Thứ Sáu, ngày 13 tháng 9 năm 2024

Không để xảy ra tình trạng lạm thu tại các trường trong năm học 2024 - 2025

Quang cảnh chương trình.

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 17/8, Thường trực HĐND TPHCM phối hợp Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM (VOH) thực hiện chương trình phát thanh trực tiếp “Đối thoại cùng chính quyền TP” quý 3 năm 2024 với chủ đề: “TPHCM sẵn sàng cho năm học mới 2024 - 2025”.

Đẩy mạnh chuyển đổi số, thực hiện thí điểm Học bạ số cấp tiểu học

Tại chương trình, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM Nguyễn Văn Hiếu cho biết,  trong năm học 2023 - 2024, TP luôn dành sự ưu tiên đầu tư cho giáo dục, UBND TP đã ban hành Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục TPHCM từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ngành giáo dục đã rất nỗ lực trên nhiều phương diện và đạt được kết quả vượt trội, chất lượng giáo dục phổ thông cả đại trà và mũi nhọn của TP đều được nâng lên; Kỳ thi Học sinh giỏi Quốc gia năm học 2023 - 2024 đoàn TP xếp thứ 2, vượt 10 bậc so với năm học 2022 - 2023; Học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong đạt giải Nhì thuộc lĩnh vực Phần mềm hệ thống tại Hội thi Khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2024 tại Hoa Kỳ. Đây là lần đầu tiên, học sinh TPHCM đạt giải cao nhất sau 12 năm liên tục tham gia sân chơi quốc tế này. Đoàn vận động viên tham gia Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc năm 2024 đạt giải Nhất toàn đoàn, đây là lần thứ 10 liên tiếp TPHCM giữ ngôi vị đầu bảng. Kết quả thi Tốt nghiệp THPT đạt 99,68%, 8 năm liên tục giữ vững vị trí dẫn đầu điểm thi môn Tiếng Anh trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT. TP được công nhận là thành viên mạng lưới “TP học tập toàn cầu UNESCO”.

Đồng chí Nguyễn Văn Hiếu cũng cho biết, năm học 2024 - 2025, ngành giáo dục sẽ tiếp tục phát huy những thành quả đạt được của năm học trước, tập trung khắc phục những tồn tại hạn chế; đẩy mạnh chuyển đổi số trong toàn ngành, thực hiện thí điểm Học bạ số cấp tiểu học; thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá học sinh, hoàn tất lộ trình đổi mới theo CT GDPT 2018 của bậc học phổ thông; đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, lối sống, năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành để một mặt đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, mặt khác phải chú trọng đáp ứng nhu cầu phát triển của người học theo năng lực bản thân, những học sinh có năng khiếu được phát triển tài năng.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, năm  học 2024 - 2025, dự kiến toàn TP tăng 24.097 học sinh (gồm công lập và ngoài công lập), TP sẽ đưa vào sử dụng 23 dự án với 476 phòng học công lập mới, trong đó số phòng học tăng thêm là 412 phòng; đảm bảo 100% trẻ em sinh sống trên địa bàn có đủ chỗ học.

Ở góc độ địa phương được giao thí điểm quản lý sử dụng tài sản công trong trường học, Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp Đào Thị My Thư cho biết, từ năm 2021, các đơn vị giáo dục trên địa bàn quận đã xây dựng Đề án tài sản công đối với việc kinh doanh, cho thuê căn tin, bãi xe (39 đề án), trình Sở Tài chính thẩm định nhưng đến nay chưa đề án nào được phê duyệt. Hiện các trường vẫn tổ chức căn tin, bãi xe để phục vụ hoạt động của đơn vị.

Vừa qua, UBND quận đã đề xuất TP ủy quyền cho Quận phê duyệt Đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê đối với đơn vị sự nghiệp công lập, được UBND TP chấp thuận chủ trương cho quận xây dựng Đề án thí điểm.

Sau khi tổ chức nghiên cứu, UBND quận đã xây dựng Đề án báo cáo UBND TP. Ngày 15/8 vừa qua, UBND TP đã tổ chức họp Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm ủy quyền của quận. “Hiện quận đang điều chỉnh, bổ sung hoàn chỉnh Đề án, hy vọng sớm được xem xét; giúp quận có điều kiện đẩy nhanh tiến độ phê duyệt các đề án sử dụng tài sản công của các đơn vị sự nghiệp.”- đồng chí Đào Thị My Thư cho hay.

Chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo tại các cơ sở giáo dục

Về chương trình sách giáo khoa, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Nguyễn Văn Hiếu cho biết, từ năm học 2024 - 2025, phụ huynh căn cứ trên danh mục sách giáo khoa (SGK) được nhà trường thông báo, công khai để đăng ký mua tại trường hoặc tại các nhà sách, nhà xuất bản. Vì vậy, cha mẹ học sinh, học sinh có thể dễ dàng mua SGK theo hình thức phù hợp.

Ngoài ra, các nhà trường chủ động, linh hoạt tổ chức cho học sinh học tập thuận lợi nhất CT GDPT 2018; tăng cường ứng dụng CNTT, phần mềm quản lý dạy học (LMS), xây dựng kế hoạch bài dạy, chuẩn bị tài liệu hướng dẫn học tập, tăng cường khai thác kho học liệu số,… Trên cơ sở đó, việc trang bị sách bài tập, sách tham khảo là không bắt buộc.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, tại kỳ họp thứ 17, HĐND TP Khóa X đã thông qua Nghị quyết số 13/2024/NQ-HĐND về quy định các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu chi đối với các dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn TPHCM từ năm học 2024 - 2025. Theo đó, Nghị quyết số 13/2024/NQ-HĐND có sự thay đổi so với Nghị quyết số 04/2023/NQ-HĐND, điều chỉnh danh mục từ 26 khoản thu còn 9 khoản thu để phù hợp với các quy định hiện hành.

Trên cơ sở nhiệm vụ được giao, căn cứ quy định tại Nghị quyết số 13/2024/NQ-HĐND và tình hình thực tế các hoạt động giáo dục trên địa bàn TP, hiện nay Sở Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp Sở Tài chính xây dựng nội dung hướng dẫn các khoản thu để các cơ sở giáo dục thực hiện thống nhất trong năm học 2024-2025 và cha mẹ học sinh có cơ sở giám sát việc thực hiện của cơ sở giáo dục; đồng thời chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình thu chi, công tác quản lý cơ sở vật chất đầu năm học tại các cơ sở giáo dục trực thuộc theo phân cấp quản lý, kịp thời chấn chỉnh tình trạng thu các khoản thu không đúng quy định.

Đối với tuyển sinh lớp 10 trên địa bàn TP, đồng chí Nguyễn Văn Hiếu cho biết, Sở đã rà soát số lượng học sinh lớp 9 ở cấp THCS đối chiếu với số học sinh lớp 12 ra trường hàng năm để xác định chỉ tiêu tuyển sinh của các trường THPT, rà soát số lượng tại các trường cao đẳng, trung cấp trực thuộc Sở GDĐT, các TT GDTX, TT GDNN – GDTX để xây dựng phương án, phân bổ chỉ tiêu, đảm bảo đủ chỗ học cho học sinh sau tốt nghiệp THCS trên địa bàn TP.

Năm học 2024 - 2025, cấp THPT tại các TT GDTX có 12.036 chỉ tiêu; tổng số chỉ tiêu 8 trường cao đẳng, trung cấp trực thuộc Sở GDĐT là 10.135 chỉ tiêu. Ngoài ra, học sinh có thể lựa chọn học tại các trường nghề thuộc Sở Lao động Thương binh và Xã hội quản lý hoặc trường tư thục theo nhu cầu.

Bên cạnh đó, ngành giáo dục TP chú trọng nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, chất lượng đào tạo tại các cơ sở giáo dục; bản thân các cơ sở giáo dục trên địa bàn cũng không ngừng chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo của mình để đáp ứng kịp nhu cầu học tập và nâng cao trình độ của học sinh, học viên TP. Sở đã tham mưu UBND TP, HĐND TP về chính sách đặc thù hỗ trợ học phí cho học viên giáo dục thường xuyên trên địa bàn TPHCM; ban hành bảng Hệ thống trường lớp tuyển sinh trong năm học 2024 – 2025 để công khai chỉ tiêu tuyển sinh, chương trình học, học phí và các thông tin khác của các trường tư thục trên địa bàn TP; phụ huynh có thể tham khảo, nghiên cứu và có lựa chọn phù hợp.

Hỗ trợ học phí và các chính sách trong công tác dạy, học

Kết luận tại chương trình, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Cao Thanh Bình kiến nghị ngành giáo dục TP kịp thời tham mưu UBND TP trình HĐND TP ban hành nghị quyết về hỗ trợ học phí và các chính sách trong công tác dạy và học.

Đồng thời, quan tâm, kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện các Nghị quyết của HĐND TP. Qua đó hướng dẫn các địa phương thực hiện tốt công tác hỗ trợ cho học sinh tiểu học ngoài công lập tại các địa bàn không đủ trường công lập, cũng như việc tổ chức thu chi đối với các dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn TP năm học 2024-2025, đảm bảo không vượt quá mức thu quy định tại Nghị quyết và không được cao hơn 15% so với năm học 2023-2024.

Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu, đánh giá, đề xuất những chính sách đặc thù nhằm thu hút, giữ chân, tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ, giáo viên ngành giáo dục yên tâm công tác; Phối hợp chính quyền địa phương đảm bảo bố trí đầy đủ trường lớp, nhân sự, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho công tác dạy và học, nhất là đối với các khối lớp được tổ chức theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Ngoài ra, tiếp  tục quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện cho học sinh diện chính sách, học sinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, học sinh mồ côi, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, không để các em vì khó khăn mà không được đến trường.

Đồng chí Cao Thanh Bình cũng yêu cầu ngành giáo dục và đào tạo phối hợp các địa phương kiểm tra chặt chẽ và thường xuyên theo dõi các trường học cũng như kịp thời nắm bắt dư luận xã hội về hoạt động dạy và học tại các trường, không để xảy ra tình trạng lạm thu tại các trường, tăng cường các hoạt động ngoại khóa, tổ chức nhiều chương trình hành trình đến với các di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật và có nhiều mô hình, sáng kiến trong công tác dạy học các môn lịch sử, địa lý, xã hội để các em tiếp cận kiến thức một cách hiệu quả nhất; quan tâm vấn đề đạo đức học đường, phát huy tốt các tổ tư vấn tâm lý học đường trong nhà trường và sự gắn kết với địa phương kịp thời.

Long Hồ


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo