Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024

Hỗ trợ người yếu thế trong dịch Covid-19: Hướng tiếp cận dựa vào năng lực cộng đồng

Bệnh nhân tại khu cách ly, bệnh viện dã chiến hưởng ứng chương trình biểu diễn văn nghệ của các văn nghệ sĩ TPHCM

(Thanhuytphcm.vn) - Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư đã làm bộc lộ rất nhiều vấn đề xã hội cũng như quy trình ứng phó với rủi ro của cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và mỗi người dân. Mới đây, PGS.TS Nguyễn Đức Lộc cùng cộng sự thuộc Viện Nghiên cứu Đời sống Xã hội (Social Life) đã tiến hành khảo sát về đời sống người dân, đặc biệt là các nhóm yếu thế, người di cư mắc kẹt tại Thành phố. Nghiên cứu đưa ra dự báo tình hình, đồng thời đề xuất giải pháp cho các vấn đề đặt ra hiện nay.

Cần “lưới” an sinh đủ rộng

Theo nhóm nghiên cứu, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, các nhóm yếu thế gặp khó khăn trong tiếp cận nhu yếu phẩm, dịch vụ thiết yếu, kết nối thông tin... “Từ ngày 9/7/2021, khi nhận thấy những vấn đề căng thẳng xã hội tại TPHCM, chúng tôi đã lần lượt gửi những đề xuất đến các thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống dịch TPHCM, thông qua Tổ tư vấn hoặc các cơ quan chức năng phụ trách an sinh xã hội. Lúc đó chúng tôi dự báo người nghèo và cận nghèo đã không còn khả năng cầm cự; phòng tuyến y tế vẫn được coi là nơi quan trọng nhất vừa truy quét, phát hiện, tấn công các ổ dịch nhưng chính phòng tuyến những người yếu thế mới dễ bị xuyên thủng diện rộng nhất trên tuyến trận chống dịch. Nếu không có lưới an sinh đủ rộng sẽ dẫn đến các hiệu ứng domino căng thẳng xã hội… Do đó, để đảm bảo phòng tuyến này vững vàng, phải dựa vào sự góp sức tổng lực của mạng lưới cứu trợ xã hội của cả nhà nước và tư nhân”, PGS.TS Nguyễn Đức Lộc chia sẻ.

Theo nhóm nghiên cứu, về cơ bản, chính sách hỗ trợ cho các nhóm lao động khu vực chính thức hay các nhóm chính sách đã có hồ sơ an sinh khá dễ dàng, phù hợp với các nguyên tắc chi tiêu công. Ngược lại, hỗ trợ nhóm có đời sống bấp bênh nhất là lao động phi chính thức, người di cư lại khó khăn hơn rất nhiều do không thể đảm bảo các quy trình thủ tục, hồ sơ xác minh mà cơ quan quản lý đặt ra. Trong đó, riêng nhóm lao động di cư từ nông thôn ra đang mắc kẹt tại TP thường không nhận được hỗ trợ kịp thời của nơi ra đi cũng như của nơi đến. Trong tình hình cấp bách hiện nay, với số lượng người cần hỗ trợ, cứu trợ lớn chưa từng có, cần một chiến lược riêng chứ không thể lồng ghép. Chiến lược này có tầm quan trọng tương đương với truy vết, xét nghiệm, giãn cách xã hội, bởi vì đảm bảo ngưỡng sinh tồn chính là cách duy nhất để cho người dân ở nhà.

Dựa vào thiết chế truyền thống của cộng đồng

Nhóm nghiên cứu đề xuất cách thức cứu trợ dựa trên nguyên tắc hiệp lực công – tư, huy động nguồn lực xã hội cho công tác cứu trợ, huy động sức mạnh cộng đồng, nhằm bao phủ, nhanh chóng đến được với các nhóm yếu thế, lao động phi chính thức, người di cư. Các hạng mục chính trong việc hỗ trợ theo nhóm nghiên cứu bao gồm: Tổ chức Tổ Covid cộng đồng; mô hình Trạm cứu tế cộng đồng; quy trình hỗ trợ cho các nhóm lao động nhập cư, lao động phi chính thức; hỗ trợ tinh thần, đời sống tâm linh cho người dân.

Đoàn cán bộ, học viên, sinh viên Trường Đại học Y dược Cần Thơ lên đường hỗ trợ TPHCM ngày 27/8 Đoàn cán bộ, học viên, sinh viên Trường Đại học Y dược Cần Thơ lên đường hỗ trợ TPHCM ngày 27/8

PGS.TS Nguyễn Đức Lộc cho hay “Tổ Covid cộng đồng là loại hình mới xuất hiện trong bối cảnh dịch Covid-19 được Bộ Y tế ban hành văn bản hướng dẫn nhằm dựa vào thiết chế truyền thống của cộng đồng để kết nối người dân tham gia tuyên truyền phòng chống dịch. Nhiều địa phương đã vận hành mô hình này khá hiệu quả, nhưng cũng có địa phương chỉ dừng lại về mặt hình thức trên cơ sở sáp nhập với Tổ dân phố. Trong khi đó, nhân sự ban điều hành khu phố chủ yếu là những người lớn tuổi, vốn được xem là đối tượng dễ bị nhiễm bệnh và chuyển biến nặng. Chính vì vậy, chúng tôi xin gợi ý một số nội dung nhằm cải tiến năng lực Tổ Covid cộng đồng trên cơ sở mô phỏng thiết chế cộng đồng truyền thống”.

Theo đó, thiết chế truyền thống ở các làng xã, khu phố vẫn đang là mạch nguồn quan trọng giúp duy trì đời sống cộng đồng, ngay cả trong các ngõ phố ở đô thị. Trong đại dịch, các thiết chế này đang phát huy vai trò của mình. Bởi mỗi cộng đồng có năng lực khác nhau và họ hiểu được những nguồn lực họ đang có để bảo vệ sức khỏe và sinh mạng của mình. Khi dịch bệnh đến, cơ chế phòng thủ của cộng đồng được kích hoạt, thông tin nội bộ vận hành thông suốt. Vai trò của người có uy tín trong cộng đồng được đề cao. Họ bàn bạc thống nhất với nhau nhanh chóng trong cách thức tổ chức cộng đồng, cử đại diện nhận hỗ trợ, cứu trợ.

Trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ hoặc siết chặt hơn (tạm gọi là 16+), cần khẩn cấp cứu trợ người nghèo theo cách phù hợp nhất với tình hình hiện nay, cần tổ chức các mô hình trạm cứu tế, trạm trú ẩn cộng đồng đặt tại các tổ dân phố, thôn xã để hỗ trợ lương thực thực phẩm, thuốc men cơ bản. Các trạm này sử dụng cả ngân sách nhà nước và kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức từ thiện, tổ chức tôn giáo tham gia cùng hỗ trợ.

Lao động di cư là nhóm dễ tổn thương nhất trong đời sống đô thị

Đối với các nhóm lao động di cư, đây là nhóm sống bấp bênh nhất và cũng không có mối quan hệ chặt chẽ với các thiết chế cộng đồng tại cả nơi đi và nơi đến. Họ cần một cách cứu trợ khác dựa vào mạng lưới xã hội đặc thù của họ nhằm khắc phục một thực tế là từ trước tới nay các tổ dân phố tại nơi họ đang cư trú hoặc chính quyền nơi họ ra đi thường không có thông tin về đời sống người di cư. Nhóm lao động di cư là nhóm dễ tổn thương nhất trong đời sống đô thị hiện nay, thu nhập thấp, chỗ ở chật chội... Mặc dù khó khăn như vậy, nhưng người di cư vẫn có đóng góp vào cho đô thị, đồng thời tiết kiệm gửi về quê. Do đó trong nghiên cứu của mình, các chuyên gia đề xuất chính quyền đô thị (nơi người di cư đang cư trú) cần có chính sách hỗ trợ người di cư không chỉ vì lý do nhân đạo, đảm bảo ổn định xã hội; mà còn vì hai lẽ, người di cư đã có đóng góp vào xây dựng TP và gửi tiền về quê hương, và việc đảm bảo ngưỡng an sinh tối thiểu cho người di cư chính là đảm bảo nguồn lao động cho TP sau đại dịch.

Nhóm nghiên cứu đề xuất cách thức cứu trợ dựa trên nguyên tắc hiệp lực công – tư, huy động nguồn lực xã hội cho công tác cứu trợ. Trong ảnh: Hội Chữ thập đỏ TPHCM và các đơn vị doanh nghiệp, mạnh thường quân chăm lo cho người dân khó khăn Nhóm nghiên cứu đề xuất cách thức cứu trợ dựa trên nguyên tắc hiệp lực công – tư, huy động nguồn lực xã hội cho công tác cứu trợ. Trong ảnh: Hội Chữ thập đỏ TPHCM và các đơn vị doanh nghiệp, mạnh thường quân chăm lo cho người dân khó khăn

“Kết quả khảo sát của chúng tôi cho thấy đa phần người dân tiếp nhận quá nhiều thông tin khác nhau tràn ngập trên các mạng xã hội như facebook, youtube, tiktok… hơn là các kênh truyền thông chính thống. Nhiều người dân không nắm được thông tin về dịch bệnh, đời sống xã hội, thậm chí nhiễu loạn. Đặc biệt các gia đình có người thuộc nhóm có nguy cơ lây nhiễm hoặc nguy cơ tử vong cao khi nhiễm bệnh như những người lớn tuổi, có bệnh nền, lao động phổ thông thì lo lắng nhiều hơn…

Do đó, chính quyền cơ sở cần giữ đầu mối liên kết, tương tác với người dân thông qua các nhóm “Truyền thông nội bộ” ở các tổ dân phố, thôn xóm giúp tránh hoang mang vì nhiễu loạn, đứt gãy thông tin, đặc biệt là thông tin cấp cứu, cứu trợ”, PGS.TS Nguyễn Đức Lộc đề xuất. Ông cho rằng, chính quyền cấp cơ sở có thể cử các đại diện tổ dân phố, đoàn thể gửi tin nhắn vào nhóm Zalo của cư dân, giải đáp thắc mắc trực tiếp. Đây là cơ hội để các chính quyền cơ sở gần dân, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân cũng như để người dân cùng tương tác, sẻ chia, giảm stress cho cả hai bên khi công tác chống dịch kéo dài và nhiều căng thẳng.

Theo nhóm nghiên cứu, viễn tưởng xã hội cho một thực tại con người sống chung với dịch bệnh là điều không ai mong muốn. Nhưng dịch bệnh còn kéo dài và có một số xu hướng có thể gây tổn thương cho các nhóm yếu thế như: Người di cư trở về nông thôn trong ngắn hạn gặp khó khăn, thiếu việc làm; xu hướng số hóa đi kèm với rủi ro về an toàn thông tin và phân tầng xã hội sẽ mạnh mẽ hơn; thương tổn, sang chấn tâm lý; thiếu đói ở các nhóm nghèo ít người (như vùng sâu vùng xa, dân tộc thiểu số,…) sẽ ít được quan tâm hơn do tình hình dịch bệnh căng thẳng.

Vì vậy, các tỉnh, TP cần có các phương án tái thiết đời sống xã hội, đảm bảo an dân mà hạt nhân là từng cộng đồng làng xã, tổ dân phố. Theo đó, lực lượng tuyến đầu chống dịch, đảm bảo an sinh cho người dân thì các bộ phận khác cũng tiến hành song song các phương án cho tình hình tái thiết, phát triển kinh tế khi tình hình ổn định…

Anh Huy


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo