Chủ Nhật, ngày 30 tháng 3 năm 2025

Đề nghị áp dụng thuế suất 10% cho toàn bộ cơ quan báo chí

Các đại biểu tại phiên họp

(Thanhuytphcm.vn) – Ngày 26/3, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 7 đã thảo luận về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).

Về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi, các đại biểu đã đóng góp ý kiến vào việc điều chỉnh thuế TTĐB đối với mặt hàng bia rượu, thuốc lá; đề xuất phương án giãn thuế TTĐB...

Đóng góp ý kiến về điều chỉnh thuế TTĐB đối với ngành bia, đại biểu Nguyễn Duy Minh (Đà Nẵng) cho rằng, việc áp thuế cần được xem xét một cách thận trọng, toàn diện, đặc biệt là trên 3 khía cạnh về việc làm, thu ngân sách địa phương, thu ngân sách Nhà nước nói chung và sức khỏe người tiêu dùng. Đại biểu Nguyễn Duy Minh cho rằng, ngành bia hiện nay đang tạo ra hàng triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp trên cả nước, từ người nông dân trồng nguyên liệu, nhà máy sản xuất đến hệ thống vận chuyển, phân phối và bán lẻ. Việc tăng thuế đột ngột, mạnh tay như đề xuất như hiện nay sẽ khiến giá bia hợp pháp tăng cao, kéo theo sự sụt giảm tiêu thụ và doanh thu, buộc doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự. Điều này đe dọa đến sinh kế của hàng trăm nghìn lao động, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố phụ thuộc rất nhiều vào ngành đồ uống. Về thu ngân sách địa phương, ngành bia hiện nay đóng góp hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm cho ngân sách nhà nước bao gồm thuế TTĐB, thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi sản lượng tiêu thụ hợp pháp giảm mạnh thì các nguồn thu này sẽ bị suy giảm đáng kể. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến ngân sách trung ương mà còn trực tiếp tác động đến thu ngân sách của các địa phương có nhà máy bia, nơi mà nguồn thu này đóng vai trò rất quan trọng trong việc đầu tư phát triển hạ tầng y tế, giáo dục tại địa phương. Do vậy, việc điều chỉnh thuế cần phải được tính toán kỹ lưỡng để không tạo ra áp lực cho nguồn thu.

Đại biểu Thạch Phước Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh phát biểu Đại biểu Thạch Phước Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh phát biểu

Một số ý kiến ĐB tiếp tục đề nghị bổ sung đối tượng không chịu thuế là xăng, điều hòa. ĐB Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) nhấn mạnh, xăng là mặt hàng thiết yếu và không thể hạn chế sử dụng xăng được. Hơn nữa, xăng vừa chịu thuế TTĐB, vừa chịu thuế bảo vệ môi trường. Nếu xác định dùng xăng ảnh hưởng tới môi trường thì tăng thuế bảo vệ môi trường chứ không đánh thuế TTĐB.

Giải trình tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn nhấn mạnh, việc áp thuế TTĐB nhằm điều tiết và hành vi tiêu dùng. Với mặt hàng điều hòa nhiệt độ, trước đây đặt vấn đề là mặt hàng xa xỉ, nhưng nay đã là mặt hàng phổ thông, được các gia đình sử dụng nên Ban soạn thảo dự án luật sẽ cùng với các cơ quan liên quan rà soát để có phương án điều tiết phù hợp.

Về mặt hàng xăng, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết đã áp thuế này từ rất lâu và nhiều nước cũng đánh cả thuế TTĐB (thu theo tỷ lệ phần trăm) và thuế bảo vệ môi trường (thu thuế tuyệt đối). Hơn nữa, mức thuế với xăng sinh học đang được đề xuất thu ở mức thuế thấp hơn để khuyến khích dùng loại xăng này.

Về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), thảo luận tại hội nghị, đa số ý kiến các đại biểu bày tỏ đồng tình cao với nội dung tiếp thu, giải trình dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, đánh giá dự thảo luật đã có rất nhiều điểm bổ sung, sửa đổi để tháo gỡ những vấn đề vướng mắc hiện nay trong việc tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Quan tâm đến mức thuế đối với ngành báo chí, đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho biết, báo điện tử đang trở thành phương thức chủ đạo, trong khi báo in ngày càng giảm sút. Tuy nhiên, báo in lại được hưởng mức thuế ưu đãi 10%, trong khi báo điện tử phải chịu mức thuế 20%, dù cả hai đều phục vụ mục tiêu cung cấp thông tin chính thống, định hướng dư luận và thực hiện nhiệm vụ truyền thông của Đảng, Nhà nước. Chính sách thuế hiện tại cũng chưa theo kịp xu hướng chuyển đổi số báo chí, tạo rào cản tài chính cho các cơ quan báo chí điện tử. Trong khi đó, các nền tảng xuyên biên giới như Google, Facebook chiếm phần lớn doanh thu quảng cáo nhưng chỉ chịu thuế gián tiếp tại Việt Nam, gây bất lợi cho báo chí trong nước.

Toàn cảnh phiên họp Toàn cảnh phiên họp

Vì vậy, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị áp dụng thuế suất 10% cho toàn bộ cơ quan báo chí, không phân biệt loại hình, quy định này sẽ hỗ trợ cơ quan báo chí vượt qua khó khăn tài chính, tạo sự công bằng, khuyến khích phát triển bền vững, đầu tư vào công nghệ và nâng cao năng lực cạnh tranh với các nền tảng xuyên biên giới.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho biết, theo dự thảo, doanh nghiệp đang hưởng ưu đãi nếu đầu tư mở rộng sẽ chỉ được hưởng ưu đãi cho thời gian còn lại của dự án. Ví dụ, dự án được ưu đãi 20 năm, đã thực hiện 15 năm, thì phần đầu tư mở rộng chỉ được hưởng ưu đãi 5 năm còn lại. Tuy nhiên, nếu dự án đã hết thời gian ưu đãi, việc đầu tư mở rộng sẽ được hưởng ưu đãi theo cơ chế mới. Quy định này tạo ra sự bất hợp lý, không khuyến khích doanh nghiệp đầu tư mở rộng trong quá trình hoạt động. Doanh nghiệp sẽ có xu hướng trì hoãn đầu tư mở rộng đến khi dự án kết thúc để được hưởng ưu đãi tối đa. Để khắc phục vấn đề này, đại biểu đề xuất thay đổi phương thức tính ưu đãi dựa trên tỷ lệ vốn đầu tư mở rộng so với tổng vốn đầu tư. Cụ thể, tỷ lệ vốn đầu tư mở rộng càng lớn, thời gian ưu đãi càng dài so với thời gian còn lại của dự án. Ngược lại, tỷ lệ vốn đầu tư mở rộng nhỏ sẽ tương ứng với thời gian ưu đãi ngắn hơn. Phương pháp này sẽ khuyến khích doanh nghiệp đầu tư mở rộng liên tục trong quá trình hoạt động, góp phần nâng cao năng lực sản xuất và hiệu quả đầu tư…

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo