* Khẩn trương hoàn thiện 2 đề án phát triển đường sắt đô thị tại Hà Nội, TPHCM
(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 24/9, Văn phòng Chính phủ ban hành thông báo kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính - Trưởng ban chỉ đạo tại phiên họp lần thứ 14 Ban chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải (BCĐ).
Tại thông báo này, Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ ngành, địa phương thực hiện. Cụ thể, tỉnh Bình Dương bám sát kế hoạch đề ra, phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành để hoàn thành các thủ tục, sớm phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đường cao tốc TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành… TPHCM phối hợp với các bộ, ngành để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, giải quyết các thủ tục đầu tư để sớm trình cấp có thẩm quyền thông qua chủ trương đầu tư dự án Vành đai 4 TPHCM.
Về vật liệu xây dựng, các cơ quan chủ quản các dự án chủ động trong việc tìm kiếm nguồn vật liệu phục vụ thi công các dự án đáp ứng tiến độ yêu cầu; phối hợp chặt chẽ với các địa phương có mỏ vật liệu để hoàn thiện các thủ tục cấp mỏ đảm bảo nguồn vật liệu đắp, không để ảnh hưởng đến tiến độ các dự án nhất là tỉnh Đồng Nai và TPHCM. Tất cả các tỉnh chủ động nghiên cứu sử dụng cát biển cho các dự án để giảm áp lực đối với nguồn cát sông; kịp thời báo cáo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nếu có khó khăn vướng mắc.
Thủ tướng yêu cầu tổ chức thi công 3 ca, 4 kíp để hoàn thành các dự án thuộc danh mục 3.000 km có kế hoạch hoàn thành trong năm 2025 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhất là dự án Vành đai 3 TPHCM (đoạn qua Đồng Nai và Bình Dương), Biên Hòa - Vũng Tàu (Đồng Nai) chậm tiến độ, cần có sự chủ động, quyết tâm, nỗ lực vượt bậc của các cơ quan chủ quản, các chủ đầu tư, các nhà thầu để bảo đảm tiến độ đề ra. Đây là mục tiêu nhất định phải hoàn thành.
TPHCM kiểm soát chặt chẽ tiến độ triển khai để đưa vào khai thác dự án đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên đúng tiến độ đề ra (trong tháng 11/2024), không được lùi tiến độ.
Bộ GTVT khẩn trương tổng hợp ý kiến của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và các cơ quan liên quan, hoàn thiện báo cáo Thường trực Chính phủ về phương án mở rộng đoạn TPHCM - Long Thành thuộc Dự án đường cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây; khẩn trương báo cáo Thường trực Chính phủ về dự án thành phần 4 Cảng hàng không quốc tế Long Thành (đây là dự án có ảnh hưởng đến tiến độ đưa cả dự án hàng không Long Thành vào khai thác, đến nay triển khai đã rất chậm).
Bộ Kế hoạch - Đầu tư đẩy nhanh các thủ tục thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; và điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Bến Lức - Long Thành; phối hợp với UBND TPHCM khẩn trương hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư Dự án xây dựng đường vành đai 4 TPHCM theo quy định của pháp luật, kịp thời trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tiếp tục chỉ đạo Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) phối hợp với các cơ quan liên quan để sớm hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án mở rộng đoạn TPHCM - Long Thành, gửi Bộ GTVT để tổng hợp, báo cáo Thường trực Chính phủ; đẩy nhanh tiến độ thi công các gói thầu còn lại hoàn thành toàn bộ dự án Bến Lức - Long Thành trong năm 2025.
Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) kiểm soát chặt chẽ chất lượng, tiến độ các dự án cảng hàng không; đẩy nhanh tiến độ lựa chọn nhà thầu, thiết kế kỹ thuật các gói thầu còn lại của nhà ga hành khách cảng hàng không Long Thành; hoàn thành các dự án cảng hàng không Nội Bài và cảng hàng không Tân Sơn Nhất trong năm 2025...
Chiều 24/9, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì phiên họp thứ 3 của Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo để chỉ đạo tiến độ triển khai các công trình, dự án đường sắt đô thị TP Hà Nội và TPHCM.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết, về tiêu chí kỹ thuật, mạng lưới đường sắt đô thị ở TP Hà Nội, TPHCM có khổ đường 1.435mm, đường đôi. Tốc độ thiết kế 80-160km/h; hệ thống cấp điện trên cao hoặc cấp điện ray thứ 3; vận hành đoàn tàu tự động; phương tiện sử dụng đoàn tàu động lực phân tán EMU.
Dự kiến, đến năm 2035, 2 thành phố hoàn thành các tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch hiện có, tổng chiều dài khoảng 580km; năm 2045, hoàn thành khoảng 369,1km (Hà Nội thêm khoảng 200,7km, TPHCM khoảng thêm 168,4km); năm 2060, hoàn thành thêm khoảng 158,66km tại TPHCM. Các thành phố phấn đấu đến năm 2035, đường sắt đô thị chiếm 30-35% thị phần vận tải hành khách công cộng, và tăng lên 55-70% sau năm 2035.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao TP Hà Nội, TPHCM tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các bộ, ngành liên quan, khẩn trương hoàn thiện hai đề án để báo cáo Bộ Chính trị. Trong đó tập trung làm rõ bối cảnh, tình hình triển khai các dự án đường sắt đô thị tại mỗi thành phố; bổ sung quy hoạch không gian ngầm cho đường sắt đô thị tại TPHCM; huy động vốn đầu tư; căn cứ xác định định mức kinh tế kỹ thuật; lựa chọn công nghệ và khả năng tự chủ trong chế tạo thiết bị, mô hình quản lý điều hành hệ thống, đào tạo nguồn nhân lực... Ngoài những cơ chế, chính sách đặc thù đã có, Hà Nội, TPHCM cần đề xuất cụ thể những nhóm cơ chế, chính sách chung, cần thiết cho cả 2 địa phương để phát triển đường sắt đô thị; cơ chế huy động, phân bổ nguồn vốn đầu tư công trung hạn từ ngân sách trung ương, địa phương và các nguồn vốn khác; mức độ an toàn khi huy động vốn vay đối với ổn định kinh tế vĩ mô…