Chủ Nhật, ngày 8 tháng 9 năm 2024

Sắp xếp đơn vị hành chính tại TPHCM phải thống nhất, đồng thuận trong hệ thống chính trị và cộng đồng dân cư

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu kết luận

(Thanhuytphcm.vn) – Sáng 8/4, đoàn công tác Bộ Nội vụ do đồng chí Phạm Thị Thanh Trà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ làm trưởng đoàn, đã có buổi làm việc với UBND TPHCM về sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025; công tác cải cách hành chính (CCHC) nhà nước tại TPHCM năm 2024. Cùng dự có Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa.

Tiếp đoàn, lãnh đạo TPHCM có các đồng chí: Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Võ Văn Hoan, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TPHCM.

Đơn vị hành chính cấp xã giảm 39 đơn vị

Báo cáo về sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Nguyễn Thị Hồng Thắm cho biết, UBND TP đã quyết định ban hành kế hoạch thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 trên địa bàn TP; Tờ trình và Phương án tổng thể thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 trên địa bàn TP gửi Bộ Nội vụ xem xét và thẩm định. Báo cáo kết quả thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 theo Công văn số 525/BNV-CQĐP ngày 29/01/2024 của Bộ Nội vụ… Theo đó, giai đoạn 2023 – 2025, số lượng ĐVHC cấp huyện thuộc diện bắt buộc sắp xếp là 1 ĐVHC (huyện Nhà Bè); số lượng ĐVHC cấp xã thuộc diện bắt buộc sắp xếp là 129 ĐVHC. Tổng số ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023 - 2030 của TP là 80 phường liên quan thuộc địa bàn 10 quận. Số lượng ĐVHC dự kiến giảm sau khi thực hiện sắp xếp đối với ĐVHC cấp huyện là 0 đơn vị; ĐVHC cấp xã giảm 39 đơn vị (39 phường).

Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Nguyễn Thị Hồng Thắm báo cáo tại buổi làm việc Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Nguyễn Thị Hồng Thắm báo cáo tại buổi làm việc

Một số vấn đề phát sinh khi thực hiện phương án sắp xếp ĐVHC được TPHCM nêu tại buổi làm việc là do đặc thù các ĐVHC trên địa bàn TP có diện tích tự nhiên rất nhỏ, nhưng quy mô dân số rất lớn. Vì vậy, nếu nhập 2 ĐVHC hoặc nhập 3 ĐVHC cấp xã thành 1 ĐVHC mới cũng không đạt tiêu chuẩn diện tích tự nhiên theo quy định. Sau sắp xếp, khối lượng công việc nhiều hơn gấp nhiều lần nhưng chế độ chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức không tăng; số lượng hộ dân lớn, nhưng cách thức vận hành cũ, chức năng, nhiệm vụ không thay đổi thì mục tiêu nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước không cao. Việc sắp xếp số lượng lớn ĐVHC trong thời gian rất ngắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến những cơ chế, chính sách đặc thù, ảnh hưởng lớn đến cả hệ thống chính trị ở cơ sở. Ảnh hưởng đến tiến độ phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội của TP, do dành nhiều thời gian vào công tác sắp xếp; đồng thời ảnh hưởng rất lớn đến người dân, tổ chức và doanh nghiệp do phải điều chỉnh hàng loạt giấy tờ có liên quan. Tác động đến tâm lý, tư tưởng, quyền lợi của một bộ phận cán bộ, công chức dôi dư, phải nghỉ việc, điều chuyển đến đơn vị khác; ảnh hưởng đến hiệu quả công tác trong thời gian đầu thực hiện công tác sắp xếp.

Từ những khó khăn, UBND TPHCM đề xuất Bộ Nội vụ xem xét và chấp thuận cho TP tiến hành rà soát xây dựng phương án tổng thể cho cả 2 giai đoạn 2023 - 2025 và 2026 - 2030 và triển khai, thực hiện sắp xếp chung 1 lần trong giai đoạn hiện nay. Bộ Nội vụ thẩm định Phương án tổng thể tiến đến xây dựng Đề án sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 trên địa bàn TP. Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn về thủ tục thanh lý, bán đấu giá tài sản, quyền sử dụng đất tại các trụ sở công không sử dụng thuộc các ĐVHC các cấp do sắp xếp; Thông tư hướng dẫn về lập dự toán kinh phí, định mức chi cho việc thực hiện các nội dung cụ thể khi xây dựng Đề án sắp xếp ĐVHC các cấp.

Về nhiệm vụ trọng tâm CCHC trong thời gian tới, TPHCM tiếp tục triển khai Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Tăng cường trách nhiệm, nâng cao hiệu quả cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh hơn nữa truyền thông về chương trình Chuyển đổi số trên địa bàn TP, phù hợp từng giai đoạn và chiến lược của TP. Tăng cường kiểm tra CCHC, kiểm tra công vụ, việc thực hiện quy tắc ứng xử theo hướng đột xuất, không báo trước; đặc biệt kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành công tác CCHC, cải cách thủ tục hành chính và kết quả thực hiện các chỉ tiêu CCHC. Đẩy mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng công tác CCHC, trao đổi, học tập kinh nghiệm trong và ngoài nước góp phần thúc đẩy nền hành chính TP; Xây dựng Đề án “Xây dựng nền công vụ TPHCM hoạt động hiệu lực, hiệu quả giai đoạn 2024 - 2030”. Tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị định số 73/2023/NĐ-CP ngày 29 tháng 9 năm 2023 của Chính phủ về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung trong việc chủ động thực hiện CCHC. Phát huy tối đa hiệu quả quá trình Chuyển đổi số để có giải pháp cụ thể thực hiện tốt chủ đề năm 2024 “Quyết tâm thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội”…

Đảm bảo mục tiêu ổn định chính trị xã hội

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa đánh giá cao công tác CCHC của TPHCM. Cụ thể, công tác chỉ đạo của TP rõ nét, hiệu quả; có kiểm tra đôn đốc, phát động thi đua. TP thực hiện đồng bộ, hiệu quả, đã xây dựng đề án riêng cho các sở ngành, quận, huyện. Đồng chí Nguyễn Trọng Thừa cũng đề nghị TP cần cố gắng khai thác dữ liệu trên cơ sở dữ liệu dùng chung.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa phát biểu Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa phát biểu

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi chia sẻ công tác sắp xếp các ĐVHC được TP rất tập trung lãnh đạo; MTTQ, các đoàn thể cũng các cấp ủy và hệ thống chính trị cũng đã vào cuộc trong việc triển khai quán triệt. Đồng chí cũng cho rằng, với những vấn đề quy mô rất lớn và có những đặc thù TP đã cân nhắc rất kỹ và đề xuất các phương án xin Bộ trưởng thống nhất để TP tiếp tục chuẩn bị và sau đó báo cáo cơ quan có thẩm quyền. “Dù khối lượng công việc hơi lớn so với một số địa phương khác, nhưng TP sẽ cố gắng đảm bảo tiến độ chung, cố gắng đến cuối tháng 6, đầu tháng 7 sẽ trình. Những vấn đề vướng mắc từ tâm lý, tư tưởng, sắp xếp cán bộ, tài sản, kinh phí, trong thẩm quyền TP sẽ tập trung giải quyết và đảm bảo tiến độ” – Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cho biết.

Đồng chí Phan Văn Mãi cho hay, việc sắp xếp đơn vị sự nghiệp Trung ương trên địa bàn, TP sẵn sàng nhận và cộng đồng trách nhiệm với các cơ quan Trung ương. Hiện TP đang khởi động xây dựng đề án nền công vụ TP hiệu lực, hiệu quả, đây là thay đổi rất lớn để có thể thực hiện được các mục tiêu Nghị quyết 31 Bộ Chính trị đề ra. TP đề nghị Bộ Nội vụ sẽ vào cuộc cùng với TP ngay trong giai đoạn chuẩn bị này và TP sẽ mời thêm một số bộ, ngành, như Bộ Tư pháp và một số bộ, ngành kể cả các Ủy ban của Quốc hội để chuẩn bị đề án này và TP đánh giá Nghị quyết 98 là một phần trong đổi mới về mặt thể chế, nhưng đề án này sẽ là đột phá rất lớn về tổ chức bộ máy, con người và cả thể chế.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu

Về CCHC, TP cũng tập trung cố gắng mục tiêu đến sau năm 2025 sẽ chuyển những hoạt động cơ bản của nền hành chính lên nền tảng số. Hiện TP đang hoàn thiện kiến trúc chính quyền số, rà soát lại hạ tầng, đang rà soát các dữ liệu, quy chế và sẽ có tập huấn, khi đạt chuẩn rồi sẽ thực hiện tốt, hiệu quả.

Phát biểu kết luận, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đánh giá, TP năm 2023 đã bứt phá và đã vượt qua khó khăn chung của đất nước, khó khăn của TP đạt được kết quả tích cực, đặc biệt là tăng trưởng kinh tế. Kết quả đạt được thể hiện quyết tâm chính trị cao, nỗ lực rất lớn của TP.

Về sắp xếp ĐVHC, Bộ Nội vụ đánh giá chung TPHCM đã thực hiện nghiêm túc, bài bản, khẩn trương gắn với các Nghị quyết của Trung ương. Đồng chí Phạm Thị Thanh Trà cũng nhìn nhận, đây là việc khó khăn thách thức, nhạy cảm, tác động rất nhiều chiều và khá phức tạp, liên quan không chỉ đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, hệ thống chính trị và các đối tượng trực tiếp tác động, mà còn cả cộng đồng dân cư…

Quang cảnh buổi làm việc Quang cảnh buổi làm việc

Bộ Nội vụ cơ bản thống nhất phương án sắp xếp của TP và cho đây là phương án tối ưu nhất, gắn với đặc thù của TP, đảm bảo mục tiêu ổn định chính trị xã hội. Đồng chí Phạm Thị Thanh Trà đề nghị, TPHCM tiếp tục rà soát để xem xét tất cả các vấn đề có liên quan để triển khai một cách đồng bộ, gắn với việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã, với việc khôi phục kinh tế xã hội, thực hiện Nghị quyết 98, Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị.

“Trong việc sắp xếp ĐVHC phải thận trọng, chặt chẽ, bài bản, khoa học, quan trọng là sự thống nhất, đồng thuận trong hệ thống chính trị và trong cộng đồng dân cư. Tôi mong các đồng chí phát huy tối đa tinh thần dân chủ và nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch và thực hiện dân chủ ở cơ sở. Thực ra làm việc này là để cho dân thụ hưởng, mở ra không gian phát triển, để sắp xếp lại, giảm bớt số người làm việc, để từ đó thực hiện mục tiêu nâng cao đời sống cán bộ, công chức, viên chức. Quan trọng nữa để thực hiện quy hoạch và chiến lược phát triển với vị thế, vai trò đầu tàu, động lực dẫn dắt của TP, cho sự phát triển của TP, sự phát triển của đất nước, để nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia trên phương diện quốc tế chứ không phải là chỉ riêng cho TPHCM”- Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh.

Minh Hiệp


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo