Thứ Bảy, ngày 27 tháng 7 năm 2024

Phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ được giao

Đồng chí Phan Văn Mãi và đồng chí Nguyễn Thị Lệ tặng hoa chúc mừng lễ kỷ niệm

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 17/9, tại hội trường Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi, Huyện ủy huyện Củ Chi phối hợp Đảng ủy Quân sự TP và Đảng ủy Công an TPHCM tổ chức lễ kỷ niệm 56 năm Ngày Củ Chi được phong tặng danh hiệu “Đất thép thành đồng” (17/9/1967 - 17/9/2023).

Đến dự có Mẹ Việt Nam anh hùng Kiều Thị Nông; Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Tô Văn Đực; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi; nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thị Thu Hà; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ; Trung tướng Nguyễn Văn Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Tư lệnh Bộ Tư lệnh TPHCM và đại diện nhân dân huyện Củ Chi.

Đời sống người dân ngày càng được nâng lên

Phát biểu ôn lại truyền thống, Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy huyện Củ Chi Nguyễn Quyết Thắng cho biết, với tinh thần sáng tạo không ngừng của quân và dân Củ Chi, đánh giặc bằng trăm phương ngàn cách, với mọi thành phần không phân biệt già, trẻ, lớn, bé; mỗi người dân đều là chiến sĩ; luôn kiên cường trước mọi thử thách, gian lao, dù gian khổ hy sinh, bom rơi, đạn phá vẫn kiên trì bám trụ, bám làng chiến đấu, quyết không làm nô lệ, quyết không chịu mất nước. Tại Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua và dũng sĩ các Lực lượng võ trang Nhân dân giải phóng toàn miền Nam lần thứ hai vào 17/9/1967, quân và dân Củ Chi đã vinh dự được Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tuyên dương danh hiệu cao quý “Đất Thép Thành Đồng” và tặng thưởng Huân chương Thành đồng hạng Ba.

Đồng chí Phan Văn Mãi cùng các đại biểu tham dự lễ kỷ niệm Đồng chí Phan Văn Mãi cùng các đại biểu tham dự lễ kỷ niệm

Theo đồng chí Nguyễn Quyết Thắng, trải qua 21 năm kháng chiến chống đế quốc xâm lược cứu nước trường kỳ gian khổ (1954-1975), mặc dù địch đã thả xuống mảnh đất Củ Chi hàng trăm ngàn tấn bom đạn, chất độc hóa học, bắn phá hủy diệt, nhưng nhân dân Củ Chi vẫn bền lòng, kiên gan, vững chí hướng về cách mạng, anh dũng chiến đấu… Sau chiến tranh, toàn huyện có 11.000 liệt sĩ, 13.598 thương binh, bệnh binh, 20.208 gia đình có công cách mạng, 2.135 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Và qua 48 năm xây dựng sau giải phóng, chuyển biến lớn lao của huyện là chuyển biến toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Minh chứng cho kết quả đó, ngoài danh hiệu cao quý "Đất Thép Thành Đồng”, còn có Huân chương Thành đồng hạng Ba (1967), Củ Chi vinh dự đón nhận Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (1976). Toàn huyện có 40 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Giai đoạn 1994 - 2004, huyện đón nhận danh hiệu Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới. Năm 2015, Củ Chi là huyện ngoại thành đầu tiên của TPHCM được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2020-2021, huyện được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Năm 2023, huyện đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Đồng chí Nguyễn Minh Triết và Trung tướng Nguyễn Văn Nam tặng hoa Mẹ Việt Nam anh hùng Kiều Thị Nông Đồng chí Nguyễn Minh Triết và Trung tướng Nguyễn Văn Nam tặng hoa Mẹ Việt Nam anh hùng Kiều Thị Nông

Một số điểm sáng của huyện hiện nay là huyện đang đẩy mạnh xây dựng chính quyền địa phương năng động, hiệu quả, gần dân, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Kinh tế của huyện phát triển theo hướng tăng nhanh tỷ trọng về ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ và nông nghiệp đô thị. Hiện mức thu nhập của người dân đạt trên 64 triệu đồng/người/năm. Đặc biệt, Củ Chi khẳng định công tác đền ơn đáp nghĩa là công việc thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị, dưới sự chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, thực hiện của các cấp chính quyền và toàn xã hội; thể hiện truyền thống văn hóa, nghĩa tình, uống nước nhớ nguồn của dân tộc. Riêng từ đầu năm 2020 đến nay, huyện đã vận động các nguồn hỗ trợ 500 căn nhà tình nghĩa, nhà tình thương cho người có công cách mạng; phụng dưỡng 31 Mẹ Việt Nam Anh hùng đang còn sống.

Đồng chí Nguyễn Quyết Thắng phát biểu tại lễ kỷ niệm Đồng chí Nguyễn Quyết Thắng phát biểu tại lễ kỷ niệm

Đồng chí Nguyễn Quyết Thắng mong muốn cán bộ, viên chức và người dân Củ Chi đang công tác trên các lĩnh vực sẽ tiếp tục tham gia đóng góp, hiến kế chung sức cùng chung tay xây dựng Củ Chi ngày càng phát triển, văn minh, nghĩa tình.

Làm gì cũng nhớ về quê hương, đóng góp xây dựng quê hương

Phát biểu tại buổi lễ, Trung tướng Nguyễn Văn Nam nhấn mạnh, trong chiến tranh, nước mắt, máu của người dân Củ Chi đã quyện vào lòng đất, trở thành sức mạnh quật cường, tạo nên Củ Chi Đất thép thành đồng làm cho quân thù khiếp đảm mỗi lần đặt chân tới nơi này. Theo Trung tướng Nguyễn Văn Nam, năm 2023 là năm đánh dấu chặng đường 56 năm Củ Chi được phong tặng danh hiệu “Đất Thép Thành Đồng”, cũng là đánh dấu nửa chặng đường Đại hội và thời gian tới là thời gian tăng tốc để thực hiện đạt kết quả Nghị quyết Đại hội lần thứ XII Đảng bộ huyện đã đề ra.

Trung tướng Nguyễn Văn Nam tin tưởng Củ Chi sẽ nỗ lực, quyết tâm cao hơn nữa, đặc biệt là phát huy những kết quả đạt được trong thời gian qua, chủ động lực khắc phục các khó khăn, hạn chế, vượt qua thách thức, triển khai có hiệu quả các chủ trương, cơ chế, chính sách, khơi thông các nguồn lực để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trong năm 2023 và nửa nhiệm kỳ còn lại, làm tiền đề cho huyện phát triển nhanh và bền vững hơn trong những những năm tiếp theo.

Cùng với đó, tiếp tục phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong quá trình thực thi nhiệm vụ được giao, góp phần cùng TPHCM nói chung và đưa huyện Củ Chi nói riêng phát triển nhanh, bền vững trong tương lai. Đặc biệt là, nêu cao tinh thần trách nhiệm thực hiện tốt các chính sách cho người có công, đẩy mạnh các phong trào đền ơn đáp nghĩa ở mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn quê hương Củ Chi.

“Đảng bộ, chính quyền TPHCM nguyện kế thừa, phát huy, tiếp tục làm sâu sắc thêm, sinh động hơn, xứng đáng với truyền thống của TP là yêu nước nồng nàn, kiên cường cách mạng, năng động, sáng tạo, đi đầu, dám chấp nhận thử thách, cần cù lao động, nghĩa tình” - Trung tướng Nguyễn Văn Nam nhấn mạnh và mong muốn mỗi người dân Củ Chi, mỗi người con Củ Chi đang sống và làm việc ở mọi miền Tổ quốc đi đâu làm gì cũng nhớ về quê hương, đóng góp xây dựng quê hương và sống xứng đáng với quê hương Củ Chi.

Long Hồ


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo