Quang cảnh hội nghị phản biện Dự thảo Phương án tổng thể sắp xếp ấp, khu phố trên địa bàn huyện Bình Chánh (Thanhuytphcm.vn) - Tại Hội nghị phản biện xã hội đối với Dự thảo Phương án tổng thể sắp xếp ấp, khu phố trên địa bàn huyện Bình Chánh (Dự thảo) chiều 4/10, hầu hết các đại biểu thống nhất cao với kế hoạch sắp xếp ấp, khu phố của TPHCM. Tuy nhiên, nhiều Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Bình Chánh bày tỏ lo lắng: “Với 421 ấp, khu phố mới sau sắp xếp, địa phương lấy đất và nguồn kinh phí ở đâu để xây dựng văn phòng trụ sở ấp, khu phố mới?”.
Theo Dự thảo, hiện tại huyện Bình Chánh có 16 xã - thị trấn, 106 khu phố/ấp, 222.138 hộ dân với 811.036 nhân khẩu. Huyện đang có 1.110 người hoạt động không chuyên trách ở ấp/khu phố và 3.216 người hoạt động không chuyên trách ở Tổ dân phố, Tổ nhân dân.
Hiện tại, toàn huyện Bình Chánh hiện có 95 văn phòng ấp, khu phố. Theo tiêu chí quy mô số hộ gia đình tại ấp, khu phố theo quy định của Chính phủ, dự kiến sau sắp xếp huyện Bình Chánh có 104/106 khu phố/ấp được sắp xếp lại; 2.073 người giữ các chức danh người hoạt động không chuyên trách ở 421 khu phố/ấp sau sắp xếp hưởng phụ cấp từ ngân sách hàng tháng (13 khu phố, 408 ấp) và 2.727 nhân sự dôi dư.
Phó Trưởng phòng Nội vụ huyện Bình Chánh Huỳnh Thị Yến Linh cho biết, với 421 khu phố/ấp mới, huyện Bình Chánh định hướng các xã - thị trấn sau chia tách sẽ “sử dụng chung luân phiên với trụ sở đã có hoặc bố trí địa điểm phù hợp sau khi sắp xếp lại ấp, khu phố mới”. Và với cơ sở vật chất hiện có, nhiều ấp tại huyện phải sử dụng chung 1 điểm sinh hoạt.
Tại hội nghị phản biện, ông Nguyễn Minh Châu, Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện thống nhất với kế hoạch sắp xếp ấp, khu phố của TP và huyện. Tuy nhiên, ông Nguyễn Minh Châu không khỏi băn khoăn trước giải pháp “các ấp, khu phố dùng chung 1 điểm sinh hoạt hoặc “mượn khuôn viên đình, chùa hay thuê nhà để hoạt động tạm thời”. Theo ông Nguyễn Minh Châu, giải pháp này về lâu dài gây khó khăn cho bộ máy cũng như gây bất tiện cho người dân khi đến liên hệ, sinh hoạt. “Từ 106 chúng ta tách ra thành 421 trụ sở thì chúng ta thiếu rất nhiều trụ sở. Nếu 1 trụ sở gộp 3 ấp sinh hoạt chung sẽ phát sinh nhiều vấn đề sau này” - ông Nguyễn Minh Châu nói.
Bà Trương Thị Kim Chọn, Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện dẫn chứng: “Xã Vĩnh Lộc A từ 16 ấp nay tăng lên hơn 70 ấp sẽ rất khó khăn trong việc tìm quỹ đất, nguồn kinh phí xây dựng phù hợp”. Bà Trương Thị Kim Chọn gợi ý giải pháp: “Chúng ta cần trưng dụng các cơ sở mà các đơn vị không sử dụng hoặc ngăn chia những cơ sở có diện tích rộng để hoạt động”.
Ông Trương Công Minh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Xã Vĩnh Lộc B cho biết, hiện trên địa bàn xã có 16 ấp, trong đó 9/7 ấp có văn phòng để sinh hoạt. Các văn phòng còn lại phải thuê mướn để sinh hoạt. Ông Trương Công Minh dẫn chứng: “Ấp 1B hiện dân số trên 15.000 dân. Văn phòng ấp hiện đang thuê với diện tích khoảng 40 m2. Sau khi tách ấp 1B có 10 ấp, khi đó dù có để 1 bàn để sinh hoạt vẫn không đủ chỗ”.
Ông Trương Công Minh - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Xã Vĩnh Lộc B kiến nghị tại Hội nghị phản biện Ông Trương Công Minh kiến nghị, các cấp lãnh đạo cần tìm vị trí đất công, nguồn kinh phí để xây dựng mới văn phòng ấp, khu phố mới hoặc quan tâm quy hoạch vị trí văn phòng ấp, khu phố phù hợp tạo thuận tiện cho người dân đến sinh hoạt và bộ máy hoạt động ổn định.
Phó Trưởng phòng Nội vụ huyện Huỳnh Thị Yến Linh thông tin, theo hướng dẫn của UBND TP, trước mắt các địa phương sắp xếp ấp, khu phố theo quy mô dân số, đảm bảo không xáo trộn nhiều về địa giới hành chính. Đối với vấn đề trụ sở, trước mắt các ấp vận dụng các trụ sở hiện có và tổ chức sinh hoạt luân phiên đảm bảo lộ trình Trung ương đề ra. Sau khoảng thời gian trên, huyện sẽ chỉ đạo các xã - thị trấn rà soát lại quỹ đất công, qua đó đề xuất bố trí xây dựng trụ sở văn phòng, đảm bảo cho các ấp, khu phố hoạt động theo quy định.