Phát triển hạ tầng kỹ thuật, hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại
Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Được đánh giá, chiến lược hạ tầng giao thông là một trong những chiến lược phát triển hạ tầng quan trọng, vì giao thông sẽ đánh giá mức độ, trình độ phát triển của quốc gia. Nếu tập trung đầu tư cho giao thông trong thời gian tới, sẽ có hệ thống giao thông căn cơ phục cho sự phát triển của TP. Đồng chí Nguyễn Văn Được nhấn mạnh, lãnh đạo TP sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ này, để phát triển hạ tầng kỹ thuật, hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại.
Báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Giao thông Công chánh Trần Quang Lâm cho biết, hiện Sở đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành và đưa vào sử dụng 16 dự án/gói thầu dự án trọng điểm, trong đó ưu tiên dự án kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; Hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư và khởi công ít nhất 1 dự án áp dụng hợp đồng BOT theo Nghị quyết số 98/2023/QH15; Triển khai công tác chuẩn bị đầu tư các dự án đường sắt đô thị theo Nghị quyết số 188/2025/QH15; Các dự án giao thông trọng điểm, kết nối vùng và các dự án chuẩn bị đầu tư đã được UBND TP giao Sở Giao thông Công chánh là cơ quan chuẩn bị dự án (76 dự án giao thông, 42 dự án hạ tầng kỹ thuật).
Về phương án phát triển mạng lưới giao thông, TP triển khai các dự án cao tốc bắt đầu từ Vành đai 3 kết nối với các tỉnh lân cận, gồm 4 đường CT, khoảng 63,0km; Đường Vành đai có khoảng 132,2km, gồm Vành đai 2 dài 64,0km, khép kín tiêu chuẩn trục chính đô thị; Vành đai 3 dài 47,1km, đường cao tốc, quy mô 8 làn xe; Vành đai 4 dài 21,1km, đường cao tốc, quy mô 8 làn xe; Đường Quốc lộ gồm 4 tuyến hiện hữu và 1 tuyến mới; Đường sắt đô thị có 10 tuyến metro dài 510,02km; 1 tuyến ven sông và 1 tuyến tiềm năng kết nối Cần Giờ.
Về Cảng biển, TP quy hoạch thành cảng tiềm năng đặc biệt, bổ sung khu bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ tại xã Thạnh An, tiếp nhận được tàu 24.000 TEU (250.000 DWT). Tổng kinh phí đầu tư dự kiến trong giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 970.654 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách Thành phố khoảng 399.729 tỷ đồng.
Hiện nay, Sở Giao thông Công chánh và các sở ngành, đơn vị liên quan triển khai các nhiệm vụ theo Kế hoạch thực hiện Đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ và Kế hoạch triển khai dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Giám đốc Sở Giao thông Công chánh Trần Quang Lâm báo cáo tại buổi làm việc.Về nhiệm vụ năm 2025, Sở Giao thông Công chánh tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư đối với 140 dự án lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, giao thông (gồm 98 dự án giao thông, 42 dự án hạ tầng kỹ thuật). Dự kiến quý II/2025 sẽ trình thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư 22 dự án (gồm các dự án quy mô lớn như cầu Thủ Thiêm 4, cầu Cần Giờ, đường Vành đai 4, Vành đai 2 – đoạn 4, đường nối nút giao thông Gò Dưa đến cao tốc TPHCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành; đường liên cảng Cát Lái – Phú Hữu; các nút giao cao tốc Bến Lức – Long Thành với Quốc lộ 50, đường Nguyễn Văn Tạo, đường Rừng Sác; nút giao thông Gò Công – Xa lộ Hà Nội…); đồng thời phối hợp các Ban Quản lý dự án, UBND các quận huyện tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi/Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh, Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư/Báo cáo đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với 118 dự án còn lại (gồm 76 dự án giao thông, 42 dự án hạ tầng kỹ thuật).
Bên cạnh đó, TP triển khai Dự án Xây dựng trạm sạc điện phục vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tại các bến, bãi trên địa bàn TP với tổng mức đầu tư 386,7 tỷ đồng, dự kiến sẽ triển khai từ năm 2025 đến năm 2026.
Giám đốc Sở Giao thông Công chánh Trần Quang Lâm kiến nghị UBND TP chỉ đạo Sở Tài chính tham mưu, trình UBND TP điều chỉnh, bổ sung, thay thế các quy định do không còn phù hợp với Luật Đầu tư công 2024; Luật sửa đổi Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Đồng thời, chỉ đạo Sở Xây dựng sớm chủ trì triển khai công tác lập Quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật đô thị; lập, điều chỉnh các đồ án Quy hoạch phân khu trên địa bàn TP làm cơ sở phê duyệt các dự án đầu tư phát triển hạ tầng.
Lãnh đạo Sở Giao thông Công chánh cũng kiến nghị UBND TP chỉ đạo các Sở ngành quan tâm, phối hợp Sở Giao thông Công chánh trong quá trình rà soát, kiện toàn các Tổ công tác liên ngành thực hiện các dự án PPP lĩnh vực giao thông.
Đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường cho rằng, đến thời điểm này các sở, ngành đã có kế hoạch công việc khá rõ, vì vậy các đơn vị cần tập trung triển khai. Đồng chí Bùi Xuân Cường yêu cầu Sở Giao thông Công chánh phối hợp Sở Xây dựng rà soát quy hoạch và mạnh dạn đề xuất đầu tư công trình mang tính đồng bộ và tích hợp, ưu tiên các công trình trọng điểm. Đồng thời, phải đặc biệt ưu tiên giải phóng mặt bằng trong năm 2025, đạt kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2025. Trong quá trình triển khai các công trình trọng điểm, Sở Giao thông Công chánh và các đơn vị liên quan tập trung tháo gỡ những vướng mắc còn lại. Đồng thời, trong quá trình triển khai các dự án phải kiểm soát, quản lý việc xây dựng, thi công đảm bảo tiến độ và chất lượng các công trình. Việc khai thác, vận hành và bảo trì các công tình giao thông làm sao để thuận tiện, an toàn, tiết kiệm chi phí, đảm bảo các tiêu chí xanh, số.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Được nhấn mạnh, giao thông đóng vai trò quan trọng, chính yếu trong đầu tư công của TP, mở ra dư địa phát triển, khơi thông nguồn lực của địa phương. Từ quan điểm đó nên toàn bộ hệ thống chính trị của TP phải tập trung phát triển giao thông. Các cơ quan, đơn vị phải xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, chính trị quan trọng để thực hiện.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Được đề nghị, nhiệm vụ trọng tâm của TP là đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông nguồn lực để phát triển. Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Được yêu cầu các đơn vị phải đổi mới tư duy theo hướng chủ động, năng động, sáng tạo, linh hoạt và vận dụng tính tự lực, tự cường trong công việc. TP sẽ huy động mọi nguồn lực để phát triển, ngành tài chính phải là chủ công trong việc sắp xếp nguồn lực để phát triển giao thông.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Được cũng yêu cầu các đơn vị nghiên cứu xây dựng các đường trên cao trong nội thành để hạn chế kẹt xe, ùn tắc giao thông, trên tinh thần ngành tài chính phải ưu tiên nguồn vốn cho giao thông. Bên cạnh đó, TP cần quan tâm phát triển liên kết vùng đồng bộ, hiện đại; Quan tâm phát triển giao thông xanh, tạo TP xanh, giảm ô nhiễm, trong đó lưu ý việc xã hội hóa để giảm chi phí ngân sách.