Thứ Tư, ngày 11 tháng 12 năm 2024

TPHCM từng bước chuyển sang phương tiện xe buýt sử dụng năng lượng điện, năng lượng xanh

Xe buýt hoạt động trên địa bàn TPHCM.

(Thanhuytphcm.vn) - UBND TPHCM vừa có báo cáo tình hình hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn TP giai đoạn 2020 - 2024.

Theo UBND TPHCM, trong giai đoạn 2020 - 2024, việc giá trị trợ giá tăng hàng năm chủ yếu do yếu tố phát sinh biến động giá nhiên liệu và tăng lương cơ sở qua các năm. Mặc dù chi phí và trợ giá qua các năm đều tăng, tuy nhiên chỉ tiêu sản lượng hành khách/chuyến cũng tăng dẫn đến tỷ lệ trợ giá/chi phí có xu hướng giảm từ 68,5% vào năm 2022 đến năm 2024 giảm xuống chỉ còn khoảng 63,4%.

Mức hành khách khoán ở mức bình quân khoảng 35,1 hành khách, thực hiện thực tế bình quân đạt khoản 18,5 hành khách, đạt khoảng 52,7%. Như vậy, trợ giá tính trên sản lượng khoán có tính hiệu quả, tiết kiệm so với thực tế thực hiện.

Sau thời gian ảnh hưởng dịch Covid-19, sản lượng hành khách đi lại bằng xe buýt từ năm 2023 đến năm 2024 đã có dấu hiệu phục hồi trở lại sau gần 3 năm chịu tác động của dịch Covid-19, năm 2021 là 40,91 triệu lượt (16,1 hành khách/chuyến), đến năm 2023 là 83,15 triệu lượt (17,9 hành khách/chuyến) và 2024 ước đạt khoảng 87,10 triệu lượt (khoảng 18 hành khách/chuyến).

Bên cạnh đó, công tác quản lý điều hành hoạt động cũng nâng cao nhằm tăng chất lượng dịch vụ, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân góp phần tăng sản lượng và hiệu quả việc trợ giá. Cụ thể, thông qua công tác đấu thầu nâng cao chất lượng đoàn phương tiện và giảm trợ giá; nhằm tăng hiệu quả hoạt động bằng việc tăng tần suất hoạt động của các tuyến xe buýt có trợ giá nhằm đảm bảo nhu cầu đi lại của học sinh, sinh viên trong các dịp tựu trường; điều chỉnh vị trí đầu cuối tuyến của một số tuyến xe buýt cho phù hợp với sự phát triển các khu đô thị mới làm phát sinh nhu cầu đi lại của người dân cũng như các trường học trong khu vực.

Trong thời gian tới, TPHCM tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ 27 nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng, kết hợp kiểm soát phương tiện cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TP. Trong đó, vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt cùng với đường sắt đô thị được xác định là phương tiện giao thông công cộng đi lại nòng cốt của người dân trong đô thị; phát triển mạng lưới xe buýt theo kế hoạch trung hạn, hàng năm và được điều tiết, điều chỉnh theo nhu cầu thực tế, cùng với việc triển khai thực hiện Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TPHCM theo Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sau khi được phê duyệt.

Đồng thời, việc sử dụng ngân sách nhà nước trợ giá cho xe buýt được xác định là nhiệm vụ ưu tiên, thường xuyên nhằm phục vụ an sinh xã hội, phát triển đô thị văn minh hiện đại; đổi mới hoạt động xe buýt có trợ giá đảm bảo chi phí trợ giá được sử dụng có hiệu quả, tiết kiệm, đúng mục đích, đúng đối tượng, không để xảy ra thất thoát, lãng phí.

Mặt khác, phương tiện buýt sẽ từng bước chuẩn hóa chuyển sang phương tiện sử dụng năng lượng điện, năng lượng xanh (phấn đấu đến năm 2030, toàn bộ 100% phương tiện xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh).

Bên cạnh đó, triển khai áp dụng sâu rộng khoa học công nghệ trong quản lý, điều hành giao thông công cộng trên địa bàn thành phố; hệ thống vé cho giao thông công cộng được chuyển sang sử dụng thẻ vé điện tử liên thông kết hợp đa dạng chính sách vé (dự kiến đưa hệ thống vào hoạt động vào đầu năm 2025); có nguyên tắc linh hoạt điều chỉnh giá vé theo từng giai đoạn.

Ngoài ra, tăng cường phân cấp, thực hiện xã hội hóa trong đầu tư, duy tu, duy trì hạ tầng vận tải hành khách công cộng. Đảm bảo tập trung ưu tiên nguồn lực trong công tác đầu tư xây dựng các bến bãi, hạ tầng trạm sạc đúng theo tiến độ và yêu cầu của TP.

Vân Minh


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo