Hội thảo thu hút sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý cùng chia sẻ các kết quả nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phát triển vùng Nam Bộ.(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 5/12, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) phối hợp cùng Khu công nghệ phần mềm Đại học Quốc gia TPHCM, Tổ chức Đại diện Sở hữu trí tuệ Masterbrand tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Một số vấn đề về đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ vùng Nam Bộ trong bối cảnh hiện nay”, theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Hội thảo là diễn đàn để các đại biểu, nhà khoa học, nhà quản lý chia sẻ các kết quả nghiên cứu, đánh giá khoa học, bài học kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp.
Theo PGS.TS Vũ Tuấn Hưng, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, Nam Bộ là vùng có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của cả nước. Trong suốt quá trình hơn 30 năm đổi mới vừa qua, Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam luôn khẳng định là vùng kinh tế trọng điểm tiên phong đi đầu trong phát triển và tăng trưởng kinh tế. Để thực hiện việc thúc đẩy vai trò và nhằm khai thác tiềm năng, khơi dậy nội lực sẵn có của vùng trong giai đoạn tiếp theo, Bộ Chính trị đã có các nghị quyết chuyên đề và quy hoạch vùng.
Đối với khu vực Đông Nam Bộ, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết 24-NQ/TW, theo đó phấn đấu đến năm 2030: “Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước; trung tâm khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao trong khu vực. Đi đầu trong đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số, xây dựng "chính quyền số", "kinh tế số", "xã hội số". Phát triển nhanh hệ thống đô thị thông minh và hiện đại”...
Tầm nhìn đến năm 2045: “Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển, có tiềm lực kinh tế mạnh, cơ cấu kinh tế hiện đại; trung tâm khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics, trung tâm tài chính quốc tế thuộc nhóm đầu của khu vực và thế giới; kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ. Phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và bảo đảm quốc phòng, an ninh; có chất lượng cuộc sống cao, có trình độ y tế, giáo dục thuộc nhóm dẫn đầu Đông Nam Á”. Nghị quyết lần này đề ra khá đầy đủ, đồng bộ phát triển, đẩy mạnh liên kết vùng; phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển nguồn nhân lực.
Đối với ĐBSCL (Tây Nam Bộ), Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và quy hoạch vùng ĐBSCL. Quy hoạch phát triển vùng đã được thông qua, trong đó cả hai vùng này đều được Bộ Chính trị chú trọng và kỳ vọng thời gian tới với tốc độ phát triển bứt phá.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo.Tại hội thảo, các chuyên gia đã tập trung phân tích các vấn đề về vị trí, vai trò, tầm quan trọng và kinh nghiệm quốc tế, trong nước liên quan đến các vấn đề về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, nguồn lực con người cho sự phát triển,… trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số hiện nay. Bên cạnh đó, hội thảo bàn đến sự tác động của đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp và các chủ thể kinh doanh ở vùng Nam Bộ; các nguồn lực và tiềm năng phát triển đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp ở Việt Nam và ở Nam Bộ. Đặc biệt là các chính sách phát triển và thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trên thế giới và Việt Nam, các giải pháp thúc đẩy sự phát triển khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo ở Việt Nam, vùng Nam Bộ hiện nay.
Đại biểu cũng đã phân tích về thực trạng bảo hộ và phát triển sở hữu trí tuệ tại vùng Nam Bộ, xem xét các vấn đề mới đặt ra trong Luật Sở hữu Trí tuệ của Việt Nam mới hiện nay; vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm OCOP - “chương trình mỗi xã phường một sản phẩm” ở vùng Nam Bộ; bảo hộ và quản trị tài sản trí tuệ đối với các sản phẩm địa phương thông qua các đối tượng quyền của: nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý,… Trong đó, nhấn mạnh về thực trạng quản lý nhà nước đối với sở hữu trí tuệ tại địa phương; thực trạng thương mại hóa các tài sản trí tuệ; các chính sách và chiến lược phát triển tài sản trí tuệ và sở hữu trí tuệ qua thực tiễn ở các địa phương.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh mới, để phát triển nhanh và bền vững của vùng, đòi hỏi quan trọng phải lấy đổi mới sáng tạo, sở hữu trí tuệ là một trong những thể chế căn cốt giúp tạo dựng và thúc đẩy sự phát triển của từng địa phương và vùng. Đổi mới sáng tạo và bảo hộ sở hữu trí tuệ là cặp bài trùng tạo thể chế khuyến khích sáng tạo trí tuệ và đầu tư tạo ra các giá trị của tài sản trí tuệ và thúc đẩy khoa học công nghệ phát triển.