Thứ Năm, ngày 3 tháng 4 năm 2025

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tháo gỡ dứt điểm vướng mắc cho 1.533 dự án kéo dài, tồn đọng

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc họp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đang tồn đọng của các dự án.

* Tháng 12/2026, cố gắng khởi công dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 30/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp với Ban chỉ đạo về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án (BCĐ) để nghe báo cáo về tình hình rà soát, đánh giá, tìm giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các dự án đang tồn đọng.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, cơ quan thường trực của BCĐ, đến ngày 25/3, tổng số có 1.533 dự án được các cơ quan, địa phương báo cáo đang gặp khó khăn, vướng mắc, trong đó có 338 dự án đầu tư công, 1.126 dự án đầu tư ngoài ngân sách và 69 dự án PPP. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính nhận được văn bản của doanh nghiệp phản ánh về 12 dự án gặp khó khăn, vướng mắc.

Vừa qua, Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 170/2024/QH15 về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại TPHCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa; Nghị quyết số 171/2024/QH15 về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 233/NQ-CP về chủ trương, phương hướng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Dự kiến, các cơ quan sẽ trình Chính phủ nghị quyết tháo gỡ cho 5 dự án tại TPHCM ngay đầu tháng 4 này. Riêng với 2 dự án Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2, Chính phủ đã có nghị quyết, lãnh đạo Chính phủ đã đồng ý chủ trương bố trí thêm ngân sách từ nguồn tăng thu năm 2024 để hoàn thành 2 dự án trong năm 2025, sớm đưa vào phục vụ nhân dân.

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh mục tiêu quan trọng nhất là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, ách tắc tại các dự án tồn đọng, kéo dài, không để lãng phí nguồn lực của Nhà nước, xã hội, nhân dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư; giải tỏa được bức xúc của nhân dân, của cán bộ… Thủ tướng yêu cầu tập trung giải quyết dứt điểm với 1.533 dự án đã có báo cáo, nếu có các dự án phát sinh thì tiếp tục giải quyết; với những vấn đề có tính cá biệt thì phải đề xuất cơ chế đặc thù để xử lý. Về thời hạn, Thủ tướng chỉ đạo, các thủ tục để xử lý cho các dự án phải cố gắng hoàn thành trước 30/5.

Trong đó, với các vấn đề khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án, thì đề xuất Quốc hội cho phép địa phương, bộ, ngành, cơ quan vận dụng chính sách đặc thù đã được Quốc hội thông qua, áp dụng với các dự án có tính chất tương tự. Với các dự án khó khăn, vướng mắc nhưng chưa có quy định của pháp luật để điều chỉnh và cũng không áp dụng được cơ chế chính sách đặc thù đã được Quốc hội ban hành thì phải nghiên cứu, đề xuất Quốc hội tại kỳ họp sắp tới…

* Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt (BCĐ) cũng vừa chủ trì phiên họp thứ nhất của BCĐ.

Hiện nay, danh mục các công trình, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt gồm: dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; các tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Lạng Sơn, Móng Cái - Hạ Long (Quảng Ninh) và các dự án đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, TPHCM.

Trong đó, Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam có tổng chiều dài 1.541km từ Hà Nội đến TPHCM, với tốc độ thiết kế 350km/giờ; sơ bộ tổng mức đầu tư là 1.713.548 tỷ đồng (khoảng 67,34 tỷ USD); thời gian thực hiện năm 2025-2035. Về các dự án đường sắt đô thị, TP Hà Nội dự kiến sẽ xây dựng 15 tuyến đường sắt đô thị; TPHCM dự kiến sẽ xây dựng 10 tuyến đường sắt đô thị…

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì và phát biểu tại cuộc họp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đang tồn đọng của các dự án. Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì và phát biểu tại cuộc họp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đang tồn đọng của các dự án.

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đầu tư các dự án đường sắt và phát triển ngành công nghiệp đường sắt. Việt Nam quyết tâm xây dựng ngành công nghiệp đường sắt, làm chủ công nghệ, sản xuất được toa xe, đầu máy, phát triển hệ sinh thái công nghiệp đường sắt. Cùng với đó, hình thành, thành lập các tập đoàn lớn, kể cả tập đoàn tư nhân, liên quan tới ngành công nghiệp đường sắt, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định, sửa đổi các quy định liên quan.

Chỉ đạo nhiệm vụ cụ thể, với dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, Thủ tướng yêu cầu cố gắng khởi công tháng 12/2026. Bộ Tư pháp có ý kiến về áp dụng theo trình tự, thủ tục rút gọn trong xây dựng, ban hành nghị định về thiết kế tổng thể trong đầu tháng 4/2025. Với các dự án đường sắt đô thị Hà Nội và TPHCM, Thủ tướng yêu cầu UBND TP Hà Nội, TPHCM rà soát tình hình triển khai các dự án đường sắt đô thị tại địa phương. Bộ Tài chính sớm có ý kiến về việc dừng sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài đối với dự án và điều chỉnh nguồn vốn cho dự án đường sắt đô thị TPHCM, tuyến số 2 đoạn Bến Thành - Tham Lương...

* Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng vừa ký Quyết định số 692/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1. Quyết định điều chỉnh, bổ sung đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 với 2 đường cất hạ cánh; 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm; 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.

Cùng với đó, quyết định điều chỉnh, bổ sung về nội dung và quy mô đầu tư xây dựng giai đoạn 1 như sau: hạ tầng khu bay, xây dựng 2 đường cất hạ cánh có chiều dài 4.000m, chiều rộng 75m và hệ thống đường lăn, sân đỗ đảm bảo cho các loại tàu bay hoạt động đáp ứng công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Quyết định 692/QĐ-TTg cũng điều chỉnh, bổ sung nội dung về tổng mức đầu tư dự án. Cụ thể, tổng mức đầu tư dự án là 109.717,499 tỷ đồng (thay cho mức 109.111,742 tỷ đồng tại quyết định cũ), tương đương 4,69 tỷ USD (tỷ giá 1 USD = 23.390 VND công bố tại Vietcombank ngày 25/5/2020). Thời gian thực hiện dự án là năm 2020-2026, cơ bản hoàn thành trong năm 2025.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo