Chủ Nhật, ngày 6 tháng 10 năm 2024

Quy định 1629: Nâng cao công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, đẩy lùi tâm lý cán bộ né tránh, đùn đẩy, ngại trách nhiệm

Quang cảnh tại một phiên họp Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực TPHCM

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 31/10, Thường trực Thành ủy TPHCM tổ chức thông tin về Quy định 1629 của Ban Thường vụ Thành ủy về việc mua tin và xử lý thông tin phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn TPHCM.

Tại buổi trao đổi thông tin, Thường trực Thành ủy TPHCM cảm ơn các cơ quan báo chí đã quan tâm đến các chủ trương, chính sách của TP. Thường trực Thành ủy TPHCM khẳng định, báo chí là một trong các kênh góp phần cùng TP trong việc xây dựng, phát triển và bảo vệ TP trong thời gian qua. Thường trực Thành ủy ghi nhận, đánh giá cao các cơ quan báo chí đồng hành cùng TPHCM trong sự phát triển chung của TP.

Đại diện Thường trực Thành ủy TPHCM cho biết, việc ban hành Quy định 1629 mới chỉ dừng lại ở bước chuẩn bị và đây không phải là "cây đũa thần" để xử lý tham nhũng, tiêu cực. Mục tiêu của TP là đưa chủ trương của Đảng về kiên quyết đấu tranh với các hành vi tham nhũng, tiêu cực đi vào cuộc sống. Muốn vậy thì phải có nhiều giải pháp, kế hoạch, chương trình. Năm 2022, Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực TPHCM được thành lập. Đến nay, TP căn cứ vào các quy định của Trung ương và kinh nghiệm của một vài tỉnh, thành đã làm để ban hành Quy định 1629, trên cơ sở lấy ý kiến và thống nhất cao trong Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM.

Theo đại diện Thường trực Thành ủy, cùng với Quy định 1629 và các quy định khác góp phần vào việc xây dựng, phát triển TP, góp phần nâng cao công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Đồng thời, hạn chế, đẩy lùi tâm lý cán bộ né tránh, đùn đẩy, ngại trách nhiệm đến mức không dám nghĩ, dám làm.

Thường trực Thành ủy cho biết, Quy định 1629 kế thừa quy định 1374 của Thành ủy TPHCM về quy trình giải quyết thông tin phản ánh liên quan các tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đã đánh giá và có kết quả bước đầu. Cụ thể, qua 5 năm triển khai, TP đã tiếp nhận 9.864 thông tin, trong đó thông tin từ ý kiến cử tri chiếm 21,95%; giám sát của các cơ quan dân cử chiếm 16,45%; khiếu nại, tố cáo chiếm 49,45% và từ báo chí là 12,15%. Bình quân mỗi tháng 165 tin, mỗi ngày từ 5 đến 6 tin. Qua đó, đã được xử lý 9.609 thông tin, tỷ lệ 97,42%.

Đối với mức phí 10 triệu đồng, TP dựa vào quy định của Trung ương, mức tối đa. Đối với những thông tin đặc biệt quan trọng, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TPHCM - Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng tiêu cực TP xem xét phù hợp với quy định và hiệu quả thực tiễn của tin báo. Dù vậy, Thường trực Thành ủy tin tưởng nhân dân, cán bộ, đảng viên TP tham gia cung cấp thông tin tố giác về tham nhũng, tiêu cực với mục tiêu lớn là đấu tranh, là cùng xây dựng TP chứ không phải để kiếm tiền. Bên cạnh đó, Thành ủy TPHCM cũng đề cao vai trò của nhân dân trong công tác tham gia phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Theo Thường trực Thành ủy TPHCM, mọi việc nhân dân đều biết, nhân dân đồng thuận sẽ hiệu quả, do đó việc “mua tin” tại Quy định 1629 là một trong các hình thức để khuyến khích nhân dân tham gia đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Trước việc báo chí đặt vấn đề “Chủ trương này sẽ tác động thế nào đối với tình hình cán bộ, đảng viên hiện nay?”, Thường trực Thành ủy cho hay, TP mong muốn khi ban hành quy định này nhằm cảnh báo răn đe, tăng cường phòng ngừa để cán bộ làm tốt nhiệm vụ của mình; Thực hiện chủ đề năm 2023 “Nâng cao chất lượng hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư; thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội”; đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng… Với một tinh thần trách nhiệm vì TP và với quy định này sẽ thúc đẩy cán bộ TP năng động, dám nghĩ, dám làm, góp phần thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.

Cũng theo Thường trực Thành ủy, Quy định 1629 là đẩy thêm một bước để mong muốn nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và phát huy vai trò của nhân dân… góp phần trong công cuộc xây dựng TP, cụ thể là công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Quy định 1629, Ban Thường vụ Thành ủy ban hành với mong muốn cao nhất là phòng ngừa, răn đe, cảnh báo cán bộ, đảng viên để thực hiện chủ trương của TP, cụ thể Bí thư Thành ủy TPHCM nhiều lần quán triệt “làm đúng, làm tốt” chức trách của cán bộ.

“Khi một chủ trương lớn của Ban Thường vụ đề ra, mong muốn lớn nhất là hiệu quả sau khi chủ trương được ban hành. Đây là một bước trong quy trình phòng chống tham nhũng, tiêu cực nhằm nâng cao vai trò người cung cấp thông tin và xử lý thông tin. Với mong muốn lớn nhất là phòng, ngừa, răn đe để cán bộ làm tốt hơn nhiệm vụ của mình” – đại diện Thường trực Thành ủy TP nhấn mạnh.

Trước băn khoăn của người dân về việc bảo vệ người cung cấp thông tin, Thường trực Thành ủy cho biết, Quy định 1629 đã nêu quy trình rất rõ ràng. Bên cạnh đó, khi chưa có Quy định 1629, trong các quy định khác vẫn đảm bảo công tác bảo vệ những người cung cấp thông tin, người đấu tranh với các quan điểm sai trái.

Long Hồ


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo