Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Suy ngẫm tinh thần “trọng thầy” trong văn hóa Việt Nam

Tôn sự trọng đạo là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. (Ảnh minh họa)

(Thanhuytphcm.vn) - Kho tàng tục ngữ Việt Nam là sự đúc kết những đạo lý cao đẹp, kinh nghiệm sống, tri thức của người dân qua lịch sử lao động và phát triển, vừa phù hợp chuẩn mực đạo đức truyền thống của người Việt Nam, trong đó, có những câu tục ngữ mang tính đúc kết quy luật phát triển nhận thức, từ đó đưa con người phát triển đến trình độ nhận thức văn minh hơn, nhân bản hơn, đưa hiểu biết đi vào chiều sâu bản chất vấn đề hơn, mà hoạt động quan trọng để diễn ra sự phát triển này chính là hoạt động dạy và học.

Triết lý về mối tương quan giữa dạy và học, được đúc kết trong tục ngữ Việt Nam, cô đọng và giản dị qua câu tuc ngữ “Trọng thầy mới được làm thầy”. Nội hàm câu tục ngữ không chỉ là sự chắt lọc nhận thức mang tính quy luật dạy và học của riêng người Việt Nam mà còn thể hiện trong văn hóa sống, ứng xử của chúng ta về phương pháp hoàn thiện bản thân và hỗ trợ, chỉ dẫn cho người khác cùng hoàn thiện. Đó cũng là quá trình làm người học và làm người dạy - tức làm thầy, nhân dân ta đã đúc kết: muốn là thầy, thì phải “trọng thầy”. Vậy cụ thể hóa của “trọng thầy” được lý giải ra sao trong cuộc sống hàng ngày.

“Trọng thầy” là phải “trọng đạo”

Thầy trong mối quan hệ dạy và học, là người dạy, muốn dạy, người thầy phải có tri thức, muốn có tri thức, người thầy phải học. Do vậy, dạy và học là hai hoạt động có mối quan hệ biện chứng trong suốt cuộc đời người làm thầy.

Một trong những biểu hiện của thái độ “trọng thầy” chính là tinh thần “tôn sư trọng đạo” luôn được đề cao trong nền giáo dục Việt Nam, “Tôn sư trọng đạo” - thành ngữ âm Hán, đúc kết để chuyển tải tinh hoa văn hóa Việt Nam, trong đó “sư” tạm hiểu là thầy, là người dạy, “đạo” có nghĩa gốc từ Hán Việt là “con đường”, về nghĩa âm Hán nôm, đạo được hiểu là: “nề nếp, phương pháp đúng”, tức con đường, phương cách quy củ, đúng đắn. Do vậy, tinh thần “tôn sư trọng đạo” cũng chính là tinh thần tôn trọng người thầy, tôn trọng sự quy củ, nền nếp, phương pháp đúng đắn, hợp lý hợp lẽ. Chúng ta nhận thấy, trong cấu trúc ngôn ngữ của thành ngữ “tôn sư trọng đạo”, hai động từ “tôn” và “trọng” mang nghĩa gần như đồng nhất, “sư” và “đạo” cũng có mối quan hệ tương quan, chuyển hóa, thẩm thấu vào nhau, đã là “sư” ắt phải biết “đạo”, hiểu “đạo”, am tường “đạo”. Ngược lại, người biết lẽ đúng sai, biết quy củ, nền nếp thì sẽ có tư cách làm “sư”, đồng nghĩa được người đời tôn trọng và nghe theo.

“Trọng thầy” là thái độ không ngừng quan sát học hỏi từ những người quanh ta

Những người quanh ta, người thành công, được sự ngưỡng mộ và kính trọng, ắt có nhiều ưu điểm, ta cần nhìn ra những phẩm chất tốt đẹp, những thói quen có lợi trong nếp sống, trong các hành xử, phương pháp tư duy để học tập họ; những người thường va vấp, khó hòa đồng, không được bạn bè đồng nghiệp quý mến, ắt có nhược điểm, hạn chế, họ cũng là thầy của ta, ta nhìn vào mà tránh đi những sai sót của họ. Như vậy, thực chất “trọng đạo” là sự khái quát hóa bản thân ta với tinh thần quan sát cầu thị đối với những người xung quanh, noi theo những thói quen, đặc tính ưu tú của người khác mà học tập. Đối với sự hạn chế, khiếm khuyết của người khác, cũng nên học, đó là nhìn vào để tránh, để “rút bài học kinh nghiệm”, không đi vào “vết xe đổ” của người khác, biết học từ cái chưa tốt của người khác cũng là biểu hiện một mức độ phát triển tư duy cao của con người. Ở một mức khái quát hóa sâu hơn, hai người “thầy” ấy có thể tồn tại ngay trong cùng một con người. Vì vậy, khi ta gặp gỡ giao tiếp ai đó, chọn đức tính, phẩm chất tốt mà học, nhìn ra cái hạn chế, khiếm khuyết để tránh. Tức là một người biết “trọng thầy” sẽ biết khiêm tốn, nghiêm túc quan sát những người xung quanh, học cái tốt, cái hay, tránh cái xấu, cái hạn chế. Tinh thần “trọng thầy” ấy càng thường xuyên, càng tự giác thì chúng ta sẽ càng sớm hoàn thiện, sớm tích lũy được nhiều giá trị tốt đẹp và năng lực cho bản thân, càng có đủ tư cách để “làm thầy”.

“Trọng thầy” là thực hành chính những gì ta đã dạy

Có một lần, khi đi mua sắm trong siêu thị, bất chợt nghe tiếng trẻ con: “Đây là quầy bánh kẹo, sao mẹ để sữa tắm?”, tiếng người mẹ trả lời vô tư: “mẹ để đây lát nữa cô bán hàng đến mang trả lại kệ sữa tắm”. Đứa bé không đồng ý: “mẹ luôn nhắc con lấy đồ ở đâu trả lại ở đấy, giờ mẹ không trả đồ lại chỗ cũ, lại “nạnh” cô bán hàng”. Câu chuyện đơn giản và suy nghĩ trong veo của bé gái khiến tôi bất ngờ và chợt hiểu, bé mang chính bài học hằng ngày được mẹ rèn dạy về thói quen có trách nhiệm và tự giác trả đồ đạc đã lấy vào lại đúng vị trí để “dạy” lại khi người mẹ khi có hành vi chưa đúng mực là lấy sữa tắm tại kệ hàng, cho vào xe đẩy, lát sau đổi ý không mua nhưng ngại và lười, phần ỷ lại và nhân viên phục vụ siêu thị sẽ thu dọn, nên để bừa lên kệ quầy bánh kẹo, tức đã thực hiện hành vi lấy đồ không trả lại đúng vị trí mà hàng ngày thuyết giảng, giáo dục con gái mình. Lúc này, với nhận thức ngây thơ trong sáng, đứa trẻ lại đóng vào vai trò “người thầy” nhắc lại quy củ đúng đắn cần thực hiện và nhắc mẹ vì đã làm sai.

Có thể thấy, trong thực tế đời sống, có những lúc ta giẫm lên chính những điều mà mình đã thuyết giảng giáo dục con cháu, học trò... Khi rơi và trường hợp đó, đồng nghĩa chính ta đã đánh mất sự tôn trọng bản thân, làm ngược lại chính lẽ phải, điều hay mà mình tin tưởng, truyền đạt cho người khác. Khi ấy, ta nói không đi đôi với làm, không tôn trọng những chuẩn mực, vì vậy, sức thuyết phục, cảm hóa từ lời răn dạy của ta sẽ mất đi khiến cho ta không còn tư cách “làm thầy” nữa.

Có thể thấy, chân lý giản dị trong câu tục ngữ: “Trọng thầy mới được làm thầy” của người Việt Nam, là thể hiện ở tinh thần “trọng đạo”: cầu thị học hỏi, tôn trọng tri thức lẽ phải, điều đúng, nền nếp quy củ; là thái độ thường xuyên quan sát phân tích, nhận thức học hỏi từ thực tế cuộc sống, từ những người xung quanh; là phong cách mẫu mực, nêu gương thực hành chính những gì ta đã dạy; là một số chuẩn mực căn bản mà mỗi người trong đời sống cần thường xuyên thực hiện, giữ gìn để bản thân luôn quy chuẩn, không ngừng hoàn thiện. Khi ấy mới có thể mang tri thức, hiểu biết, tích lũy vốn sống của mình lan tỏa tốt đẹp, bảo ban cho con cháu, học sinh, sinh viên, người đi sau... lan tỏa giá trị chân - thiện - mỹ làm đẹp thêm cho gia đình và xã hội.

Hồ Thị Trinh Anh


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo