Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu bế mạc Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 7, nhiệm kỳ khóa XV.(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 26/3, tiếp tục hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 7, nhiệm kỳ khóa XV để thảo luận một số nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, các đại biểu thảo luận về dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 và xem xét tại kỳ họp thứ 10. Tuy nhiên, sau đó trong tờ trình của Chính phủ đề nghị thông qua tại một kỳ họp do những sự cần thiết, cấp bách điều chỉnh lĩnh vực này để chống tội phạm trên mạng xâm phạm dữ liệu cá nhân và có nhiều vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền công dân, phù hợp với chủ trương chuyển đổi số quốc gia.
Qua thảo luận, các ý kiến đều cho rằng dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân được xây dựng trong bối cảnh dữ liệu cá nhân ngày càng trở thành tài sản quan trọng, đồng thời cũng phải đối diện với nhiều nguy cơ lạm dụng, xâm phạm, đặc biệt là tình trạng vi phạm dữ liệu cá nhân, rò rỉ thông tin khách hàng, lạm dụng dữ liệu trong quảng cáo, tiếp thị. Hiện nay quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân mới chỉ dừng lại ở cấp nghị định, thông tư, chưa có luật chuyên biệt để bảo vệ quyền của công dân trong môi trường số, cho nên việc ban hành dự thảo luật này là hết sức cần thiết.
Các ý kiến thảo luận quan tâm về các hành vi bị nghiêm cấm. Dự thảo quy định cấm xử lý dữ liệu cá nhân trái với quy định của pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân; tạo ra thông tin, dữ liệu nhằm chống lại Nhà nước, gây ảnh hưởng tới quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác. Các hành vi khác bị cấm bao gồm: cản trở hoạt động bảo vệ dữ liệu cá nhân của cơ quan chức năng có thẩm quyền; lợi dụng hoạt động bảo vệ dữ liệu cá nhân để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật; thu thập, xử lý, chuyển giao dữ liệu cá nhân trái quy định của pháp luật; mua, bán dữ liệu cá nhân; cố ý chiếm đoạt, làm lộ, mất dữ liệu cá nhân. Thảo luận về nội dung này, đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) và một số đại biểu đề nghị làm rõ việc cấm mua bán dữ liệu cá nhân thì có cấm hành vi tặng, cho hay không; dự thảo luật cần quy định rõ khi nào thì được mua bán, khi nào thì được trao đổi.
Kết luận nội dung thảo luận này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị rà soát các quy định về biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân và các quy định kinh doanh có điều kiện liên quan đến bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Chiều 26/3, hội nghị cũng cho ý kiến về nội dung tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Quảng cáo. Sau khi các đại biểu thảo luận, kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, dự án Luật này được nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội, là một trong những dự thảo luật có tính thời sự cao, có yếu tố dự lường về những biến động về lĩnh vực quảng cáo, đặc biệt là quảng cáo trên không gian mạng, quảng cáo xuyên biên giới. Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, trong bối cảnh chuyển mạnh sang xã hội số, hoạt động khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo, các hình thức quảng cáo cũng cần được quan tâm, do đó các cơ quan liên quan cần hoàn thiện dự thảo bảo đảm chất lượng cao nhất.
Cuối giờ chiều 26/3, sau 2 ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương, hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 7, nhiệm kỳ khóa XV đã bế mạc, hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra.
Phát biểu bế mạc hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương cho biết, tổng cộng có 61/73 ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu về 10 dự án luật được xem xét tại kỳ họp thứ 9 tới, trong đó có 8 dự án luật đã được cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 8 và 2 dự án luật trình Quốc hội xem xét thông qua theo quy trình tại một kỳ họp (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân).
Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 7, nhiệm kỳ khóa XVPhó Chủ tịch Quốc hội cho biết, kỳ họp thứ 9 tới đây có ý nghĩa rất quan trọng, mang tính lịch sử đối với sự phát triển của đất nước. Khối lượng nội dung rất nhiều, theo thống kê sơ bộ là 42 nhiệm vụ lập pháp, khoảng hơn 20 nhiệm vụ quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Trong đó, có cả sửa một số điều của Hiến pháp, trong khi thời gian chuẩn bị rút ngắn hơn. Để góp phần tổ chức hiệu quả thành công kỳ họp, sau hội nghị này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục phối hợp chặt chẽ các cơ quan của Quốc hội tổ chức tiếp thu, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, tài liệu và gửi các đại biểu Quốc hội, bảo đảm đại biểu tiếp cận tài liệu các nội dung trình kỳ họp sớm nhất.
Trong bối cảnh cả hệ thống chính trị đang rất khẩn trương, “vừa chạy vừa xếp hàng” triển khai các nhiệm vụ sắp xếp tổ chức bộ máy, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan phối hợp khẩn trương cập nhật, hoàn thiện các nội dung khác trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi trình Quốc hội, nhất là sửa đổi Hiến pháp, luật, nghị quyết về tổ chức bộ máy. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết thêm, hiện nay, Chính phủ, các cơ quan tiếp tục chuẩn bị các nội dung để trình tại kỳ họp. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan gửi tài liệu sớm nhất có thể. Đồng thời đề nghị các đại biểu Quốc hội chủ động nghiên cứu ngay khi có tài liệu được gửi trên App Quốc hội để chuẩn bị kỹ lưỡng, tham gia khi Quốc hội trình…