Thứ Năm, ngày 5 tháng 12 năm 2024

Liên kết phát triển du lịch góp phần nâng cao thương hiệu du lịch Việt Nam

Lãnh đạo ngành du lịch TP Hà Nội, TPHCM và các tỉnh Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung ký kết hợp tác liên kết phát triển du lịch

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 8/8, tại tỉnh Quảng Ngãi đã diễn ra Hội nghị sơ kết Diễn đàn liên kết phát triển du lịch giữa TPHCM, Hà Nội và các tỉnh Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung (Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định).

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Hoàng Tuấn cho hay địa phương cùng với các tỉnh, thành phố cam kết nỗ lực cải thiện môi trường du lịch, hướng đến du lịch xanh và phát triển bền vững. Thời gian tới, Quảng Ngãi xây dựng hệ thống du lịch thông minh, đẩy mạnh tính liên kết trong việc phát triển quy hoạch, kết nối hạ tầng; phát huy giá trị văn hóa di sản, xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch đặc thù.

Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM Bùi Thị Ngọc Hiếu cho biết tháng 10/2021, khi dịch bệnh Covid-19 có những tín hiệu được kiểm soát, TPHCM đã tổ chức kết nối trở lại với các địa phương hoạt động du lịch liên tuyến, liên vùng nhằm thúc đẩy nhu cầu du lịch và phục hồi hoạt động của ngành. Sáu tháng đầu năm 2022, khách du lịch nội địa đến TPHCM đạt khoảng 11 triệu lượt, doanh thu đạt gần 50.000 tỷ đồng. Điều đó cho thấy liên kết vùng thật sự có hiệu quả trong phục hồi hoạt động du lịch của các địa phương.

Theo đồng chí Bùi Thị Ngọc Hiếu, việc liên kết giữa Hà Nội và TPHCM với các tỉnh, thành Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định có ý nghĩa quan trọng vì đây là liên kết giữa hai trung tâm kinh tế - chính trị - văn hóa lớn ở hai đầu đất nước với Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, vùng du lịch giàu tài nguyên và tiềm năng du lịch.

“Với sự độc đáo, đa dạng và phong phú về tài nguyên du lịch tự nhiên có núi, có sông, có biển, có đảo, có di sản văn hoá vật thể và phi vật thể; với nhiều hướng tiếp cận thuận lợi bằng đường hàng không cũng như đường bộ; với nhiều cửa khẩu quốc gia, TPHCM tin rằng, liên kết sẽ tạo ra một sức bật mới, góp phần nâng cao sức cạnh tranh và thương hiệu của du lịch từng địa phương cũng như thương hiệu du lịch Việt Nam trên thị trường du lịch quốc tế.” - đồng chí Bùi Thị Ngọc Hiếu nhấn mạnh.

Các đại biểu cắt băng khai mạc không gian trưng bày giới thiệu sản phẩm du lịch Các đại biểu cắt băng khai mạc không gian trưng bày giới thiệu sản phẩm du lịch

Để việc liên kết phát huy hiệu quả, Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM Bùi Thị Ngọc Hiếu đề xuất từng địa phương cần có kế hoạch cụ thể để triển khai các nội dung liên kết trong thời gian sớm nhất, đặc biệt là việc phát triển ngay các sản phẩm liên kết giữa các địa phương và công tác quảng bá xúc tiến du lịch nhằm gia tăng lượng khách và doanh thu du lịch cho các địa phương; tạo động lực cho doanh nghiệp du lịch và các doanh nghiệp dịch vụ có liên quan triển khai các kế hoạch kinh doanh. Các địa phương cần tổ chức các hoạt động kết nối để doanh nghiệp giữa các địa phương có cơ hội tìm hiểu dịch vụ, sản phẩm cũng như trao đổi các chính sách hợp tác cụ thể, thiết thực nhằm phát huy mối quan hệ hợp tác, tạo ra các chuỗi sản phẩm có chất lượng, giá trị, thật sự mang tính cạnh tranh và hấp dẫn đối với khách du lịch nhằm đưa liên kết vào trong thực tiễn kinh doanh của ngành du lịch và doanh nghiệp.

Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt đề nghị các địa phương trong khối liên kết cần phát huy những thành tựu đã đạt được, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức thời gian tới. Sau 2 năm triển khai, việc liên kết phát triển du lịch TP Hà Nội, TPHCM và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cho thấy vẫn còn rất nhiều dư địa để phát huy vị thế trung tâm du lịch. Thứ trưởng Đoàn Văn Việt đề nghị các địa phương cần quan tâm khai thác sản phẩm liên kết đặc thù cấp vùng, đảm bảo mỗi địa phương có một sản phẩm du lịch mang bản sắc riêng làm điểm nhấn trong tổng thể thương hiệu du lịch vùng.

Đặc biệt, cần tập trung phát triển thị trường và quảng bá, xúc tiến du lịch truyền tải thông điệp “Live fully in Vietnam - Sống trọn vẹn tại Việt Nam” đối với thị trường quốc tế, và “Du lịch an toàn - Trải nghiệm trọn vẹn” đối với thị trường nội địa; chú trọng thu hút đầu tư, hợp tác công-tư, nâng cấp cơ sở vật chất, kỹ thuật, tăng cường nhân lực du lịch, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động du lịch và nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến. Các tỉnh, thành cần đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa của dân tộc. Các ngành, địa phương cần xây dựng những thương hiệu du lịch lớn, mang tầm quốc tế, gắn với vùng đất miền Trung thân thiện.

M.Hiệp


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo