Thứ Hai, ngày 6 tháng 1 năm 2025

Nghệ thuật Lân Sư Rồng TPHCM được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Biểu diễn Nghệ thuật Lân Sư Rồng chào mừng Lễ Khánh thành công trình xây dựng mới Bảo tàng Tôn Đức Thắng vào sáng 3/1/2025.

(Thanhuytphcm.vn) - Thông tin từ Sở Văn hóa và Thể thao (VHTT) TPHCM cho biết, Nghệ thuật Lân Sư Rồng TPHCM vừa chính thức được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Như vậy, tính đến nay, TPHCM đã có 4 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục này.

Trước đó, vào tháng 8/2024, UBND TPHCM có văn bản đề nghị Bộ VHTTDL xem xét đưa di sản văn hóa phi vật thể “Nghệ thuật Lân Sư Rồng TPHCM” vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Nghệ thuật Lân Sư Rồng TPHCM thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian. Chủ thể của di sản này là cộng đồng người Hoa trên địa bàn TPHCM. Trong đó, lâu đời và nổi tiếng nhất từ trước cho đến ngày hôm nay là cộng đồng người Hoa ở Quận 5, Quận 6 và Quận 11.

Nghệ thuật Lân Sư Rồng là một hình thức nghệ thuật trình diễn đặc trưng của người Hoa tại TPHCM. Bên cạnh các yếu tố nghệ thuật, múa Lân Sư Rồng còn mang ý nghĩa tâm linh và phản ánh đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng người Hoa.

Theo Sở VHTT TPHCM, Nghệ thuật Lân Sư Rồng là nét sinh hoạt văn hóa đặc trưng của cộng đồng người Hoa khi di cư đến sinh sống tại vùng đất Sài Gòn, với mong ước được che chở, bảo hộ trong cuộc sống.  Hoạt động biểu diễn Lân Sư Rồng thường gắn với các lễ hội như Tết Nguyên Tiêu, Tết Nguyên Đán, Tết Trung thu,... và còn xuất hiện trong lễ động thổ, khai trương nhằm cầu mong may mắn, thịnh vượng, công việc hanh thông.

Nghệ thuật Lân Sư Rồng còn giúp tạo công ăn việc làm cho người dân, góp phần tạo nên của cải vật chất, ổn định và phát triển kinh tế Thành phố. Bên cạnh đó, còn giúp cân bằng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tâm linh, giải quyết nhu cầu giải trí và hoạt động cộng đồng mà con người trong xã hội hiện đại không thể thiếu.

Ở một góc độ khác, Nghệ thuật Lân Sư Rồng còn mang nhiều yếu tố nhân văn. Nhiều đoàn Lân Sư Rồng đã tập hợp được các trẻ em lang thang, cơ nhỡ hoặc có hoàn cảnh khó khăn, tạo dựng công ăn việc làm, nhằm hạn chế việc các em rơi vào các tệ nạn xã hội hay nguy cơ vi phạm pháp luật, góp phần ổn định trật tự xã hội…

Như vậy tính đến nay, TPHCM đã có 4 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Lễ hội Nghinh Ông - Cần Giờ, Lễ hội Nguyên tiêu của người Hoa ở Quận 5, Lễ hội Khai hạ - Cầu an tại Lăng Đức Tả quân Lê Văn Duyệt và Nghệ thuật Lân Sư Rồng TPHCM.

Anh Huy


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo