Bác Hồ tiếp gia đình luật sư Loseby vào đầu năm 1960. (Ảnh tư liệu) (Thanhuytphcm.vn) – Năm 1996, Đại tá, TS Nguyễn Văn Khoan được Văn phòng cố Tổng Bí thư Trường Chinh tạo điều kiện tiếp cận với một số tài liệu viết tay về “vụ án Hongkong”. Từ những gợi mở này, TS Nguyễn Văn Khoan đã tiếp tục sưu tầm tư liệu ở các kho lưu trữ khác, các bài báo, gặp gỡ các nhân chứng, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, để rồi trong dịp kỷ niệm 65 năm ngày Tống Văn Sơ – Nguyễn Ái Quốc thoát khỏi nhà tù Victoria – Hongkong, tác phẩm Nguyễn Ái Quốc và vụ án Hongkong năm 1931 được Nhà xuất bản Lao động ấn hành, ra mắt bạn đọc vào năm 1996.
Từ đó, sách được Nhà xuất bản Trẻ in 2 lần, được ông Lý Gia Trung, nguyên Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, chuyển ngữ sang tiếng Trung và được Nhà xuất bản New World Press (Tân thế giới) ở Bắc Kinh ấn hành vào năm 2003. Trong dịp kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và 112 năm ngày Bác Hồ đi tìm đường cứu nước, TS Nguyễn Văn Khoan đã tiếp tục tra cứu các nguồn tài liệu khác, nhất là từ bản sao toàn bộ hồ sơ “vụ án Tống Văn Sơ” của nhà báo, nhà văn người Mỹ Lady Borton sưu tầm được từ Kho lưu trữ Hoàng gia Anh, để tái bản cuốn Nguyễn Ái Quốc và vụ án Hongkong năm 1931.
Tập sách tuy tương đối mỏng (160 trang, được Nhà xuất bản Trẻ thực hiện vào tháng 6/2023) nhưng đã ghi lại khá toàn diện và chân thực diễn biến vụ án, cùng nhiều chi tiết có liên quan. Bằng lối viết giản dị, ngắn gọn, TS Nguyễn Văn Khoan, người đã có hơn 30 đầu sách nghiên cứu về Bác Hồ, đã khái quát toàn bộ vụ việc, như bối cảnh trước khi Tống Văn Sơ bị bắt, giới thiệu về nhà số 186 Tam Kung (nơi Tống Văn Sơ bị bắt), về nhà tù Victoria, về luật sư Francis Henry Loseby, về các tình tiết của vụ án, về việc bị hỏi cung và ra tòa của Tống Văn Sơ, về việc bị trục xuất và sau đó bị bắt lại, về ân tình của luật sư Loseby và nhiều người khác, về cuộc hội ngộ của luật sư với Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội năm 1960…, cùng nhiều tư liệu quý khác. Sách có phần giới thiệu của GS, nhà sử học Đinh Xuân Lâm (vốn được in trong bản phát hành năm 1996), trong đó có nhận định rất xác đáng: “Nội dung phong phú của sách lại được chuyển tải qua một hình thức thích hợp với bố cục gọn, các chương súc tích, với lời văn nhẹ nhàng, có sức hấp dẫn bạn đọc, nhất là bạn đọc trẻ tuổi”.
Bìa cuốn Nguyễn Ái Quốc và vụ án Hongkong năm 1931, ấn hành năm 2023. (Ảnh: VT) Chúng ta đều biết, ngày 6/6/1931, Nguyễn Ái Quốc với tên gọi Tống Văn Sơ, bị cảnh sát Hongkong bắt ngay tại nhà trọ, 186 Tam Kung, với hồ sơ ghi tội danh là “gián điệp của Quốc tế Cộng sản, tay sai của Liên Xô, có âm mưu lật đổ”, theo “đặt hàng” của mật thám Pháp. Rất may, đồng chí Hồ Tùng Mậu qua Liên đoàn Quốc tế Cứu tế đỏ của Ban Phương Đông (Quốc tế Cộng sản) đã kịp tiếp xúc với luật sư Loseby (1883 – 1967), Giám đốc Công ty Luật sư Russ (của người Anh), luật sư nổi tiếng nhất Hongkong lúc đó – để nhờ ông này cãi trắng án cho Tống Văn Sơ. Sau khi nghe Hồ Tùng Mậu trình bày và nghiên cứu hồ sơ, với sự nhạy bén của mình, Loseby biết thân chủ của mình là nhà hoạt động cách mạng nổi tiếng của Việt Nam và mình đang đối mặt với một vụ án đặc biệt nên ông vui vẻ nhận lời. Luật sư Loseby đã dựa vào nhiều điểm có lợi cho Tống, trong đó có tính bất hợp pháp của lệnh bắt được ký vào ngày 12/6 trong khi Tống đã bị bắt ngày 6/6, để đấu tranh đòi lẽ phải cho thân chủ của mình.
Dù vậy, mãi đến phiên tòa thứ 9 (vào ngày 19/9/1931), tòa mới thừa nhận mình hoàn toàn sai nhưng vẫn chưa trả tự do cho Tống Văn Sơ. Tống và các luật sư đã kiện lên Viện Cơ mật Hoàng gia Anh. Vì vậy, cuối năm 1932, chính quyền Hongkong được lệnh phải trả tự do cho Tống và cho phép ông được chọn nơi cư trú. Nhưng tiếp sau đó lại là một âm mưu khác của bọn mật thám – chúng vờ thả Tống nhưng bí mật bắt lại.
Ngay sau khi hay tin Tống Văn Sơ bị bắt lại, luật sư Loseby đã đến ngay nhà tù để gặp Tống và phản đối việc làm này. Loseby gặp Thống đốc Hongkong William Pil và ông này đã ra lệnh phải trả tự do lập tức cho Tống. Khi ra khỏi tù, vì mật thám Anh – Pháp vẫn luôn rình rập, chính bà Loseby đã có sáng kiến để Tống cải trang thành nhiều dạng và sau đó đến ở tại nhà luật sư Loseby. Tống được gia đình Loseby chăm sóc chu đáo và tạo mọi điều kiện thuận lợi để sau đó rời khỏi Hongkong an toàn. Từ đây, Nguyễn mới thực sự thoát khỏi nanh vuốt của kẻ thù, trở về Liên Xô tiếp tục các hoạt động cách mạng của mình…
Trong cuốn Nguyễn Ái Quốc và vụ án Hongkong năm 1931, TS Nguyễn Văn Khoan cũng minh định một số chi tiết quan trọng: Nguyễn Ái Quốc bị bắt ngày 6/6/1931 chẳng qua là một sự không may, do sơ xuất vô tình và thiếu kinh nghiệm hoạt động bí mật của một vài đồng sự chứ không phải do ai khai báo; người bị bắt cùng là Lý Thị Tâm, họ hàng và đồng hương của Bác, ở cùng nhà và giúp Bác một số việc chứ không có người phụ nữ Trung Quốc nào khác; việc giải cứu lần này chủ yếu do sự tận tụy của ông bà Loseby cùng một số đồng chí ở Quốc tế Cộng sản (chủ yếu lúc tổ chức cho Bác rời khỏi Hongkong) chứ gần như không có sự tham gia nào của các đảng viên cộng sản Việt Nam cũng như Trung Quốc, ngoài việc đưa tin ban đầu đồng chí Hồ Tùng Mậu…
Đại tá, TS Nguyễn Văn Khoan (phải) cùng Đại tá Nguyễn Văn Tòng trong một lần đến thăm Tạp chí Sổ tay Xây dựng Đảng (năm 2013). (Ảnh: VT) Mùa xuân năm 1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời gia đình luật sư Loseby thăm Việt Nam với tư cách là khách mời đặc biệt của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trước đó nhiều năm, dịp lễ Noel, năm mới nào gia đình Loseby cũng nhận được thiệp chúc mừng và quà của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày 26/1/1960 (28 Tết Canh Tý), Bác Hồ thân hành sang sân bay Gia Lâm đón khách. Người xúc động ôm thắm thiết luật sư Loseby sau gần 30 năm xa cách. Trong chuyến thăm (từ ngày 26/1 đến ngày 3/2/1960), gia đình luật sư Loseby đã được đón một cái Tết đặc sắc của dân tộc Việt Nam và có nhiều hoạt động ý nghĩa: thăm các nhà máy, trường học, vịnh Hạ Long, các danh lam thắng cảnh của miền Bắc… Ngày 19/2/1960, luật sư Loseby viết thư từ Hongkong gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thư có đoạn: “Ngài nói rằng tôi đã “cứu sống Ngài”, điều đó có thể đúng. Nếu vậy thì đó chính là việc làm tốt nhất mà tôi đã từng làm, và đó mãi mãi là một việc làm sáng suốt”. Và, khi viết về lễ tang của luật sư Loseby (ông mất ngày 31/8/1967, thọ 84 tuổi), báo South Morning Post tại Hongkong đã nêu: “Một việc Loseby lấy làm vinh hạnh nhất trong cuộc đời của mình là cứu sống được một người cách mạng Việt Nam, người đó bây giờ là Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Đọc cuốn Nguyễn Ái Quốc và vụ án Hongkong năm 1931 hay tìm hiểu về vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hongkong, ta dễ nhận ra sức hấp dẫn tuyệt của Bác Hồ với rất nhiều người, cũng như nhìn thấy vai trò to lớn của luật sư Loseby và gia đình trong việc giải thoát Bác ra khỏi nhà tù Hongkong, cùng tình cảm thủy chung, son sắt, lòng biết ơn sâu sắc của Bác đối với ân nhân của mình.
Đại tá, TS Nguyễn Văn Khoan năm nay đã gần 95 tuổi nhưng vẫn đau đáu với việc phổ biến các giá trị đặc sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến với công chúng, bằng những cách phổ thông và dễ hiểu nhất. Điều rất đáng trân trọng là ông vẫn chưa có ý định dừng lại việc nghiên cứu, như ông nói vẫn sẽ làm “đến khi nào sức khỏe còn cho phép”!