Thứ Sáu, ngày 20 tháng 12 năm 2024

Khởi công xây dựng Nhà trưng bày kết hợp “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” tại Di tích lịch sử Dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc – Mậu Thân 1968

Các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công xây dựng công trình Nhà trưng bày kết hợp “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” tại Di tích lịch sử Dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc - Mậu Thân 1968.

(Thanhuytphcm.vn) – Ngày 19/12, Đảng ủy Khối Dân – Chính – Đảng TPHCM tổ chức Lễ khởi công xây dựng công trình Nhà trưng bày kết hợp “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” tại Di tích lịch sử Dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc – Mậu Thân 1968 (tại huyện Bình Chánh).

Tham dự có các đồng chí: Trần Văn Nam, Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy Khối Dân – Chính – Đảng TPHCM; Nguyễn Thanh Nhã, Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy huyện Bình Chánh; Nguyễn Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối; Hàng Thị Thu Nga, Phó Bí thư Đảng ủy Khối Dân – Chính – Đảng TPHCM.

Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Đảng ủy Khối Dân – Chính – Đảng TP Trần Văn Nam cho biết, kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025) cũng là dịp để chúng ta tôn vinh, ghi nhớ công lao của những thế hệ đi trước, thể hiện tinh thần “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta bao đời nay. Trên cơ sở đề xuất của Ban Chấp hành Đảng bộ Khối, Thường trực Thành ủy TPHCM đã thống nhất chủ trương cho Đảng bộ Khối thực hiện xây dựng công trình Nhà trưng bày kết hợp “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” tại Di tích lịch sử Dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc – Mậu Thân 1968.

Các đại biểu chụp hình lưu niệm tại chương trình. Các đại biểu chụp hình lưu niệm tại chương trình.

Đây là nơi 56 năm về trước, vào đêm ngày 15/6/1968, tại địa danh đồng bưng Láng Cát, xã Vĩnh Lộc, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, 32 dân công, trong đêm trắng đã anh dũng hy sinh khi tuổi mới đôi mươi trong trận oanh kích của địch. 32 dân công đã hy sinh trong tư thế che chở cho nhau mà trên tay mình không có vũ khí phòng thân. Sự hy sinh của những dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc chân trần, chí thép là biểu tượng ngời sáng về tinh thần yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.

“Năm tháng trôi qua, nhưng sự kiện “Đêm trắng Vĩnh Lộc” mãi mãi là trang sử oanh liệt nhất của quê hương Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh anh hùng. 32 dân công hỏa tuyến với tuổi đời còn rất trẻ đã anh dũng, bất khuất, kiên cường ngã xuống, góp phần đem lại nền độc lập tự do cho dân tộc Việt Nam” – đồng chí Trần Văn Nam nhấn mạnh.

Phối cảnh công trình Nhà trưng bày kết hợp “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” tại Di tích lịch sử Dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc - Mậu Thân 1968. Phối cảnh công trình Nhà trưng bày kết hợp “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” tại Di tích lịch sử Dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc - Mậu Thân 1968.

Theo đồng chí Trần Văn Nam, công trình Nhà trưng bày kết hợp “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” tại Di tích lịch sử Dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc – Mậu Thân 1968 sau khi hoàn thành, là nơi trưng bày, tuyên truyền, giáo dục về truyền thống cách mạng, lòng biết ơn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng bào, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là niềm tự hào, là trách nhiệm để mỗi người trong chúng ta ra sức giữ gìn và xây dựng đất nước, xây dựng TPHCM văn minh, hiện đại, nghĩa tình, vững bước cùng dân tộc bước vào kỷ nguyên vươn mình.

Theo dự kiến, công trình Nhà trưng bày kết hợp “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” tại Di tích lịch sử Dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc – Mậu Thân 1968 sẽ hoàn thành vào tháng 3/2025.

Ng. Nam


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo