Việc sử dụng mạng internet và mạng xã hội có trách nhiệm mang lại ý nghĩa thiết thực cho nhiều chủ thể, đầu tiên là bản thân người dùng, sau đó là những người xung quanh, những người gần gũi với người sử dụng và nhiều người khác, cũng như với các tổ chức, ở tầm cao là với Đảng, với chế độ, với đất nước. Nếu xã hội có nhiều người sử dụng không gian mạng có trách nhiệm thì xã hội ít xảy ra các vấn đề vi phạm pháp luật, vi phạm quy tắc cộng đồng của các nền tảng mạng xã hội, vi phạm thuần phong mỹ tục, tập quán của từng địa phương, từng dân tộc, từng quốc gia, có nghĩa là góp phần tạo nên môi trường mạng lành mạnh, văn minh, tiến bộ. Bản thân cán bộ, đảng viên phải là người đi đầu, dẫn dắt, động viên mọi người thực hiện điều này, bởi không gian mạng tuy được coi mà “môi trường ảo” nhưng những tác động (nhất là hậu quả) của nó thì lại rất thật và có thể liên quan đến nhiều người, nhiều chủ thể, trong một thời gian dài.
Các ý nghĩa đó thể hiện ở nhiều khía cạnh
Trước hết, đó là cách để thể hiện yếu tố văn hóa, văn minh và tinh thần thượng tôn pháp luật của một cá nhân khi tham gia các hoạt động trên không gian mạng. Tức là, tính trách nhiệm để bảo đảm rằng một cán bộ, đảng viên… thể hiện đúng vị trí, vai trò của mình, dù ở môi trường hay bối cảnh nào. Khi một người sử dụng không gian mạng, nhất là đăng tải một nội dung lên mạng xã hội, không bao giờ tách bạch các vị trí, vai trò của người đó; chẳng hạn, khi đưa một status tiêu cực lên mạng xã hội, một đảng viên không thể bao biện rằng mình đang đóng vai trò một quần chúng, trong khi không có quy định nào cho phép một đảng viên “tạm thời làm quần chúng” vì bất kỳ lý do gì, trừ khi bị một hình thức kỷ luật khiến người đó không còn là đảng viên nữa. Do đó, với status không hay đó, vai trò của một đảng viên có thể bị xem xét, xử lý.
Đây cũng là một tiêu chí để khẳng định cán bộ, đảng viên… đã thực hiện tốt việc tu dưỡng, rèn luyện bản thân phù hợp với các tiêu chí và quy định của tổ chức mà mình là thành viên hay chưa. Điều này có nghĩa rằng, đảng viên ở chi bộ khu phố có thể không có những yêu cầu, đòi hỏi như đảng viên ở một cơ quan đảng cấp thành phố, nên việc sử dụng không gian mạng theo chuẩn mực của từng cơ quan cũng khác nhau. Tuy nhiên, dù thế nào, bản thân các đảng viên cũng phải thể hiện rõ mình là người sử dụng không gian mạng có trách nhiệm theo các quy chuẩn chung của cộng đồng, của xã hội. Đặc biệt đối với các vấn đề mang tính nền tảng tư tưởng, lý luận…, mỗi đảng viên phải tuân thủ các quy định, các nguyên tắc, yêu cầu về tính đảng. Đồng thời đó là trách nhiệm của mỗi người trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch. Qua đó, mỗi người tự đấu tranh chống các biểu hiện suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và các tiêu cực khác.
Sử dụng không gian mạng có trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên còn là góp phần bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ. Bởi hiện nay, một số phần tử xấu sử dụng không gian mạng để chống phá Đảng và Nhà nước, gây chia rẽ giữa nhân dân với Đảng, hòng phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nếu nhiều người sử dụng không gian mạng không tin theo, không phát tán, không tùy tiện chia sẻ và thực hiện việc đấu tranh phản bác trong điều kiện của mình thì các thông tin xấu độc không còn môi trường để tồn tại, âm mưu của các phần tử đó sẽ bị phá sản. Mặt khác, khi mỗi cán bộ, đảng viên chủ động làm lan tỏa các thông tin tích cực, các tấm gương sáng, các câu chuyện đẹp… thì sẽ góp phần định hướng nhận thức và tư tưởng người đọc, tác động đến tình cảm và hành động của nhiều người khác, đồng thời làm loãng các thông tin tiêu cực đi, qua đó giúp môi trường mạng trong lành hơn, tích cực hơn.
Bên cạnh đó, sử dụng mạng có trách nhiệm còn là cơ sở để các cơ quan, tổ chức đảng giám sát, đánh giá về đạo đức, ứng xử, của cán bộ, đảng viên không chỉ thể hiện qua việc tham gia mạng xã hội mà còn trong sinh hoạt, nhận thức, lối sống… Bởi một status dù ngắn, một bức ảnh dù nhỏ, một thông tin dù sơ sài… cũng ít nhiều bộc lộ tâm tư, tình cảm, trạng thái nhận thức của người đó. Thí dụ, một cán bộ tiếp dân đưa một status mang ý giễu cợt sự ngô nghê, quê mùa của một công dân đến liên hệ giải quyết yêu cầu hành chính thì ít nhiều đã bộc lộ thái độ chưa đúng mực của mình trong việc lắng nghe, chia sẻ, giải thích cho người dân; từ đó, tổ chức đảng cần phải có biện pháp giáo dục, uốn nắn về quan điểm, nhận thức, tư tưởng của cán bộ này.
Trên cơ sở đó, các cơ quan, đơn vị, tổ chức đảng có thể thực hiện sát đúng hơn công tác đánh giá thi đua, phân tích chất lượng đảng viên, biểu dương, kỷ luật và thực hiện công tác cán bộ một cách phù hợp. Bản thân người đứng đầu cơ quan, đơn vị cũng cần phải tăng cường trách nhiệm trong việc quản lý, giám sát việc sử dụng không gian mạng của cán bộ, đảng viên trong phạm vi quản lý của mình, không nên xem đó là việc cá nhân, không liên quan đến tổ chức đảng hoặc cơ quan. Đồng thời, qua việc sử dụng không gian mạng, nhất là mạng xã hội, quần chúng, nhân dân có thể thực hiện việc giám sát cán bộ, đảng viên về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống.
Dĩ nhiên, biểu hiện qua việc sử dụng mạng internet và mạng xã hội chỉ là một phần nhỏ trong đánh giá tổng thể một cá nhân, một đảng viên, một công chức, viên chức. Do đó, không thể lấy điều này làm căn cứ đánh giá một cách nặng nề mang tính quy chụp đối với các cá nhân, trừ trường hợp vi phạm nghiêm trọng pháp luật và kỷ luật của Đảng. Chẳng hạn, một đảng viên đưa lên mạng xã hội hình ảnh bản thân không đeo khẩu trang khi đi ngoài đường trong bối dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp thì cần nhắc nhở (để thay ảnh khác hoặc gỡ ảnh đó) hơn là quy kết nặng nề về tư cách, nhận thức của người đó. Suy cho cùng, việc khích lệ, tác động để mọi người sử dụng không gian mạng có trách nhiệm và áp dụng các quy định, quy trình để xử lý vấn đề này cũng nên trên tinh thần có lý có tình và nhất là “phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau” như lời dạy của Bác Hồ.
Tóm lại, sử dụng không gian mạng có nhiều ý nghĩa thực tiễn cho cá nhân, tổ chức, xã hội, đất nước, dân tộc… Do đó, cán bộ, đảng viên phải quan tâm thực hiện điều này không chỉ giúp việc sử dụng có ích hơn, hiệu quả hơn cho bản thân mà còn lan tỏa điều đó đến với nhiều người khác, đem lại nhiều điều thiết thực cho cơ quan, địa phương, đơn vị, cho xã hội, cho đất nước.