Đường Sách TPHCM trở thành điểm hẹn lý tưởng, tạo nên thương hiệu cho TPHCM trong việc lan toả văn hóa đọc. 1. Ở đây sao cứ muốn mở lòng...
Thuở nhỏ còn ở Hà Nội, Hải Phòng, thời chiến tranh, khi đi sơ tán lên rừng hay về nông thôn tránh bom Mỹ, chúng tôi phải tần ngần rất lâu vì phải lựa chọn đem cái gì theo trong ba lô. Thế nào cũng phải đem cuốn “Bông hồng vàng” của nhà văn Nga Pautopxki - vì ngày ấy ai cũng đọc, ai cũng mê. Hình như có thời “cả nước” đọc chung những cuốn sách, cùng xem những cuốn phim và hát chung những bài hát.
Chẳng đứa trẻ nào không đọc “Dế mèn phiêu lưu ký” của Tô Hoài. Cũng như “Marutxia đi học” hay “Vichia maleep - ở nhà và ở trường”. Không ai đi ngủ mà không nghe “Tiếng thơ” với giọng ngâm thần thánh của bà Trần Thị Tuyết (bà vừa mất cách nay ít ngày). Mà nghe qua loa đầu đường - vang trong đêm phố ngập ánh trăng vì đèn đã tắt - khi nhà nào cũng lắng lòng dõi theo những đứa con hành quân ra trận không biết có còn về: Đêm nay nằm trên đường rừng nó có đang cùng nghe?
Rồi thời gian như chớp mắt, đến từ bao giờ nhỉ, thói quen lười đọc, sách ê hề như bao hàng hóa ê hề, nhà văn và nhà xuất bản gian nan, nhất là thời đại thông tin bội thực bùng nổ Internet. Và TPHCM xuất hiện Đường Sách tọa lạc trên đường Nguyễn Văn Bình, bên hông Nhà thờ Đức Bà đẹp, sang trọng, cổ xưa thường đổ những hồi chuông đưa ta vào cổ tích - hình thức Đường Sách lạ lùng chưa đâu có trong cả nước. Lạ nhất là đến đây - con đường ngắn dưới những vòm me, gần 30 cửa hàng trang nhã của các “ông chủ sách chính cống - Nhà xuất bản”, dân chuyên nghiệp tổ chức làm ra sách - chứ không phải người buôn - làm bừng dậy nỗi khát khao xưa của mỗi người.
Tôi sống dậy cảm giác chen chúc len lỏi toát mồ hôi lục lọi tìm sách quý ở sạp nhỏ phố Đinh Lễ (Hà Nội) dạo nào. Lạ là đứng ở Đường Sách TPHCM, không phải lục lọi - mà sách nó hiện ra trật tự xinh đẹp giữa bốn bề cây xanh - dù giữa trưa cũng có bóng mát. Sách như đang bảo “Tớ ở đây này”. Người xung quanh cũng đang lục tìm - cứ như toàn…kẻ say say như mình, không đề phòng giữ túi giữ áo như khi đi bất cứ đâu. Vào đây toàn người mê sách, gặp bạn bè, nghe chuyện văn chương, ngắm và mua đồ lưu niệm hoặc chụp hình hướng tới cái đẹp - Mỗi ngày có tới hàng ngàn người mà làm gì có ai…ăn trộm. Dù rằng không ai biết tổ chức kiểm tra bảo vệ ở đây rất chặt chẽ dù nhìn mọi hoạt động thong thả tự do “chẳng thấy gì”.
Đường Sách như một “bộ lọc” - đến đây là…cùng hội cùng thuyền. Ít ra mỗi ngày có hàng ngàn trái tim cùng nhịp đập đam mê sách và tìm sự thanh thản, niềm vui trên con đường nhỏ xưa không có gì nay trở nên lộng lẫy và cuốn hút.
Ở cuốn sổ cảm tưởng đặt trên chiếc bàn giữa đường lả tả lá me có khi chỉ một dòng “Đã đến đây” bên cạnh một trái tim. Có cả một gia đình “Mỗi khi chúng tôi cần một nơi thư thái bình yên, mỗi khi chúng tôi cần một nơi để sống chậm, nơi nuôi dưỡng tâm hồn, chúng tôi đến Đường Sách này”. Hay “Khi bạn hoài nghi cả thế giới và hoài nghi chính bản thân, nên tìm đến với Đường Sách”. Lại có người vừa ngồi nghe tiếng chuông Nhà thờ và tự nói với mình: “Gửi đây tuổi đôi mươi. Hãy nói yêu thương. Hãy vui vì ta còn được sống”; “Một năm qua - 2020 đã rất tồi tệ. Những niềm vui đã gần mất hết. Đôi lời gửi bản thân: Hãy cố lên - ta sẽ làm được”…
Đường Sách TPHCM còn là nơi diễn ra các sự kiện trưng bày, triển lãm… 2. Ý tưởng và những tấm lòng lớn để ra đời con đường nhỏ đặc sắc
Ngày nay đi du lịch khắp thế giới có biết bao danh thắng lẫy lừng. Đến London nghĩ tới Hyder Park. New York có quảng trường trung tâm. Singapore có Garden by the Bay - và “5 con đường di sản” trong đó họ có thể đếm được du khách sẽ…đi bao nhiêu bước chân. Đường Sách Nguyễn Văn Bình rất ngắn, nhưng đẹp và “những con mắt thần” của lãnh đạo Thành ủy - Ủy ban nhân dân – những người làm Xuất bản - Hội nghề nghiệp - với truyền thống từ những Hội sách nhiều năm - đã chọn nó, biến một con đường, thay đổi công năng một tài sản công thành một không gian văn hóa đắc địa nhất.
Đây là “cách nghĩ - cách yêu - cách làm” của người Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh. Đó là lý do vì sao nhiều tỉnh thành trong cả nước cũng làm Phố sách, Đường sách nhưng khó thành công. Đó là mô hình, giải pháp đúng, cho Công ty Đường sách TPHCM vận hành với cơ chế xã hội hóa - như một tổ chức phi lợi nhuận đứng ra vận hành cho các Nhà xuất bản có các cửa hàng kinh doanh phục vụ văn hóa. Vậy mới có một “sân chơi” tuyệt đẹp cho mọi người. Và nhiều người, đơn vị tự chung tay những gì họ muốn trang bị sửa chữa, tô điểm cho con đường thêm tiện nghi và sang trọng, phục vụ người đến đây. “Họ yêu mà góp sức. Vui lắm” - Lời Giám đốc Công ty Đường sách TPHCM Lê Hoàng.
Ngay cái tên những Nhà xuất bản có mặt ở Đường Sách, lực lượng chuyên nghiệp, hoặc tên những người như Thu Nguyệt hay Lê Hoàng, cả nước biết anh từng là Tổng biên tập Tuổi trẻ - Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản…thấy ngay “thương hiệu nhà nghề” đầy tin cậy.
Ngày nay có nhiều dự án công trình đồ sộ dời non lấp biển. Rồi TPHCM sẽ có cả những đô thị thông minh mọc lên - nhưng có những con đường nhỏ như Đường sách Nguyễn văn Bình - Đường sách TPHCM, quyến rũ, say đắm như tình yêu.
Ngày 9/1/2016, Đường Sách TPHCM đi vào hoạt động. Từ đó đến nay Đường Sách trở thành điểm hẹn lý tưởng, tạo nên thương hiệu cho TPHCM trong việc lan toả văn hoá đọc, là địa điểm tổ chức các sự kiện ra mắt sách, giao lưu giữa tác giả và bạn đọc. Không dừng lại với các hoạt động liên quan đến sách, Đường Sách còn là nơi diễn ra các sự kiện trưng bày, triển lãm; hoạt động biểu diễn - nghệ thuật; hoạt động phát triển văn hoá đọc và chuỗi các hoạt động tương tác khác.
Theo thống kê, sau 5 năm, Đường Sách đón khoảng 11,5 triệu lượt khách, tổng doanh thu của các đơn vị có gian hàng đạt được 181 tỷ đồng; với hơn 3,5 triệu bản sách được bán ra, trong đó có hơn 57.000 tựa sách mới, tại Đường Sách cũng đã diễn ra 1.194 sự kiện.