Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Khai mạc hội nghị Kết nối cung - cầu giữa TPHCM và các tỉnh thành năm 2021

Các đại biểu TPHCM thực hiện nghi thức khai mạc hội nghị

(Thanhuytphcm.vn) – Sáng 2/12, Hội nghị Kết nối cung - cầu giữa TPHCM và các tỉnh thành năm 2021 do Sở Công thương TPHCM tổ chức đã khai mạc tại Nhà thi đấu Thể dục Thể thao Phú Thọ (Quận 11) theo hình thức trực tuyến kết nối với 29 tỉnh, thành. Hội nghị có sự tham gia của Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải; Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng; Giám đốc Sở Công thương TPHCM Bùi Tá Hoàng Vũ.

Phát biểu tại điểm cầu Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải biểu dương và đánh giá cao vai trò của TPHCM trong việc phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Trung ương nhằm kiểm soát dịch bệnh và từng bước phục hồi kinh tế cũng như liên kết với các tỉnh, thành phố, doanh nghiệp (DN), hiệp hội... trong cả nước tiêu thụ hàng hoá, kiềm chế lạm phát và tăng trưởng bán lẻ, phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân. Để nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình, hỗ trợ DN phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là giai đoạn phục hồi sau dịch bệnh Covid-19, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải đề nghị UBND TP, Sở Công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các DN tập trung nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình hợp tác thương mại, nhất là các Chương trình bình ổn thị trường và chương tìrnh kết nối cung cầu hàng hóa tại địa phương thông qua việc tập trung vào hỗ trợ phát triển thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông sản, thực phẩm thiết yếu; định hướng mở rộng tiêu thụ hàng hóa qua kênh xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp tiêu dùng, gia dụng, các sản phẩm OCOP; Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ Công thương đẩy mạnh hơn nữa việc kết nối cung – cầu trên các nền tảng kỹ thuật số, kinh tế số và sàn thương mại điện tử; Tiếp tục thực hiện nghiêm nội dung của Chỉ thị số 12/CT-BCT ngày 12/11/2021 của Bộ Công thương về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm và Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng nhấn mạnh hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa giữa TPHCM và các tỉnh, thành là một sáng kiến quan trọng trong việc giúp tìm kiếm đầu ra một cách phù hợp, hiệu quả cho các sản phẩm nông nghiệp của các địa phương. Chương trình được triển khai từ năm 2012, đến nay đã cơ bản đáp ứng kỳ vọng ban đầu, các hệ thống phân phối TPHCM đã tìm được nhiều nhà cung cấp uy tín, các sản phẩm chất lượng, đặc sản vùng miền từ các địa phương để cung ứng cho người tiêu dùng, từ đó giải quyết đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp.

Khách tham quan tìm hiểu sản phẩm tại các gian hàng Khách tham quan tìm hiểu sản phẩm tại các gian hàng

Để thực hiện mục tiêu của chương trình và tiếp tục tạo niềm tin cho DN an tâm đầu tư, sản xuất, mở rộng thị trường trong giai đoạn phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, đồng chí Phan Thị Thắng yêu cầu Sở Công thương TP tiếp tục phối hợp chặt chẽ Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các tỉnh, thành tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, ứng dụng thương mại điện tử để hỗ trợ đắc lực cho hoạt động kết nối cung cầu; kết hợp giữa phương thức phân phối hiện đại - thương mại điện tử và phương thức phân phối truyền thống để đảm bảo ổn định sản xuất, lưu thông hàng hóa, thúc đẩy khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, chủ động thích ứng với mọi tình huống biến động. Duy trì và củng cố kênh phân phối trực tiếp truyền thống như chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi… Đồng thời, thúc đẩy khai thác phân phối trực tuyến trên các website, các sàn thương mại điển tử, hỗ trợ, hướng dẫn DN sản xuất, cung ứng mở rộng, tiếp cận kênh phân phối mới, từng bước thực hiện chuyển đổi số. Xây dựng và triển khai hiệu quả đề án logistics, nhằm chủ động và tạo điều kiện thuận lợi nhất trong dự trữ, vận chuyển, lưu thông hàng hóa xuyên suốt từ sản xuất, nuôi trồng đến phân phối, giảm chi phí trung gian nâng cao hiệu quả hoạt động của các chuỗi cung ứng, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Bên cạnh đó, cần khuyến khích DN Thành phố phân phối, hỗ trợ, hướng dẫn cho các Hợp tác xã nông nghiệp, hộ nông dân thông qua hoạt động đào tạo quy trình, kỹ thuật nuôi trồng theo chuẩn VietGap, GlobalGap, truy xuất nguồn gốc… Ưu tiên hỗ trợ tiêu thụ, bao tiêu các mặt hàng nông sản, đặc sản đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, sản phẩm OCOP, sản phẩm được sản xuất nuôi trồng theo quy trình VietGap, GlobalGap; định hướng sản xuất theo nhu cầu thị trường.

Hội nghị có sự tham gia 500 gian hàng trực tiếp của cộng đồng DN, trưng bày và giới thiệu những sản phẩm đặc sản, thế mạnh của địa phương; trình diễn những nét đặc sắc của TPHCM, 20 tỉnh, thành tham gia triển lãm 92 gian hàng thực tế ảo. Các nhóm ngành hàng được tập trung giới thiệu như: sản phẩm bình ổn thị trường, sản phẩm chủ lực, sản phẩm, dịch vụ được bình chọn “Thương hiệu Vàng TPHCM năm 2020”. Chương trình kéo dài 4 ngày (từ ngày 2 đến 5/12) với sự tham gia của 600 doanh nghiệp đến từ 45 tỉnh thành cùng các hệ thống phân phối, điểm bán trên địa bàn TPHCM.

Tại hội nghị còn có nhiều hoạt động thiết thực như: Giới thiệu phương thức kinh doanh trên sàn thương mại điện tử; hội thảo chuyên đề “Hỗ trợ tiêu thụ, xuất khẩu hàng hóa thông qua sàn thương mại”; hội nghị các nhà cung ứng “Tiếp xúc, giải đáp, kết nối giữa các doanh nghiệp phân phối, doanh nghiệp thương mại điện tử và đơn vị cung ứng tiềm năng”… 

Minh Hiệp


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo