Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 20/9, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày một số vấn đề lớn về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) nêu rõ, đây là dự án luật khó, có nhiều nội dung phức tạp, chuyên môn sâu, có tác động lớn đến nhiều đối tượng và cả kinh tế vĩ mô của đất nước, do đó, việc rà soát, tiếp thu, chỉnh lý đã được các cơ quan tiến hành một cách thận trọng, kỹ lưỡng. Chỉ những vấn đề đã rõ, được thực tiễn chứng minh thì quy định trong luật, những vấn đề mới, chưa được kiểm nghiệm, cần có sự điều chỉnh linh hoạt để phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ thì quy định nguyên tắc trong luật và giao Chính phủ quy định chi tiết.
Dự án luật này đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ năm và dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ sáu tới đây. Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, dự án Luật mang tính chuyên môn cao và rất khó, do đó, cần cho ý kiến thật kỹ lưỡng để các nội dung của dự thảo Luật bảo đảm chất lượng trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua. Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo cần rà soát kỹ các quan điểm, yêu cầu và chính sách lớn đặt ra khi sửa Luật. Sau khi Luật được thông qua, hệ thống các tổ chức tín dụng có lành mạnh hơn, năng lực chống chịu với các cú sốc bên trong và bên ngoài có tốt hơn không? Cần bổ sung các quy định trong dự thảo Luật để bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động và an ninh, an toàn hệ thống; tăng cường trách nhiệm của người quản lý, người điều hành, cổ đông của tổ chức tín dụng; phát hiện và xử lý từ sớm, từ xa các dấu hiệu bất ổn hệ thống. Cùng với đó, quy định rõ hơn một số hoạt động như cấp tín dụng, cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản, không qua tài khoản, chiết khấu; làm rõ về hoạt động ngân hàng đầu tư…
Các ý kiến cũng đề nghị tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định về can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt tổ chức tín dụng để quy định khả thi; kiểm soát rủi ro nhưng bảo đảm quyết định nhanh, hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, khắc phục bất cập trong xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém trong thời gian qua. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định về nợ xấu và xử lý nợ xấu; các quy định về thu giữ tài sản bảo đảm, thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm.
Cũng trong chiều 20/9, UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Đây là dự án Luật sẽ trình Quốc hội cho ý thảo luận lần đầu tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV tới.
Trình bày tóm tắt dự án luật, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Phạm Hoài Nam nêu rõ, việc xây dựng luật là rất cần thiết, nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn nhiệm vụ công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh và động viên công nghiệp trong tình hình mới, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các quy định pháp luật có liên quan. Dự thảo tập trung vào các nội dung: nguồn vốn cho đầu tư; nghiên cứu phát triển vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ công nghệ cao, công nghệ lưỡng dụng; thu hút, gìn giữ nguồn nhân lực chất lượng cao, khuyến khích nhân tài phục vụ xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh; triển khai các dự án đầu tư, nghiên cứu phát triển sản phẩm mũi nhọn; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh, cơ sở động viên công nghiệp.
Đồng thời, huy động các thành phần kinh tế, doanh nghiệp ngoài lực lượng vũ trang nhân dân có tiềm lực về tài chính, khoa học công nghệ tham gia đầu tư phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và thực hiện nhiệm vụ động viên công nghiệp, tham gia sản xuất, sửa chữa vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ cho lực lượng vũ trang nhân dân; đẩy mạnh hợp tác, hội nhập quốc tế…