Thứ Sáu, ngày 29 tháng 11 năm 2024

Phổ biến quy định pháp lý cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực VHTT-DL tại TPHCM

Vụ trưởng Vụ Pháp chế Phạm Cao Thái và các đại biểu chủ trì hội nghị trao đổi với đại diện các doanh nghiệp

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 28/11, tại TPHCM, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT-DL) tổ chức Hội nghị hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực VHTT-DL. 

Hội nghị do Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa và Thể Thao TPHCM, Sở Du lịch TPHCM; với sự tham gia của đại diện các doanh nghiệp, cán bộ làm công tác pháp chế tại các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực VHTT-DL trên địa bàn TPHCM.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phạm Cao Thái, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ VHTT-DL) cho biết, hội nghị với mong muốn đối thoại với các doanh nghiệp, lắng nghe ý kiến từ các đơn vị trong quá trình thực thi pháp luật. Qua đó tìm ra những khó khăn, vướng mắc để tháo gỡ, để làm sao hoạt động của các doanh nghiệp trong lĩnh vực quản lý của ngành được thông thoáng trong một hành lang pháp lý rộng và minh bạch. Đây cũng là yêu cầu của lãnh đạo Bộ VHTT-DL đối với hoạt động này.

Tại hội nghị, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Phạm Cao Thái và Phó Vụ trưởng Lê Thị Thu Oanh đã phổ biến những quy định pháp luật mới trong lĩnh vực VHTT-DL đến đại diện các doanh nghiệp. Cụ thể, lãnh đạo Vụ Pháp chế đã thông tin về Nghị định 148/2024/NĐ-CP ngày 12/11/2024 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 54/2019/NĐ-CP ngày 19/6/2019 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường; Quy định về hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực điện ảnh, với các nội dung được nhiều doanh nghiệp quan tâm như: Hợp tác đầu tư nước ngoài trong hoạt động điện ảnh; hoạt động sản xuất phim tại Việt Nam; tỷ lệ suất chiếu phim Việt, khung giờ chiếu phim…

Hội nghị với sự tham gia của đại diện các doanh nghiệp, cán bộ làm công tác pháp chế tại các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Văn hóa, Thể thao và Du lịch trên địa bàn TPHCM. Hội nghị với sự tham gia của đại diện các doanh nghiệp, cán bộ làm công tác pháp chế tại các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Văn hóa, Thể thao và Du lịch trên địa bàn TPHCM.

Bên cạnh đó, đơn vị chủ trì hội nghị cũng đã thông tin cụ thể về các quy định trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật. Theo đồng chí Phạm Cao Thái, Nghị định 144 của Chính phủ quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn ban hành từ 2020, so với Nghị định 179 có nhiều điểm mới phù hợp hơn, trong đó có quy định phân cấp phân quyền về cho địa phương.

“Thời gian đầu quy định này cũng có nhiều phản ánh, liên quan đến năng lực một số địa phương, sau đó chính quyền địa phương cùng với ngành tăng cường công tác quản lý, hoạt động này đi vào nền nếp dần. Tuy nhiên, Nghị định cũng bộc lộ một số bất cập về quản lý, cấp phép nghệ thuật biểu diễn và thi người mẫu, người đẹp. Do đó, Chính phủ yêu cầu nghiên cứu xây dựng Luật. Sắp tới đây, Vụ Pháp chế sẽ sơ kết, đánh giá tác động của Nghị định 144, nếu đủ cơ sở thì sẽ nâng lên thành Luật Nghệ thuật biểu diễn” – đồng chí Phạm Cao Thái cho biết.

Về hoạt động kinh doanh dịch vụ trong lĩnh vực di sản, Vụ Pháp chế cho hay Luật Di sản văn hóa vừa được Quốc hội thông qua vào ngày 23/11/2024, sẽ có hiệu lực từ 1/7/2025. Sắp tới đây Bộ VHTT-DL tập trung xây dựng 7 nghị định và 7 thông tư quy định chi tiết một số nội dung trong Luật, với các quy định liên quan đến quản lý nhà nước, hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực di sản.

Đại diện doanh nghiệp phát biểu tại hội nghị Đại diện doanh nghiệp phát biểu tại hội nghị

Tại hội nghị, các doanh nghiệp đã trao đổi và mong muốn Bộ VHTT-DL, Sở VHTT, Sở Du lịch TPHCM hỗ trợ nhiều nội dung liên quan đến quy định cấp phép biểu diễn, đầu tư theo phương thức đối tác công tư các dự án văn hóa-thể thao (PPP) tại TPHCM; quy định thời gian hoạt động rạp phim, việc cấp phép biểu diễn ở quán bar, thu phí tác quyền, cùng các quy định liên quan lĩnh vực du lịch, thể dục thể thao.

Phó Giám đốc Sở VHTT TPHCM Nguyễn Nam Nhân, chia sẻ thời gian qua, chính sách hạ tầng thay đổi theo hướng tinh gọn hơn, sẽ tạo điều kiện thông thoáng hơn cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.

Kết luận hội nghị, Vụ trưởng Phạm Cao Thái cho biết, hội nghị cơ bản đã trao đổi, chia sẻ nhiều vấn đề, về các quy định pháp luật trong lĩnh vực VHTT-DL. Qua trao đổi cho thấy vẫn còn một số quy định chưa thật sự thông thoáng, chưa cụ thể, rõ ràng,… Điều này cơ quan quản lý sẽ tiếp tục rà soát, có những quy định cụ thể để trong quá trình tổ chức thực hiện cho phù hợp cả với cơ quan nhà nước cũng như người dân, doanh nghiệp.

Anh Huy


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo