Thứ Bảy, ngày 27 tháng 7 năm 2024

Cần có một luật riêng để điều chỉnh về vị thế của nhà giáo

Các đại biểu dự tọa đàm “Pháp luật về nhà giáo của một số quốc gia và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam”

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 3/4, Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức Tọa đàm “Pháp luật về nhà giáo của một số quốc gia và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam”. Tham dự có các đồng chí: PGS.TS Vũ Hải Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM; Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo…

Theo các báo cáo tại tọa đàm, tính đến cuối năm học 2021-2022, cả nước có khoảng 1,6 triệu nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đang làm việc trong cả hai khối công lập và ngoài công lập trong toàn bộ hệ thống giáo dục quốc gia. Biên chế của ngành giáo dục chiếm khoảng 43% tổng biên chế công chức và biên chế sự nghiệp của cả nước. Trong quỹ lương khối sự nghiệp của cả nước, ngành giáo dục cũng chiếm khoảng hơn 70%. Như vậy, đội ngũ nhà giáo là lực lượng đông đảo nhất trong tổng số công chức, viên chức của tất cả các ngành, lĩnh vực, có vai trò quan trọng trong sự phát triển của đất nước, đảm bảm cho 23 triệu học sinh, 2 triệu sinh viên được học tập trong các cơ sở giáo dục.

Tuy nhiên, hiện nay hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo đang chịu sự chi phối của nhiều luật khác nhau như Luật Giáo dục năm 2019, Luật Giáo dục đại học năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2018), Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014, Luật Viên chức năm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) và các văn bản hướng dẫn có liên quan. Mỗi văn bản luật này đều có quy định về nhà giáo nhưng chưa cụ thể và chưa phản ánh rõ tính chất và yêu cầu nghề nghiệp của nhà giáo…

Tại tọa đàm, một số đại biểu cho rằng, các văn bản này vẫn chưa phản ánh rõ vị trí, vai trò và tính chất đặc thù nghề nghiệp của nhà giáo, xác định nhà giáo như tất cả các viên chức ở tất cả các lĩnh vực nghề nghiệp khác. Thực tiễn áp dụng các quy định về chính sách nhà giáo cũng gặp một số bất cập, thậm chí mâu thuẫn nhau, do có quá nhiều văn bản điều chỉnh nên thiếu sự đồng bộ và thống nhất.

Ngày 7/7/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 95/NQ-CP về xây dựng pháp luật. Trong đó, thông qua đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo với 5 chính sách nhằm nâng cao vị thế, vai trò của nhà giáo, tạo hành lang pháp lý vững chắc và toàn diện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà giáo.

Đề cập đến sự cần thiết xây dựng Luật Nhà giáo, có ý kiến cho rằng, các văn bản pháp luật còn tản mạn, chưa có tính hệ thống và thậm chí còn chồng chéo nhau. Trong bối cảnh phát huy quyền tự chủ giáo dục với nhiều áp lực đối với nhà giáo, cần đặt ra yêu cầu cần có một luật riêng để điều chỉnh về vị thế của nhà giáo. Việc xây dựng một đạo luật để tập hợp các quy định trong những văn bản pháp luật trở nên thống nhất và dễ áp dụng là điều cần thiết.

Nhiều ý kiến nhấn mạnh, Luật Nhà giáo được ban hành sẽ tạo tính liên thông và nhất quán trong giải thích và áp dụng pháp luật về nhà giáo, sẽ thống nhất được cách định danh nhà giáo, loại bỏ sự nhập nhằng, tùy tiện, tự xưng, tự phong…

S. Hải


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo