Thứ Bảy, ngày 5 tháng 10 năm 2024

Thương hiệu - “Nội lực mềm” cho doanh nghiệp Việt

PGS.TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển kinh tế tuần hoàn

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 27/6, Báo Sài Gòn Giải Phóng (SGGP) phối hợp với Viện Nghiên cứu và phát triển kinh tế tuần hoàn, Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức hội thảo với chủ đề: Thương hiệu - “Nội lực mềm” cho doanh nghiệp Việt.

Chủ trì hội thảo có: PGS.TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển kinh tế tuần hoàn, Đại học Quốc gia TPHCM; Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM (HUBA); nhà báo Phạm Văn Trường, Phó Tổng Biên tập Báo SGGP. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến ở nhiều điểm cầu trên cả nước.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Tổng Biên tập Báo SGGP Phạm Văn Trường nhấn mạnh, thương hiệu chính là nội lực mềm cho sự phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam. Việc xây dựng thương hiệu Việt không đơn thuần là dừng lại ở sản phẩm chất lượng tốt, mẫu mã sáng tạo mà còn góp phần khẳng định bản sắc, vị thế của doanh nghiệp Việt trên phạm vi toàn cầu. Cao hơn, sự phát triển thương hiệu của từng doanh nghiệp sẽ là mảnh ghép trong hệ sinh thái thương hiệu quốc gia, góp phần đưa thương hiệu quốc gia vươn tầm quốc tế.

Tính chung trong chuỗi giá trị thương mại toàn cầu, sản phẩm Việt tồn tại chủ yếu dưới hình thức gia công, giá trị gia tăng thấp, tỷ lệ xuất khẩu qua trung gian là chính, rất ít sản phẩm có thể xuất khẩu bằng thương hiệu của mình. Điều này xuất phát từ nguyên do thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam còn thiếu và yếu. Đó là một thiệt thòi rất lớn cho hàng Việt, cho doanh nghiệp Việt nói chung trên thị trường, nhất là tại thị trường quốc tế.

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp đã cùng thảo luận và tìm các giải pháp để phát triển thương hiệu Việt trong bối cảnh thương mại xanh, hướng đến kiến tạo hệ sinh thái doanh nghiệp Việt có thương hiệu mạnh và bền vững. PGS.TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển kinh tế tuần hoàn nhấn mạnh, kinh tế tuần hoàn chính là tương lai của nền kinh tế toàn cầu. Tương lai là tuần hoàn, tương lai là xanh hoặc không có tương lai. Các nội dung cụ thể của nền kinh tế tuần hoàn có thương mại xanh, tiêu dùng xanh, thương hiệu xanh…

Để doanh nghiệp Việt ngày càng “xanh” hơn, rất cần sự chung tay vào cuộc của các bộ ngành; cần sự tiếp tục xây dựng và cập nhật khung pháp luật và chính sách nhằm khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tuần hoàn. Bên cạnh đó, cần phát triển các yếu tố cần thiết cho hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn; cần mô hình thí điểm, vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp đầu ngành; lồng ghép các giải pháp kinh tế tuần hoàn vào các chương trình mục tiêu quốc gia và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các bộ ngành, địa phương.

Cùng với đó, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM Nguyễn Anh Đức cho rằng, hàng Việt cũng đang dần theo hướng “xanh” rất mạnh mẽ. Hàng Việt cũng đã tận dụng được những cơ hội mới, như các hiệp định thương mại tự do.

Để nâng cao năng lực cung ứng và vị thế hàng Việt tại thị trường trong nước và trên thế giới, ông Nguyễn Anh Đức đề xuất các giải pháp: cần có quy hoạch tổng thể, quy hoạch vùng trồng tránh sự cạnh tranh giữa các địa phương, sản phẩm OCOP cũng cần được quy hoạch rõ ràng, phân bố hợp lý thể hiện sự đặc trưng; Định hướng đầu tư sản phẩm tiêu dùng mang thương hiệu quốc gia, thậm chí toàn cầu, phải có sự thúc đẩy phát triển đồng bộ các ngành cung ứng hậu cần, thương mại điện tử và số hóa, hiện đại hóa, tập trung vào sản xuất, lưu thông, phân phối hàng Việt; Củng cố thị trường hiện hữu bằng các giải pháp như đã nói và phát triển thêm các thị trường mới.

Bên cạnh đó, hội thảo còn có sự đóng góp ý kiến của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp, đại diện hiệp hội ngành nghề, lãnh đạo Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về tính cấp thiết cũng như giải pháp cần để phát triển thương hiệu cho doanh nghiệp Việt, sản phẩm Việt. Theo phân tích, đánh giá của các đại biểu tham dự, việc xây dựng thương hiệu Việt không đơn thuần là dừng lại ở sản phẩm chất lượng tốt, mẫu mã sáng tạo mà còn góp phần khẳng định bản sắc, vị thế của doanh nghiệp Việt trên phạm vi toàn cầu. Sự phát triển thương hiệu của từng doanh nghiệp sẽ là mảnh ghép trong hệ sinh thái thương hiệu quốc gia, góp phần đưa thương hiệu quốc gia vươn tầm quốc tế.

Thương hiệu chính là “nội lực mềm” cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Và trong bối cảnh khoa học công nghệ, thông tin đang bùng nổ như hiện nay thì việc xây dựng thương hiệu càng trở nên cấp thiết. Xây dựng thương hiệu chính là gia tăng nội lực nội sinh cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp hướng tới phát triển vững mạnh, từng bước vươn xa hơn trên thị trường trong nước và thế giới.

Minh Hiệp


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo