Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn - người đã sáng tác và gửi tác phẩm giao hưởng “Nhật ký người mẹ” chia sẻ: “Đây là hoạt động ý nghĩa hướng đến kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tôi hòa mình vào không khí sôi nổi của văn nghệ sĩ trước thành quả lao động nghệ thuật chào mừng những ngày lễ lớn của toàn dân tộc và sáng tác tác phẩm giao hưởng viết về người mẹ Việt Nam anh hùng. Đối với tôi, TPHCM là trung tâm văn hóa lớn, chào mừng sự kiện toàn thắng của dân tộc, của Tổ quốc, là một nhạc sĩ sinh sống tại TP mang tên Bác, tôi mong muốn được góp phần lan tỏa tinh thần yêu nước, yêu TP và bằng nhiệt huyết để đưa vào những sáng tác ghi dấu ấn thời đại”.
Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn Tác giả Ngọc Trúc, người vừa đoạt giải Tác giả xuất sắc tại Liên hoan sân khấu TPHCM lần 1 - năm 2024 với kịch bản “Khát vọng hòa bình” do Nhà hát Kịch TPHCM dàn dựng đã chia sẻ: “Tôi sáng tác kịch bản “Khát vọng bình yên” tham gia Cuộc vận động sáng tác và dàn dựng, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật hướng đến kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/04/1975 - 30/04/2025) chủ đề: “Thành phố Hồ Chí Minh - 50 năm tự hào bản anh hùng ca”, đó là tâm huyết của người cầm bút với mong muốn được đóng góp sức mình cho sàn diễn TPHCM ngày càng tươi đẹp và mang ý nghĩa xứng tầm TP văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Tôi kỳ vọng Cuộc vận động sẽ là chất xúc tác để các tác giả sân khấu có động lực sáng tác, mang lại cho TPHCM nhiều tác phẩm mới. Sau Liên hoan sân khấu TPHCM lần 1, đây là dịp nhìn lại nội lực của đội ngũ tác giả sân khấu, chuẩn bị thật tốt cho Liên hoan sân khấu TPHCM lần 2 và chào mừng những ngày lễ lớn của đất nước, trong đó có ngày trọng đại của toàn dân tộc, đó là 30/4/2025, sau 50 mùa hoa đỏ dâng Bác, dâng Đảng và được nhân dân tin yêu để tiếp tục sự nghiệp sáng tác”.
Tác giả Ngọc Trúc Được UBND TP ban hành Kế hoạch tổ chức và phát động từ tháng 7 năm 2023, Cuộc vận động đã đi đến những giai đoạn cuối, chuẩn bị cho chương trình Công bố, trao giải và vinh danh các tác giả đạt giải xuất sắc. NSND Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM cho biết, nhằm tăng cường các hoạt động trải nghiệm thực tế, giới thiệu thành tựu to lớn mà Đảng bộ và nhân dân TP đạt được trong giai đoạn hiện nay để tạo thêm những chất liệu sáng tác cho các văn nghệ sĩ, Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với Thành đoàn TPHCM và các cơ quan liên quan tổ chức chuyến tham quan, trải nghiệm tàu Metro Bến Thành - Suối Tiên vào ngày 01/2/2024.
Không chỉ là đầu mối kết nối nhiều tuyến Metro, phát triển hệ thống giao thông đô thị mà tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên sẽ trở thành công trình mang tính biểu tượng mới cho TPHCM. Đồng thời, các hội Văn học, nghệ thuật Thành phố cũng tổ chức nhiều hoạt động tham quan tại các địa chỉ đỏ ở nhiều địa phương trên cả nước để tạo điều kiện giao lưu, tìm hiểu về lịch sử truyền thống cách mạng, đặc biệt là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
“Sau giai đoạn sáng tác, những kết quả mà Ban Tổ chức thu nhận rất tích cực từ rất nhiều tác phẩm hoặc đề cương tác phẩm từ khắp nơi gửi tham dự. Sau hơn một năm phát động, Cuộc vận động đã tiếp nhận được 630 tác phẩm của 434 tác giả trên khắp mọi miền đất nước tham gia. Đây là tín hiệu vui tạo sự thăng hoa trên mặt trận văn hóa nghệ thuật của TPHCM” - NSND Nguyễn Thị Thanh Thúy nhấn mạnh.
Ca sĩ Huỳnh Lợi (Trung tâm Tổ chức Biểu diễn và Điện ảnh TPHCM) cho biết, trong thời gian qua, các Hội đồng Sơ khảo, Chung khảo 1 và Chung khảo 2 đã có quá trình làm việc công tâm, với tinh thần trân trọng sức sáng tạo, cống hiến của các văn nghệ sĩ tham gia Cuộc vận động để chọn lựa các tác phẩm tiêu biểu đề xuất Ban Tổ chức xét và trao giải thưởng.
“Các tác giả tham gia Cuộc vận động, trong đó có tôi đã mong muốn được góp phần vun bồi sáng tạo mới cho nền văn hóa nghệ thuật của TPHCM nói riêng và cả nước nói chung. Bằng tình cảm sâu sắc dành cho Thành phố mang tên Bác, tôi sáng tác ca khúc “Thành phố tôi viết tiếp bài ca đi tới”, với mong muốn mang đến Cuộc vận động tác phẩm có giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao và trên hết là nghị lực vươn tới những tầm cao mới của TP năng động, giàu nghĩa tình và luôn tiếp nối thế hệ đi trước xây dựng TP ngày càng phồn vinh”- ca sĩ Huỳnh Lợi nói.
Nhận xét chung về kết quả của cuộc vận động, GSTS Nguyễn Xuân Tiên, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM cho biết, sự đa dạng, phong phú về hình thức, nội dung của cuộc vận động rất tích cực, đặc biệt các tác phẩm đã bám sát chủ đề, thể hiện khát vọng mạnh mẽ về một TPHCM vươn tầm cao mới trong tương lai, đồng thời giữ gìn bản sắc của đô thị với nhiều nét văn hóa đặc trưng. “Vui hơn khi chúng tôi biết từ năm 2025, Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố sẽ chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức hoạt động dàn dựng, tuyên truyền, quảng bá tác phẩm đạt giải cao tại Cuộc vận động, góp phần lan tỏa giá trị tác phẩm đến với công chúng, thiết thực chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/04/1975 - 30/04/2025). Chính sự quảng bá đó là cầu nối để đưa tác phẩm đoạt giải đến với công chúng”.
Tiến sĩ Phạm Ngọc Hiền Tiến sĩ Phạm Ngọc Hiền, biên đạo múa của Trung tâm Ca nhạc nhẹ TPHCM cho biết: “Tôi đã dàn dựng Tổ khúc múa “Đài hoa dâng Bác” tham gia cuộc vận động. Trong năm nay, Sở VH-TT TPHCM đã tạo cơ hội để nhiều đơn vị xã hội hóa được góp phần quảng bá những tác phẩm xứng tầm, hướng tới mục đích cao đẹp là chăm lo cho đời sống tinh thần và để công chúng được hưởng thụ những thành quả nghệ thuật cao đẹp của văn nghệ sĩ. Lĩnh vực múa cũng đã đạt nhiều thành quả và Cuộc vận động sẽ là một nơi cung cấp nhiều kịch bản, tác phẩm giá trị để thế hệ trẻ nghiên cứu học tập”.
Hiện nay, Ban tổ chức chương trình công bố trao giải đã tăng tốc để thực hiện nội dung súc tích, cô đọng và mang tính hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng khi đến với chương trình trao giải. Chương trình gồm hai phần: Hoạt động giao lưu, gặp gỡ các tác giả, nhóm tác giả đạt giải và các văn nghệ sĩ là khách mời; Chương trình trao giải với các lãnh vực: âm nhạc, sân khấu, điện ảnh, văn học, mỹ thuật, nhiếp ảnh, múa…
Hội đồng nghệ thuật các lĩnh vực đều là những văn nghệ sĩ uy tín, gồm: NSND Nguyễn Thị Thanh Thúy (Phó Giám đốc Sở VH-TT TPHCM); đạo diễn Nguyễn Tấn Kiệt (Trưởng Phòng Quản lý nghệ thuật Sở VH-TT TPHCM); nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Nguyễn Đức Trung, Lê Ha My, Trang Thanh Phương; PGS.TS Phan Bích Hà, đạo diễn Lâm Lê Dũng, Nguyễn Tường Phương, Kiến trúc sư Lưu Hướng Dương, Phạm Phú Cường, họa sĩ Khương Văn Mười, Huỳnh Thanh Khiết; Biên đạo múa Lê Nguyên Hiều, NSND Hà Thế Dũng, Đoàn Phúc Linh Tâm, GS.TS Nguyễn Xuân Tiên, Họa sĩ Nguyễn Văn Quý, họa sĩ Hứa Thanh Bình, Họa sĩ Trần Thanh Nam, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Bùi Minh Sơn, Huỳnh Trí Dũng, Nguyễn Tấn Tuấn, NSND Trần Ngọc Giàu, NSND Trần Minh Ngọc, đạo diễn Tôn Thất Cần, nhà văn Trịnh Bích Ngân, Bùi Anh Tấn, Lê Thiếu Nhơn, Diệp Bửu Chi…