Thứ Sáu, ngày 27 tháng 12 năm 2024

Khai thác lợi thế sông nước thành phố phát triển du lịch, giao thông thủy

Hệ thống ca nô du lịch đường thủy kết nối từ trung tâm TPHCM đến Củ Chi, Quận 9, Cần Giờ và liên tuyến kết nối với tỉnh Bình Dương
(Thanhuytphcm.vn) - TPHCM có hơn 100 tuyến sông, kênh, rạch với khoảng 1.000km đường sông bao quanh. Đây là lợi thế để TPHCM phát triển giao thông thủy nhằm giảm áp lực cho giao thông đường bộ; đồng thời cũng là cơ hội phát triển sản phẩm du lịch đường thủy nhằm phục vụ du khách thưởng ngoạn cảnh sông nước.

Nhiều sản phẩm du lịch đường thủy ra đời

Nhằm phát triển sản phẩm du lịch đường thủy trên địa TPHCM, thời gian qua, Sở Du lịch TP tham mưu UBND TP ban hành và triển khai thực hiện kế hoạch 3546/KH - UBND về phát triển sản phẩm du lịch đường thủy TPHCM giai đoạn 2017 - 2020. Trong đó, tập trung 2 nhóm giải pháp cơ bản là cải thiện, nâng cao các sản phẩm du lịch hiện có và đầu tư xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch đường thủy mới (tuyến du lịch đi Quận 7; tuyến du lịch đi Quận 5, 6 và 8; tuyến du lịch đi Quận 9). Bên cạnh đó, Sở Du lịch TP thường xuyên nắm bắt, phối hợp với các doanh nghiệp kinh doanh, khai thác du lịch đường thủy trong việc hình thành, xây dựng và quảng bá sản phẩm cũng như hỗ trợ giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp.

Cụ thể, Sở Du lịch TP đã định hướng cho các doanh nghiệp lữ hành, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch đường thủy khảo sát, xây dựng cũng như nâng cao chất lượng các sản phẩm, chương trình du lịch đường thủy trên địa bàn TP. Theo đó, trong tháng 9/2017, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn đã cho ra mắt và giới thiệu chào bán cho khách du lịch 5 tuyến du lịch đường thủy kết nối từ trung tâm TP đến Củ Chi, Quận 9, Cần Giờ và liên tuyến kết nối với tỉnh Bình Dương. Trước đó, vào tháng 9/2015, TPHCM đã đưa vào hoạt động tuyến du lịch đường thủy nội đô trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè bằng thuyền từ bến thuyền ở đường Hoàng Sa, phường Đa Kao, Quận 1 (góc chân cầu Thị Nghè) đi dọc kênh về hướng quận Tân Bình và dừng tại điểm cuối gần cầu Lê Văn Sỹ, phường 7, Quận 3 và ngược lại.

Theo Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) Trần Hùng Việt, với tốc độ tăng trưởng cao của du lịch TP, trong tương lai không xa hàng năm TP sẽ đón khoảng 10 triệu lượt khách quốc tế và hàng chục triệu lượt khách trong nước. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với ngành du lịch TP. Chính vì thế, việc tăng cường phát triển các dòng sản phẩm du lịch mới, trong đó có du lịch đường sông là thực sự cần thiết và cấp bách. TP sẽ có cơ hội hàng năm mang lại thêm doanh thu hàng trăm triệu USD nếu khai thác đúng và đủ lợi thế du lịch đường sông, là cơ hội gia tăng lợi thế cạnh tranh, xây dựng thương hiệu điểm đến TPHCM yêu thích trong lòng du khách trong và ngoài nước.

Ông Trần Hùng Việt cho biết: Trong những năm gần đây, du lịch đường sông nằm trong chiến lược phát triển của hệ thống Saigontourist. Hiện nay, có nhiều đơn vị thành viên Saigontourist tham gia khai thác loại hình du lịch đường sông, gồm 3 đơn vị chủ lực là Làng Du lịch Bình Quới, Công ty dịch vụ lữ hành Saigontourist và Khu Du lịch Vàm Sát. Bên cạnh đầu tư tàu thuyền, ca nô, khai thác các tuyến điểm mới, hệ thống Saigontourist còn tham gia đầu tư cầu tàu, bến đỗ, với các cầu tàu hiện đang khai thác tại Khu Du lịch Tân Cảng, Khu Du lịch Bình Quới 2 và sắp tới sẽ là dự án Bến tàu du lịch Nam Sài Gòn tại Quận 7.

Để phát triển du lịch đường sông, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM Bùi Tá Hoàng Vũ cho hay: Sở Du lịch TP và Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP sẽ tập trung khuyến khích các doanh nghiệp trong đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng, đặc biệt là các bến đón và trả khách, bến đậu phục vụ hậu cần. Hiện tại, ở Bến Bạch Đằng đã hoàn chỉnh cầu tàu số 1 và 2, để các phương tiện đường thủy tiếp cận và đón du khách khu vực trung tâm TP. Đồng thời, hoàn chỉnh quy hoạch và kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư hình thành các điểm đến bổ trợ thêm, làm phong phú thêm sản phẩm du lịch khi du khách chọn giao thông thủy và phương tiện đường thủy. Mặt khác, phối hợp với Sở GTVT TP và các Sở, ngành liên quan về việc giải quyết các kiến nghị của Công ty Thuyền Sài Gòn về nội dung bến bãi đỗ xe và chiếu sáng của tuyến nội đô Nhiêu Lộc - Thị Nghè nhằm thúc đẩy sản phẩm du lịch đường thủy nội đô.

Phát triển giao thông thủy kết hợp du lịch

Cùng với ngành du lịch, thời gian qua, ngành giao thông TP cũng đã kêu gọi đầu tư phát triển hệ thống giao thông thủy nhằm khai thác lợi thế sông nước của TP để chia tải cho hệ thống giao thông đường bộ. Cụ thể, vào tháng 11/2017, Sở GTVT TP phối hợp Công ty TNHH Thường Nhật chính thức công bố vận hành đưa vào khai thác tuyến buýt đường sông đầu tiên Bến Bạch Đằng - Linh Đông. Ngoài ra, nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân giữa TPHCM - Cần Giờ - Vũng Tàu và ngược lại; đồng thời phát triển du lịch đường thủy, chia bớt áp lực ùn tắc giao thông đối với đường bộ, hạn chế xe cá nhân, ngày 10/2 vừa qua, Sở GTVT TP và Công ty Công Nghệ Xanh DP đưa vào khai thác tuyến tàu cao tốc từ trung tâm TPHCM đi huyện Cần Giờ và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Tuyến buýt đường sông Bến Bạch Đằng - Linh Đông vừa đưa vào khai thác cuối năm 2017 Tuyến buýt đường sông Bến Bạch Đằng - Linh Đông vừa đưa vào khai thác cuối năm 2017

Theo Giám đốc Sở GTVT TPHCM Bùi Xuân Cường, TPHCM với hệ thống sông, kênh, rạch rất thuận lợi cho phát triển giao thông đường thủy. Xác định được thế mạnh đó, trong các chương trình hành động đột phá của Thành ủy giai đoạn 2010 - 2015 và giai đoạn 2015 - 2020 về giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông đã đặt ra nhiệm vụ phải khai thác hiệu quả hoạt động vận tải bằng đường thủy nội địa để kết nối với các loại hình vận tải bằng đường biển, đường bộ, đường sắt đô thị… nhằm đa dạng hóa các loại hình, giảm bớt áp lực giao thông đường bộ. Để hoàn thành nhiệm vụ đặt ra, TP đã tập trung đẩy mạnh phát triển mạng lưới giao thông đường thủy bằng nhiều hình thức như hoàn thiện quy hoạch; đầu tư nâng cấp các tuyến đường thủy nội địa… Song song đó là phát triển vận tải bằng đường thủy, đặc biệt là phát triển các loại hình vận tải hành khách công cộng bằng phương tiện vận tải thủy hiện đại, an toàn, thân thiện môi trường.

Kỹ sư Hà Ngọc Trường, Phó Chủ tịch Hội Cầu đường cảng TPHCM phân tích: Nếu TP khai thác được hình thức vận tải bằng đường thủy sẽ mang lại nhiều ưu điểm so với các loại hình vận tải khác. Bởi vì, loại hình vận tải đường thủy có môi trường sạch, không ùn tắc giao thông; đồng thời loại hình vận tải này kết hợp với phát triển du lịch rất tốt, nhất là gần đây TPHCM có chủ trương phát triển du lịch đường sông. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả hệ thống giao thông đường thủy cần hình thành mạng lưới giao thông thủy hoàn chỉnh.

Đình Lý

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo