện các mục tiêu trên, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Phan Công Bằng cho biết, thực hiện các mục tiêu Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XI đề ra giai đoạn 2020 – 2025, đến nay đã hoàn thành một và các tuyến đường. Đến thời điểm này, tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt 14,6%, mật độ đường giao thông bình quân trên diện tích đất toàn TP đạt 2,41 km/km2. “Với các công trình đang tiếp tục được triển khai như đường Vành đai 3 và các công trình khác, chúng tôi xác đinh cuối nhiệm kỳ sẽ đạt mục tiêu theo kế hoạch Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XI đề ra.” – ông Phan Công Bằng cho biết.
Trao đổi về tiến độ triển khai dự án các đường vành đai và các tuyến cao tốc trên địa bàn TP, ông Phan Công Bằng cho biết, giai đoạn vừa qua TP đã tập trung cho các đường vành đai, chưa bao giờ chúng ta ưu tiên các tuyến giao thông kết nối vùng đến vậy. Về định hướng sắp tới, Sở tiếp tục phối hợp các đơn vị liên quan để ngoài nguồn vốn ngân sách khai thông được các nguồn vốn ngoài ngân sách theo Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM như các hình thức: BOT, BT.
Theo Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Lương Minh Phúc, đối với các dự án do Ban triển khai, ngoài 62 dự án đã được hoàn thành còn 100 dự án giao thông trọng điểm đang được triển khai. “Trong giai đoạn 2021 – 2025 gối đầu cho giai đoạn 2026 – 2030 là giai đoạn được tập trung nhiều dự án giao thông trọng điểm với mục tiêu khép kín các đường vành đai: 2, 3, 4 và hoàn thiện 5 đường cao tốc hướng tâm và các dự án mở rộng giao thông tại các cửa ngõ TP.” – ông Lương Minh Phúc cho biết.
Cùng với đó, TP đã triển khai các nhóm dự án giải quyết điểm nóng TP như khu vực Tân Sơn Nhất, khu vực cảng Cát Lái. Từ nay đến cuối năm sẽ thông xe khoảng 15 công trình. Trong đó, có cầu Phước Long, cầu Bà Hom, cầu Tân Kỳ Tân Quý, cầu Nam Lý, đường Tên Lửa, đường Tân Kỳ Tân Quý, đường Dương Quảng Hàm, hầm HC1, HC2 của nút giao Nguyễn Văn Linh…
Về vốn đầu tư cho các công trình giao thông, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư Phạm Trung Kiên thông tin: Giải ngân vốn đầu tư công cho các công trình đường bộ 2021 - 2025 là 113.000 tỷ đồng cho các dự án công trình giao thông đường bộ, vốn của trung ương khoảng 25.900 tỷ đồng cho các dự án chủ yếu, các dự án mang tính liên vùng và ngân sách TP cũng bố trí hơn 87.000 tỷ đồng.
Khắc phục chậm tiến độ trong giải phóng mặt bằng
Chia sẻ về 5 giải pháp khắc phục chậm triển khai các công trình giao thông, ông Lương Minh Phúc nhấn mạnh đến việc huy động quyết tâm của cả hệ thống chính trị các địa phương trong giải phóng mặt bằng. Đồng thời, tiếp tục đảm bảo nguyên tắc đặt người dân vị trí trung tâm trong giải phóng mặt bằng chúng ta lắng nghe nhiều hơn, chia sẻ nhiều hơn, tiệm cận với giá thị trường và giải quyết kịp thời những vướng mắc trên cơ sở hài hòa giữa lợi ích của người dân Nhà nước.
Cùng với đó là thống kê đầy đủ, chuẩn bị trước, phối hợp sớm với các đơn vị chủ đầu tư các công trình tiện ích, để rút ngắn thời gian phối hợp di dời công trình tiện ích.
Nâng cao trách nhiệm năng lực quản lý điều hành của các chủ đầu tư cũng như quá trình lựa chọn các nhà tư vấn, nhà thầu, đôn đốc quá trình thi công; xử lý kịp các tình huống phát sinh nếu nhà thầu yếu kém.
Ông Lương Minh Phúc thông tin, TP đã ra mắt Ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm và 3 tổ công tác về thúc đẩy giải ngân các dự án được giao vốn lớn; rà soát các khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; rà soát, giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Kết quả triển khai 2 năm gần đây, hàng loạt công trình đã được bàn giao mặt bằng để triển khai lại như dự án đường Tân Kỳ, Tân Quý, đường Tên Lửa, cầu Nam Lý…
Tại chương trình, đại diện các cơ quan chức năng đã trả lời ý kiến của của cử tri về các giải pháp phòng chống trộm cắp, phá hủy thiết bị công trình giao thông tại TP; việc xử lý bất cập liên quan hệ thống biển báo hiệu, đèn tín hiệu giao thông, đèn chiếu sáng, vạch kẻ đường, giải phân cách, hệ thống thoát nước. Cùng với đó là các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đối với các dự án công trình giao thông;...
Từ các ý kiến trao đổi tại chương trình, bà Nguyễn Thị Thanh Vân đề nghị UBND TP chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai đồng bộ nhiều biện pháp mạnh mẽ hơn, tập trung công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ giải ngân các công trình đường bộ, đồng thời tăng cường xã hội hoá, thu hút nguồn lực từ các thành phần kinh tế để đảm bảo tổ chức thực hiện tốt các chỉ tiêu theo Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ được duyệt và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP nhiệm kỳ 2020 – 2025, nhằm đáp ứng nhu cầu giao thông trong khu vực ngày một tăng cao, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của TP.
Các đại biểu tham dự chương trình Trong đó, Sở Giao thông vận tải tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư xây dựng các công trình đường bộ trên địa bàn TP. Phối hợp chặt chẽ với Sở Quy hoạch - Kiến trúc cập nhật quy hoạch hệ thống giao thông vận tải với Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, nghiên cứu, tham mưu UBND TP ứng dụng giao thông thông minh và đảm bảo các yếu tố bảo vệ môi trường trong thiết kế, thi công, quản lý và vận hành công trình đường bộ.
Riêng Ủy ban MTTQ Việt Nam TP và các đoàn thể triển khai nhiều hoạt động thiết thực, cụ thể, vận động nhân dân hiểu rõ quyền lợi và trách nhiệm trong công tác huy động các nguồn lực từ cộng đồng để phát triển các công trình đường bộ và chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ trên địa bàn TP. “Thường trực HĐND TP rất mong toàn thể quý cử tri Thành phố cùng quan tâm chung sức, đồng lòng vượt qua những khó khăn gặp phải trong quá trình triển khai xây dựng các công trình đường bộ nhằm góp phần xây dựng TPHCM hiện đại với hạ tầng giao thông hoàn thiện.” - bà Nguyễn Thị Thanh Vân chia sẻ.