Thứ Tư, ngày 16 tháng 4 năm 2025

Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM tổ chức Hội thảo góp ý 4 dự án Luật

Các đại biểu tham dự hội thảo.

(Thanhuytphcm.vn) – Sáng 9/4, Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM tổ chức Hội thảo góp ý 4 dự án Luật, gồm: Dự án Luật dẫn độ; Dự án Luật Tương trợ tư pháp về dân sự; Dự án Luật tương trợ tư pháp về hình sự; Dự án Luật chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù. Đồng chí Hà Phước Thắng, Thành uỷ viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM chủ trì hội thảo.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù cùng với Luật Dẫn độ, Luật Tương trợ tư pháp về dân sự, Luật Tương trợ tư pháp về hình sự là 4 văn bản luật phát triển Luật Trương trợ tư pháp số 08/2007/QH12 để đáp ứng tình hình thực tiễn và sự phát triển của tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và các nước. Do đó, để đồng bộ trong hệ thống pháp luật của Việt Nam về vấn đề tương trợ tư pháp, Quốc hội cần sớm thông qua để đáp ứng yêu cầu thực tiễn thực hiện kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật và Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH về triển khai thực hiện kết luật số 19-KL/TW của Bộ Chính trị.

Góp ý cho dự thảo Luật dẫn độ, đại biểu Vũ Minh Phương, Trường Đại học An ninh nhân dân cho rằng, tại Khoản 2, Điều 5 nên bỏ đi quy định “Cơ quan trung ương về dẫn độ có thể tham khảo ý kiến của Bộ Ngoại giao và các cơ quan có liên quan trước khi quyết định”. Nội dung này mang tính hướng dẫn về nghiệp vụ, cách làm chứ không phải là nguyên tắc để áp dụng. Đối với tên gọi của biện pháp ngăn chặn được quy định tại Điều 31 Dự thảo là “Bắt người trong trường hợp khẩn cấp để dẫn độ” chưa thống nhất với quy định của Bộ luật Tố tụng hiện hành (Điều 109, Điều 503). Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hiện hành là “bắt người bị yêu cần dẫn độ” (bản chất là bắt bị can, bị cáo để tạm giam - bị can, bị cáo là đối tượng bị yêu cầu dẫn độ). Ngoài ra, không nên viện dẫn cụ thể theo điều luật của Bộ luật Tố tụng hình sự (Điều 113), vì hiện nay Bộ luật hiện nay cũng đang trong quá trình sửa đổi, bổ sung.

Góp ý cho Điều 4, chương 1 về nguyên tắc chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, một số đại biểu đề xuất Ban soạn thảo xem xét bổ sung thêm nguyên tắc tội phạm kép trong chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù. Theo đó, Điều 13, Điều 28 trong dự thảo luật đã đề cập đến vấn đề này, đồng thời điểm đ khoản 1 Điều 21 Luật tương trợ tư pháp năm 2007 quy định có thể từ chối tiến hành tương trợ tư pháp hình sự khi nội dung tương trợ tư pháp hình sự liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật nhưng không cấu thành tội phạm theo quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam. Điều đó có nghĩa một người đang thi hành án phạt tù ở nước ngoài nhưng theo Luật hình sự Việt Nam thì hành vi đó không cấu thành tội phạm thì về Việt Nam không thể tiếp tục thi hành hình phạt đó.

Theo đại biểu Nguyễn Quốc Khánh, Khoa Luật, Trường Đại học Cảnh sát nhân dân, đối với dự thảo Luật dẫn độ nên sửa lại điều 1 theo hướng: “Luật này quy định nguyên tắc, điều kiện trình tự, thủ tục, nội dung hoạt động dẫn độ và trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam trong dẫn độ”.

S. Hải


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo