Thứ Bảy, ngày 27 tháng 7 năm 2024

Đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người có đất thu hồi, tạo sự đồng thuận, giảm khiếu kiện

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 9/6, Quốc hội đã nghe Chính phủ trình Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); kết quả lấy ý kiến Nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày báo cáo cho biết, việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân được thực hiện từ ngày 3/1/2023 đến ngày 15/3/2023.

Theo đó, đã có 12.107.457 lượt ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Các nội dung được Nhân dân quan tâm góp ý tập trung vào: bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; tài chính đất đai, giá đất; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) hoàn thiện sau khi lấy ý kiến Nhân dân gồm 16 chương, 263 điều, trong đó tăng 5 mục, bổ sung mới 40 điều, bỏ 13 điều so với dự thảo lấy ý kiến Nhân dân. Tiếp thu ý kiến góp ý của Nhân dân, một số chương, mục, điều đã được chỉnh sửa, thay đổi cơ bản về cấu trúc và nội dung.

Đáng chú ý, về thu hồi, trưng dụng đất, đây là nội dung nhận được nhiều ý kiến của Nhân dân. Tiếp thu các ý kiến góp ý, dự thảo Luật đã sửa đổi toàn bộ nội dung của Điều 79 theo hướng Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng nhằm phát huy nguồn lực đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng hiện đại, thực hiện chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và bảo tồn di sản văn hóa.

Quy định cụ thể các trường hợp thu hồi đất đối với các loại công trình công cộng từng lĩnh vực; thu hồi đất để xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, công trình sự nghiệp và một số trường hợp thật cần thiết khác (dự án nhà ở xã hội, nhà ở công vụ, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao, hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản, xây dựng công trình trên mặt đất phục vụ cho việc vận hành, khai thác sử dụng công trình ngầm, dự án lấn biển, dự án nhà lưu trú công nhân khu công nghiệp, nhà ở cho lực lượng vũ trang; thu hồi đất để giao đất, cho thuê đất cho nhà đầu tư trúng thầu thực hiện dự án nhà ở thương mại có quy mô từ 10 ha trở lên tại khu vực nông thôn và 5 ha trở lên tại khu vực đô thị). Đồng thời, rà soát làm rõ hơn các trường hợp Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; các trường hợp thu hồi đất do vi phạm.

Dự thảo Luật đã bổ sung quy định phân cấp thẩm quyền thu hồi đất cho UBND cấp huyện không phân biệt người sử dụng đất là tổ chức hay cá nhân trừ trường hợp thu hồi đất quốc phòng, an ninh. UBND cấp tỉnh quyết định thu hồi đất quốc phòng, an ninh sau khi có văn bản chấp thuận của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an. Trường hợp không thống nhất ý kiến, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định. Dự thảo cũng quy định rõ việc thu hồi đất ở chỉ được thực hiện sau khi hoàn thành bố trí tái định cư.

Về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, đây là nội dung quan trọng nhận được nhiều ý kiến góp ý của Nhân dân. Cơ quan soạn thảo đã nghiên cứu, tiếp thu quy định cụ thể, luật hóa một số quy định trong các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai hiện hành đã được thực tế chứng minh là phù hợp đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người có đất thu hồi, tạo sự đồng thuận, giảm khiếu kiện; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong tổ chức thực thi.

Cụ thể, việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, minh bạch, kịp thời và đúng quy định của pháp luật. Người có đất bị thu hồi được bồi thường thiệt hại về đất, tài sản gắn liền với đất, chi phí đầu tư vào đất, thiệt hại do ngừng sản xuất, kinh doanh; được hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm, hỗ trợ ổn định đời sống, sản xuất, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất ở; được ưu tiên lựa chọn hình thức bồi thường bằng tiền nếu có nhu cầu được bồi thường bằng tiền. Giá đất bồi thường là giá đất cụ thể của loại đất thu hồi tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Khu tái định cư phải hoàn thiện các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ theo quy hoạch chi tiết được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; phải phù hợp với truyền thống văn hóa, phong tục tập quán của cộng đồng dân cư nơi có đất bị thu hồi. Giá đất tái định cư là giá đất cụ thể tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư…

Về giá đất, dự thảo Luật đã làm rõ nguyên tắc định giá đất, giá đất thị trường, căn cứ định giá đất, thông tin đầu vào để xác định giá đất, các phương pháp định giá đất. Bổ sung quy định về tư vấn thẩm định giá đất. Theo đó, việc định giá đất phải bảo đảm các nguyên tắc: phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường; tuân thủ đúng phương pháp, trình tự, thủ tục định giá đất; bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch; bảo đảm tính độc lập trong các khâu xác định giá đất, thẩm định giá đất, quyết định giá đất.

Dự thảo cũng tiếp tục quy định bảng giá đất được ban hành hàng năm để đảm bảo giá đất phù hợp với nguyên tắc thị trường. Tuy nhiên, bổ sung quy định về chuyển tiếp thực hiện theo hướng tiếp tục sử dụng bảng giá đất hiện hành đến hết 31/12/2025 để các địa phương có đủ thời gian để xây dựng, ban hành bảng giá đất mới theo quy định mới của Luật Đất đai. Luật quy định UBND cấp có thẩm quyền phải phê duyệt quyết định giá đất cụ thể trong thời gian không quá 180 ngày kể từ ngày có quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất, chuyển hình thức sử dụng đất, điều chỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất, điều chỉnh quy hoạch chi tiết.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã quy định việc tiền thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm được ổn định cho chu kỳ 5 năm tính từ thời điểm Nhà nước quyết định cho thuê đất và mức điều chỉnh tăng không quá 15% so với chu kỳ trước đó; giá đất để tính thuế sử dụng đất phi nông nghiệp được ổn định trong 5 năm; quy định người sử dụng đất được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất không phải thực hiện thủ tục đề nghị miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; quy định chi tiết thời điểm xác định giá đất để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với từng trường hợp; quy định Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện là Chủ tịch Hội đồng thẩm định giá đất cấp tỉnh, cấp huyện, đồng thời mở rộng thành viên hội động là người có chuyên môn về giá đất.

Báo cáo Chính phủ cũng cho biết, quá trình rà soát việc thể chế hóa chủ trương, định hướng của Đảng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW cũng cho thấy còn có một số nội dung, chủ trương liên quan chưa được thể chế trong dự thảo Luật Đất đai vì không thuộc phạm vi điều chỉnh, trong đó có quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang trong pháp luật về thuế. Các nội dung này cần được thể chế hóa trong các Luật có liên quan, Chính phủ đề nghị Quốc hội chỉ đạo các cơ quan có kế hoạch xây dựng các Luật để kịp thời thể chế đầy đủ chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW nhằm tạo sự đồng bộ, thống nhất trong quá trình thực hiện.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo