Tập hợp công nhân - nông dân vùng lên kháng chiến
Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - ngay từ khi Pháp đặt chân đến đã dần dần trở thành trung tâm kinh tế - chính trị náo nhiệt nhất toàn cõi Đông Dương. Nơi đây tập hợp đầy đủ tất cả các tầng lớp, giai cấp phức tạp nhưng tràn đầy nhiệt huyết và lòng yêu nước. Chính vì thế mà ngay từ những bước đi đầu tiên trong việc thực hiện âm mưu quay trở lại Đông Dương, Pháp chủ trương nhằm vào các chiến dịch tiến công quân sự ở miền Nam khi “Chiếm đóng Nam Kỳ ngay sau khi có thể làm được như vậy rồi từ đó chiếm lại phần đất còn lại” của Việt Nam[1].
Sau Cách mạng Tháng Tám, tại Sài Gòn - Chợ Lớn, các cơ sở công nhân không những chỉ có ở các xí nghiệp mà còn phát triển rộng rãi đến các ngành như thợ may, thợ nón, thợ giày, bồi bếp, tài xế… với hơn 350 cơ sở công đoàn ở khắp nơi và hơn 120.000 đoàn viên. Về cơ sở kinh tế tài chính cũng hoạt động mạnh, tiền vốn kinh doanh đã đến 300.000 đồng, mở được 6 tiệm buôn để vừa hoạt động tài chính vừa làm cơ sở liên lạc, trong đó có tiệm ăn nổi tiếng Anh - Long ở đường Galleni. Tổng Công đoàn Việt Nam đã cho ra tờ báo “Lao động” và tăng cường công tác huấn luyện chính trị cũng như quân sự. Chú trọng võ trang cho các đội xung phong công đoàn và gây ý thức tranh thủ tự võ trang bằng đủ mọi cách, họ sửa chữa tàu ghe, đón các đồng chí tù chính trị ở Côn Đảo về…
Thời gian này, Tổng Công đoàn Nam Bộ có vai trò quan trọng trong công tác tổ chức lực lượng, tuyên truyền giáo dục tư tưởng, tiếp tế hậu cần… Việc bao vây Sài Gòn - Chợ Lớn để chặn bước tiến quân của Pháp lúc ấy đều do các đội võ trang của công nhân mặc dù vũ khí rất thô sơ và sự lãnh đạo phần lớn là đảng viên Đảng Cộng sản và cán bộ Tổng công đoàn Nam Bộ đảm nhiệm. Điều này khẳng định một lần nữa rằng: Trong lúc cách mạng gay go nhất thì lực lượng trung kiên của cách mạng, lực lượng hy sinh ngoan cường nhất của dân tộc vẫn là giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Vì thế, muốn nắm được Sài Gòn - Chợ Lớn phải nắm vững công nhân và thanh niên. Lực lượng công nhân có mạnh thì mới nắm được các tầng lớp tiểu tư sản, trí thức và tư sản dân tộc. Từ nhận định trên, việc xây dựng tổ chức công đoàn và phong trào công nhân ở Sài Gòn - Chợ Lớn rất được chú trọng. Đi đôi với việc xây dựng cơ sở công nhân, các đồng chí lãnh đạo chú ý và kiên nhẫn tuyên truyền tranh thủ từng người trí thức, thanh niên có phẩm hạnh tốt, tranh thủ mở những lớp huấn luyện về chủ nghĩa Mác cho thanh niên.
Ngày 11/9/1945, quân đội Anh - Ấn nhân danh đồng minh kéo lên Sài Gòn để tước khí giới quân Nhật thì Pháp đã cho một đại đội trà trộn đi theo. Đặt chân vào Sài Gòn, quân Anh - Ấn đã lấy vũ khí của Nhật võ trang cho 7.000 tên Pháp bị Nhật bắt giam, dùng vũ lực giúp Pháp bí mật tổ chức lại bộ máy chính quyền và hoạt động khiêu khích ta. Sài Gòn - Chợ Lớn từ một Thành phố sầm uất náo nhiệt đã ngừng hẳn mọi hoạt động: các hãng, sở ngừng sản xuất, tiệm buôn đóng cửa, chợ búa không họp, ngoài đường vắng bóng người và xe cộ, thiếu điện thiếu nước, rác rưởi bẩn thỉu, cầu cống hôi thối… Khi giặc Pháp tấn công mạnh ra ngoại ô thì nổ ra các trận đánh lớn ác liệt làm chúng chùn bước, việc chiến đấu ngăn chặn từng bước tiến của giặc ở Sài Gòn những ngày đầu khi Pháp mới nổ súng trở lại chỉ là các đội xung phong công đoàn Thanh niên xung phong của Thanh niên Tiền Phong và đơn vị võ trang của Bình Xuyên.
Ngày 22/9/1945 chúng bắt được Tổng thư ký Tổng Công đoàn Nam Bộ. Để đối phó lại, nhân dân ta làm chướng ngại vật khắp nơi bao vây không cho chúng lan rộng ra. Nhiều cuộc chiến đấu đường phố oanh liệt đã xảy ra trên khắp các ngả đường.
Hai “cánh quân chủ lực” của Tổng Công đoàn Nam Bộ
Trong thời gian đầu, khi quân ta còn vây hãm địch trong Thành phố, Tổng Công đoàn Nam Bộ tổ chức thành hai bộ phận để dễ chỉ huy và lãnh đạo, đó là Tổng Công đoàn phân bộ miền Đông và Tổng công đoàn bộ phận miền Tây. Lúc này, Ủy ban Kháng chiến được thành lập để trực tiếp chỉ huy cuộc kháng chiến trong đó có 2 Ủy viên Ban quản trị Tổng công đoàn Nam Bộ là Nguyễn Văn Tư và Huỳnh Đình Hai tham gia.
Tổng Công đoàn phân bộ miền Đông đặt trụ sở ở Gò Vấp, sau dời về An Phú Đông do đồng chí Nguyễn Đình Thâu chỉ huy. Trong chiến đấu, các đội xung phong công đoàn hình thành đơn vị võ trang: Trần Cao Vân, Hoàng Thọ, Triêu Cai, Nguyễn Văn Giỏi, Nguyễn Năng Tạo… Về sau, chiến sĩ các chi đội này thành lập chi đội 6 và gia nhập các chi đội 1, 9, 10, 11, 12 và bộ đội Hoàng Thọ, cuối cùng thống nhất thành Trung đoàn 306, 312 ở Khu 7. Riêng bộ đội Hoàng Thọ thành bộ đội lưu động của Trung đoàn 303 hoạt động ở vùng cao su Thủ Dầu Một.
Tổng công đoàn bộ phận miền Tây đóng trụ sở ở Đường Cây Mai, sau rút về Phú Lâm, Bình Trị, Gò Vấp do đồng chí Nguyễn Lưu chỉ huy. Mặt trận này gồm có các đội xung phong công đoàn lập thành các đội du kích chiến đấu và du kích phá hoại đã chiến đấu anh dũng trong việc chặn đứng bước tiến của giặc Pháp như: Bộ đội Đai-ken, bộ đội Cân Văn (công nhân hãng đúc Cân Văn) đơn vị xích lô, đơn vị Lave Chợ Lớn, đơn vị thợ nón, hãng đinh Xin-kô, Dô-kô, đơn vị Mười Thin, các đơn vị thuộc hộ 4, hộ 10, hộ 5…
Ở mặt trận Bình Xuyên, tức mặt trận số 4, Tổng Công đoàn Nam Bộ cũng tổ chức và chỉ đạo các đơn vị võ trang hoạt động tại các hộ 3, 13, 16, 17, 18.
Theo chủ trương, các bộ phận nói trên, Tổng Công đoàn Nam Bộ không đóng xa trung tâm Thành phố quá 10 cây số và trên thực tế nếu tính từ An Phú Đông hoặc từ Gò Cát, An Lạc (phía miền Tây) thì chỉ cách xa trung tâm thành phố khoảng 5 cây số. Trong thời gian 3 tháng (9 - 12/1945) nhân dân thực hiện tổng bãi công, tổng bãi thị, tổng bãi khóa, bắt hợp tác với giặc, công tác tuyên truyền giáo dục, công tác tổ chức, công tác giao thông, liên lạc, tiếp tế… của Tổng Công đoàn do sát với chiến trường đã đưa lại hiệu quả rất lớn.
Những sự kiện diễn ra hết sức anh dũng như việc một tiểu đoàn xung phong công đoàn người trước ngã người sau tiến lên cắm cho được lá quốc kỳ phấp phới trên ngọn tháp cao hơn 100 mét ở sở chữa lửa địa phương, 4 đội viên đã hy sinh trên cầu thang bao quanh tháp. Trên 138 xí nghiệp và công sở lớn nhỏ, 22 kho tàng, 4 chợ, 17 đầu máy xe lửa, 30 tàu lớn, 51 tàu nhỏ, 200 xe hơi và rất nhiều cầu đường bị đốt và phá hoại. Nhiều nơi bị đốt phá nặng nề như các hãng cao su Labbe, thuốc lá Mic, Gạo C.C.I, bột Valda, đầu cầu kho, xưởng cưa Vĩnh Hội, công xưởng địa phương, Ủy ban Mễ Cốc… Nhiều đường dây điện thoại bị cuốn mất, đường sắt bị phá hàng đêm.
Công nhân ngành Kiến trúc Sài Gòn đấu tranh đòi trả tự do cho cán bộ nghiệp đoàn bị bắt giam tháng 9/1945. Nguồn: Ảnh tư liệuViệc lãnh đạo các đội võ trang chống Pháp ở Sài Gòn - Chợ Lớn lúc này phần lớn là do Tổng Công đoàn Nam Bộ lãnh đạo, lệnh của Tổng công đoàn Nam Bộ được nhân dân và các cơ quan công nhân thi hành như là lệnh của một cơ quan chính quyền.
Đấu tranh với địch trên mọi mặt trận
Ngay từ những ngày kháng chiến, Tổng công đoàn Nam Bộ rất chú trọng đến công tác tuyên truyền giáo dục tư tưởng nên đã in rất nhiều truyền đơn kêu gọi nhân dân kháng chiến, Tổng Công đoàn Việt Nam cho ra tờ báo Công đoàn. Tờ báo này phát hành mỗi số có từ 4.000 đến 6.000 tờ và đã ra được 13 số. Tại Nam Bộ, vào tháng 10/1945, sau khi chiếm được kho giấy sở xe điện Gò Vấp, Tổng Công đoàn Nam Bộ cho ra tờ báo Cảm tử, mỗi tháng ra được 6, 7 kỳ, mỗi kỳ 4.000 bản. Mỗi kỳ, trên 2.500 bản được các cán bộ liên lạc anh dũng truyền vào nội thành Sài Gòn - Chợ Lớn. Hàng nghìn anh chị em phát hành viên đã hy sinh. Mặc dù bị giặc 2 lần đập phá nhà in, nhưng tờ báo Cảm tử với phương tiện in ấn rất thô sơ vẫn làm được nhiệm vụ gây lòng tin tưởng cho nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn và nhân dân Nam Bộ đối với cuộc kháng chiến. Tờ báo Cảm tử còn được gửi qua các nước Anh, Pháp, Mỹ mỗi nơi một kỳ 10 số để giới thiệu tinh thần anh dũng của nhân dân ta. Mỗi tháng tiền bán báo được trên 130.000đ, số tiền này được dùng vào mục đích vô cùng ý nghĩa là đem nuôi các đơn vị võ trang.
Cùng với báo Công Đoàn, báo Cảm Tử là tờ báo đầu tiên của Nam Bộ kháng chiến và sống mãi với Nam Bộ kháng chiến, là công cụ giáo dục và tổ chức quần chúng rất đắc lực. Chiếm được lòng tin yêu tuyệt đối của đồng bào, sống bằng sự đóng góp của nhân dân vì báo không bán hoặc bán với giá tượng trưng, thực chất là sự ủng hộ đắc lực của người đọc. Tổng Công đoàn Nam Bộ còn cho ra tờ Sông chuyên về tin tức phổ biến kịp thời và rộng rãi trong nhân dân. Đồng thời, còn giúp đỡ về mặt tài chính và nội dung tổ chức cho tờ Chống xâm lăng của mặt trận Việt Minh Sài Gòn - Chợ Lớn được phát hành. Đồng chí Lý Chính Thắng, tổng thư ký Tổng Công đoàn Nam Bộ còn mở thêm nhiều lớp quân chính để nâng cao tinh thần chiến sĩ…
Đặc biệt, Tổng Công đoàn Nam Bộ còn đóng vai trò chủ chốt trên mặt trận tiếp tế, hậu cần. Với số tiền hơn 700.000 đồng do Chính phủ giao với tiền hoạt động tài chính, Tổng Công đoàn Nam Bộ đã tổ chức phụ cấp cho gia đình công nhân đình công tham gia chiến đấu hết khoảng 400.000 đồng và tiếp tế lương thực cho các đơn vị võ trang khắp các mặt trận, cả 2 công binh xưởng 7 và 23 của bộ đội Bình Xuyên; hỗ trợ 5.000 đồng và 5 tấn gạo cho các gia đình lao động Hoa Kỳ ở xóm máy đá bị Pháp đốt nhà để tăng cường tinh thần đoàn kết Hoa - Việt trong chiến đấu. Đội vận tải của Tổng Công đoàn Nam Bộ gồm có 3 xe camions, 2 xe torpedos, 10 ghe chài, 5 cyclos, một số xe ngựa… luôn tiếp tế lương thực, thuốc men cho 3 mặt trận suốt trong 3 tháng. Nhờ đó mà cuộc tổng đình công, tổng bãi công bãi thị kéo dài trên 3 tháng.
Tổng Công đoàn Nam Bộ cũng động viên anh em công nhân các nhà máy cơ khí tháo gỡ máy móc, thay vì phá hủy tại chỗ thì tổ chức vận chuyển cất giấu từng bộ phận rải rác khắp nơi và sau đó tập trung về một nơi an toàn để xây dựng binh công xưởng, sửa chữa và sản xuất vũ khí cho chiến sĩ đánh giặc. Hầu hết các binh công xưởng từ khu 7, khu 8 đến khu 9 và từ các binh công xưởng trung đoàn, liên trung đoàn còn phát triển ra nhiều binh công xưởng nhỏ của công an, dân quân… Phần lớn đều lấy từ máy móc ở các xưởng cơ khí Sài Gòn hoặc ở đề pô xe lửa Dĩ An và đều do công nhân đảm trách.
Công nhân hãng dệt Vimytex bãi công đòi quyền dân sinh dân chủ. Nguồn: Ảnh tư liệuTháng 10/1945, nhờ sự giúp đỡ của các nước chư hầu, thực dân Pháp đem 5.000 quân thiện chiến (đã vượt sông Khin) đến. Cuối tháng 12/1945, chúng phá vỡ vòng vây tiến quân xâm chiếm các tỉnh, lấn chiếm đến đâu, chúng càn quét, khủng bố đến đó. Trước sự càn quét khủng bố hung ác của giặc Pháp, nhân dân đi tản cư ở các tỉnh lần lượt trở về Sài Gòn, việc tiếp tế lương thực cho các đơn vị xung phong công đoàn ở xung quanh Sài Gòn - Chợ Lớn trở nên rất khó khăn. Lương thực đã hết nên một số lớn đoàn viên phải trà trộn với nhân dân trở vào nội thành, có đơn vị chỉ có Ban Chấp hành ở lại.
Trước tình hình đó, thực hiện Nghị quyết ngày 25/10/1945 của Xứ ủy Nam Bộ, Tổng Công đoàn Nam Bộ chấp nhận chủ trương để cho các gia đình công nhân, lao động trở lại thành phố, chỉ một người nào đã thoát ly tham gia trực tiếp kháng chiến mới ở lại. Đồng thời, cũng bố trí một số cán bộ đi theo bà con trở về thành phố gây lại tổ chức quần chúng trong nội thành. Do vậy, Công đoàn có mặt trước tiên trong thành phố từ sau ngày Nam Bộ kháng chiến. Đây là một chủ trương sáng suốt và kịp thời. Đồng bào trở về thành phố dù phải sống trong sự kềm kẹp áp bức bóc lột của địch, nhưng vẫn rất yên tâm là vẫn liên lạc với kháng chiến, được tin cậy, được giao việc và do đó việc xây dựng lại tổ chức công đoàn cách mạng bí mật trong thành phố bị giặc chiếm đã có nhiều thuận lợi. Từ tổ chức công đoàn được xây dựng ở các nhà máy (tuy nhà máy lúc này hoạt động lại không nhiều) và được tổ chức nhỏ lẻ ở các khu xóm lao động và ngành nghề như thợ hồ, thợ may, đánh xe ngựa…, các đoàn thể thanh niên, phụ nữ ở các hộ lần lượt ra đời, các tổ chức chính quyền công an, dân quân ở các sở được thành lập, các chi bộ Đảng, rồi cấp ủy Đảng dược thành lập từ hộ lên quận.
Mặc dù Thành phố bị giặc chiếm đóng, bộ máy cai trị của giặc được thiết lập, bọn phản động tay sai Pháp múa may điên cuồng, nhưng với quần chúng có giác ngộ cách mạng, có tổ chức, mọi hoạt động kháng chiến trong thành phố được tiến hành bền bỉ từ thấp đến cao. Suốt năm 1946 kể từ khi giặc chiếm đóng, đồng bào hồi cư cho đến ngày Toàn quốc kháng chiến, Sài Gòn vẫn gắn bó với cuộc kháng chiến Nam Bộ và đồng bào cả nước.
Ít ai có thể hình dung được trong một Thành phố bị chiếm như Sài Gòn, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu đại biểu Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ngày 6/1/1946 lại được tiến hành một cách thắng lợi. Các chiến sĩ xung phong công đoàn, các đoàn viên và cán bộ công đoàn ôm thùng phiếu len lỏi đêm ngày vào khắp các đường phố vận động bầu cử. Kết quả, 82% cử tri Sài Gòn - Chợ Lớn đã bỏ phiếu với 40.000 lá phiếu tham gia, trong lúc thành phố vắng người; 3 đại biểu của Tổng công đoàn Nam Bộ đưa ra ứng cử thì trúng 2 người là Hà Huy Giáp và Hoàng Đôn Văn, trong cuộc vận động tuyển cử này, đoàn viên và cán bộ công đoàn đã có 38 người bị bắn và hơn 40 người bị bắt mất tích, trong đó có anh Nguyễn Văn Tư, Ủy viên Ban Quản trị Tổng Công đoàn Nam Bộ đã hy sinh một cách anh dũng.
Những ngày Nam Bộ kháng chiến, xuất phát từ chủ trương biết dựa vào công nhân, cán bộ lãnh đạo công vận Nam Bộ và Sài Gòn - Chợ Lớn đã biết lấy lực lượng công nhân làm lực lượng nòng cốt để kháng chiến cứu quốc. Đưa cán bộ thành phần công nhân vào Ủy ban kháng chiến Thành phố Sài Gòn để lãnh đạo kháng chiến, dùng các đội xung phong công đoàn mở những trận đánh đường phố rất ác liệt, ra lệnh tổng bãi công, bãi khóa, biểu tình… chủ trương ấy, tinh thần ấy “đã cho Đảng ta những kinh nghiệm đầu tiên về tổ chức và chỉ đạo kháng chiến, về xây dựng và lãnh đạo lực lượng vũ trang, về tiến hành chiến tranh du kích và xây dựng cơ sở chính trị ở vùng sau lưng địch…”. Điều đó chứng minh một chân lý của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Một đạo quân dù tối tân đến đâu cũng chẳng làm được trò gì trước thái độ cương quyết của cả một dân tộc”[2].
Ngọc Huyền - Ái Nhi
---------
[1] Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 7, Nam Bộ với toàn quốc kháng chiến, 2016, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, tr.47.
[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 4, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, trang 88.