Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hiển, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Phạm Thành Ngại tiếp đoàn công tác.
Chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực ứng dụng và phát triển công nghệ cao
Báo cáo đoàn công tác, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Cà Mau cho biết, Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TPHCM với các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2025, trong đó có tỉnh Cà Mau, được ký kết ngày 11/3/2023.
Từ đó đến nay, giữa 2 địa phương thường xuyên tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch, nhằm kết nối, mời gọi và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp, các tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước, các hiệp hội doanh nghiệp, các hội ngành nghề của tỉnh Cà Mau và TPHCM đến khảo sát tìm hiểu cơ hội đầu tư.
Bên cạnh đó, tỉnh Cà Mau đã tổ chức các chuyến công tác học tập kinh nghiệm về xúc tiến đầu tư tại TPHCM… qua đó, đẩy mạnh trao đổi thông tin và chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực ứng dụng và phát triển công nghệ cao, thúc đẩy khởi nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo; chia sẻ kinh nghiệm trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; trao đổi, học tập kinh nghiệm trong việc xây dựng các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư, quảng bá, xúc tiến, mời gọi đầu tư vào các lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế của tỉnh Cà Mau.
Đồng chí Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị Ngoài ra, Sở Công thương hai địa phương đã ký Bản thỏa thuận hợp tác triển khai một số nội dung trọng tâm ngành công thương giai đoạn đến năm 2025. Qua đó, thống nhất hợp tác trên một số lĩnh vực và đã đạt được kết quả bước đầu như: bình ổn thị trường, phát triển hạ tầng thương mại, kết nối cung - cầu hàng hóa, xây dựng chuỗi cung ứng bền vững, hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP, phát triển năng lượng tái tạo...
Về du lịch, TPHCM phối hợp với tỉnh Cà Mau trong công tác tổ chức hội nghị tổng kết Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch TP và các 13 tỉnh, TP đồng bằng sông Cửu Long; tham gia nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá tại hội chợ, hội thảo, trưng bày giới thiệu sản phẩm du lịch đến các địa phương trong chương trình liên kết hợp tác; thực hiện trưng bày các ấn phẩm du lịch Cà Mau, các ấn phẩm giới thiệu về sản phẩm tour tuyến của doanh nghiệp; liên kết quảng bá Cà Mau trên trang thông tin điện tử ipec.com.vn.
Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và môi trường 2 địa phương thống nhất hợp tác về thúc đẩy hình thành hành lang đa dạng sinh học kết nối Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau - Thạnh Phú - Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ và hỗ trợ dự án điều tra và đánh giá các vùng đất ngập nước quan trọng trên địa bàn tỉnh Cà Mau để thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ, phục hồi và sử dụng bền vững các hệ sinh thái…
Kết nối vùng để phát triển du lịch
Tại hội nghị, UBND tỉnh Cà Mau đề xuất UBND TP hỗ trợ huyện Thới Bình thực hiện mục tiêu hoàn thành xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Cụ thể, hỗ trợ mời gọi doanh nghiệp đầu tư các dự án phát triển kinh tế - xã hội của huyện, gắn với thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, hỗ trợ kết nối cung - cầu hàng hóa, xúc tiến đầu tư đối với các sản phẩm có thế mạnh, đạt chứng nhận ASC và hữu cơ như tôm sú, tôm thẻ, tôm càng xanh, cua, lúa gạo, ... tại TPHCM; hỗ trợ vận động doanh nghiệp thực hiện công tác an sinh xã hội như: xây dựng nhà ở cho người nghèo, hỗ trợ đầu tư các công trình dân sinh như cầu, đường giao thông nông thôn, trường học, ... Bên cạnh đó, hợp tác xây dựng và khai thác hiệu quả các tour du lịch TPHCM - Cà Mau - Thới Bình.
Ngoài ra, hỗ trợ tỉnh kết nối doanh nghiệp, nhà đầu tư TPHCM đến khảo sát nhu cầu đầu tư tại tỉnh Cà Mau; tổ chức các hoạt động kết nối, tiêu thụ sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP của tỉnh Cà Mau vào hệ thống các siêu thị, chuỗi phân phối, hệ thống các cửa hàng tiện lợi ở TPHCM; hỗ trợ tỉnh Cà Mau tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư chuyên đề cho các dự án hạ tầng khu công nghiệp; triển khai thực hiện Đề án xây dựng TP Cà Mau thành trung tâm tổng hợp, chuyên ngành…
Đồng chí Phạm Thành Ngại phát biểu tại buổi làm việc Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi ghi nhận và đánh giá cao chương trình hợp tác giữa TPHCM và tỉnh Cà Mau. Trong giai đoạn sắp tới, đồng chí Phan Văn Mãi đề nghị trong quá trình hợp tác giữa hai địa phương cần chọn ra các lĩnh vực thế mạnh và có nhu cầu, nhất là các lĩnh vực xúc tiến thương mại, du lịch, đầu tư. “TPHCM sẽ bố trí không gian cho tỉnh trưng bày, quảng bá sản phẩm cần xúc tiến đầu tư. Chương trình hợp tác về lĩnh vực du lịch là chiến lược cần có sự kết nối vùng để tạo được sự trải nghiệm giữ chân khách du lịch.” - đồng chí Phan Văn Mãi khẳng định.
Đối với xây dựng huyện Thới Bình đạt chuẩn nông thôn mới, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi giao 11 quận, huyện của TPHCM đồng hành với 11 xã của huyện Thới Bình. “Trong quá trình phối hợp, sẽ tính toán cách thức thực hiện bằng nhiều nguồn lực khác nhau” - đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Đối với Đề án xây dựng TP Cà Mau trở thành trung tâm tổng hợp chuyên ngành, đồng chí Phan Văn Mãi giao Sở Công thương và Viện nghiên cứu phát triển của TPHCM phối hợp thực hiện.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Hồ Hải ghi nhận và đánh giá cao chương trình hợp tác của 2 địa phương trong thời gian qua. Đồng thời, mong muốn chương trình hợp tác của 2 địa phương sẽ giúp cho kinh tế - xã hội tỉnh Cà Mau phát triển bền vững hơn.
Trong quá trình hợp tác, đồng chí Nguyễn Hồ Hải yêu cầu 2 địa phương cần chọn những việc cụ thể, tránh dàn trải. Bên cạnh đó, mong muốn TPHCM sẽ tích cực hỗ trợ tỉnh Cà Mau xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Thới Bình. Đồng thời, cần có sơ kết, rút kinh nghiệm để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.