Dịch Covid-19 đã làm thay đổi xu hướng phát triển của điện ảnh. Ảnh minh họa (Thanhuytphcm.vn) - Dịch Covid-19 đã làm thay đổi hoàn toàn nền điện ảnh và hệ thống rạp chiếu khắp thế giới. Nếu những năm trước việc phát hành ngoài rạp luôn là ưu tiên số 1 và đem lại nguồn thu chính thì nay nhiều hãng phim lớn đã chọn phương thức phát hành ngoài rạp cùng lúc với phát hành trực tuyến. Không chỉ là giải pháp “cứu cánh” đem lại nguồn thu cho các nhà sản xuất phim mà việc Netflix có tới 42 đề cử Quả cầu vàng 2021 trong cả mảng điện ảnh lẫn truyền hình cho thấy vị thế của phim kỹ thuật số đã thực sự thay đổi.
Thay đổi phương thức phát hành truyền thống
Trong nhiều thập kỷ qua việc phát hành phim luôn được thực hiện theo phương thức truyền thống tức là công chiếu tại các rạp. Chính bởi thế phim bom tấn ngoài việc đầu tư về nội dung thì một trong những yếu tố mang tính quyết định sự sống còn của phim chính là thời điểm công chiếu ra mắt. Thời điểm công chiếu ra mắt, thị trường phát hành… luôn được các nhà sản xuất tính toán rất kỹ và phim chiếu rạp đương nhiên trong nhiều năm qua cũng là nguồn thu chính của phim điện ảnh.
Dù chỉ mới xuất hiện trong một thời gian ngắn nhưng dịch Covid-19 đã gây nhiều xáo trộn nghiêm trọng với công nghiệp điện ảnh. Các quy định về giãn cách xã hội tại nhiều nước trên thế giới đồng nghĩa với việc khán giả không thể tới chỗ đông người và đóng cửa các rạp chiếu bóng. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều kế hoạch ra rạp của các siêu phẩm điện ảnh bị đảo lộn. Trước những thay đổi khó lường này, nhiều nhà sản xuất đã đẩy lùi kế hoạch ra rạp hoặc lựa chọn những hình thức trình chiếu linh hoạt hơn. Thay vì công chiếu ra mắt đồng loạt ở nhiều thị trường lớn trên toàn cầu, nhiều phim đã chọn hình thức ra mắt có chọn lọc tức là trình chiếu tại những thị trường an toàn, nơi các rạp chiếu bóng được phép hoạt động.
Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy là dịch Covid-19 không chỉ làm các kế hoạch bị đảo lộn mà còn làm thay đổi hành vi, thói quen của khán giả khi đến rạp. Vì sự lây lan của dịch Covid-19, ngoài những ràng buộc phải thực hiện các quy định về giãn cách, về khẩu trang, khử khuẩn… nhiều khán giả cũng ngần ngại phải đến những nơi đông người. Thay vì rời khỏi nhà và thưởng thức điện ảnh trên các hàng ghế trước màn ảnh rộng nhiều người đã bỏ thói quen đi xem rạp.
Chính sự thay đổi đột ngột xu hướng hưởng thụ điện ảnh này nhiều nhà sản xuất đã hướng tới một hình thức đem tới độ phủ sóng rộng hơn, không phụ thuộc vào khoảng cách và cũng “bất chấp” các quy định về giãn cách xã hội đó là phát hành trực tuyến. Tháng 3/2020 đã đánh dấu "làn sóng" các nhà phát hành chọn cách đưa phim lên các nền tảng mạng như iTunes hoặc Amazon Prime Video… Việc phát hành phim theo yêu cầu và chuyển từ màn ảnh rộng sang các màn hình tivi, điện thoại, máy tính… đã được nhiều nhà phát hành điện ảnh lựa chọn để tồn tại.
Đưa cả rạp chiếu bóng về nhà bằng một cú nhấp chuột
Hãng Warner Bros thông báo sẽ phát hành toàn bộ các bộ phim dự định công chiếu trong năm 2021 trên nền tảng trực tuyến HBO Max, song song với việc công chiếu tại rạp. Mặc dù chiến lược này ban đầu chỉ nhằm ứng phó với dịch Covid-19, bởi mục đích của các nhà sản xuất vẫn là mong muốn đưa người xem đến rạp nhưng trước diễn biến khó lường của dịch bệnh phương thức này hiện vẫn là giải pháp “cứu cánh”. Cùng với việc phát hành bổ sung theo phương thức mới, thời gian công chiếu của phim “bom tấn” cũng bị rút ngắn hơn thay vì 3 tháng (tức 90 ngày) chiếu rạp và những siêu phẩm điện ảnh này cũng sớm xuất hiện trên các kênh giải trí gia đình. Cùng với việc phát hành trên nhiều loại hình khác nhau đã giúp khán giả lựa chọn linh hoạt về khung giờ, địa điểm và cả cách thức trong việc thưởng thức điện ảnh. Sự gia tăng của các dịch vụ trực tuyến đã mang lại cho người xem những khả năng chọn lựa hàng trăm, hàng nghìn bộ phim. Chỉ một cú nhấp chuột có thể đưa cả rạp bóng với nhiều siêu phẩm điện ảnh mới nhất có thể xuất hiện, đó là điều mà nhiều nhà sản xuất buộc phải linh hoạt để thích ứng.
Tại Việt Nam, các nhà sản xuất, rạp chiếu cũng chịu ảnh hưởng lớn từ Covid-19 song các nhà làm điện ảnh cũng đã kịp thời nắm bắt xu hướng và bắt đầu tham gia phát hành phim trên nền tảng số. Đã có một số phim Việt của các đơn vị sản xuất phim tư nhân được phát hành trên nền tảng Netflix như “Em chưa 18”, “Hạnh phúc của mẹ”, “Hậu duệ mặt trời”, “Lửa Phật”, “Ngôi nhà bươm bướm”, “Siêu sao siêu ngố”, “Trời sáng rồi ta ngủ thôi”, “Hương ga”, “Mẹ chồng”, “Về quê ăn tết”… Thị trường phim trực tuyến trong nước cũng phát triển nhanh chóng. Số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông tháng 11/2020 cho biết, Việt Nam có khoảng 35 doanh nghiệp hoạt động cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền trực tuyến, với 14 triệu thuê bao và tổng doanh thu đạt khoảng 9.000 tỷ đồng. Bên cạnh Netflix, hai nền tảng chiếu phim trực tuyến lớn là FPT Play và Galaxy Play cũng tăng trưởng.
Tuy nhiên, xu hướng mới này cũng kéo theo một số vấn đề như làm thế nào để có thể kiểm soát việc đưa phim lên các nền tảng chiếu trực tuyến khi chưa có một chế tài đủ mạnh để kiểm soát. Luật Điện ảnh hiện chỉ nêu chung chung: “Việc phổ biến phim trên internet, khai thác phim từ vệ tinh để phổ biến phải thực hiện theo quy định của luật này và các quy định khác của pháp luật liên quan” mà không làm rõ các khái niệm và không đưa ra các điều khoản cụ thể vào. Ngoài ra, với các sản phẩm trên internet, định nghĩa thế nào là phim còn chưa được xác định rõ. Bởi vậy, nhiều nhà sản xuất trong nước kỳ vọng trong Luật Điện ảnh sửa đổi được thông qua trong thời gian tới sẽ có khung pháp lý cụ thể, rõ ràng trong lĩnh vực phổ biến phim trên không gian mạng để góp phần đưa điện ảnh Việt hòa chung vào dòng phát triển của điện ảnh thế giới.